Những chiến binh tí hon

Tôi dự định chuyển đội quân nhỏ của mình đến một nơi tốt hơn tuyến lửa này. Là một người mẹ đơn thân 27 tuổi, một nách bốn đứa con thơ, tôi quen với ý nghĩ rằng mình đích thị là một người chỉ huy can trường chăn dắt lũ con của tôi. Thật ra thì đời sống của chúng tôi có khác gì đang trong một trại huấn luyện tân binh đầy khắc nghiệt đâu? Cả năm mẹ con chúng tôi phải chen chúc trong một nơi kín bít bùng - một căn hộ có hai phòng ngủ ở bang New Jersey - với những quy định nghiêm ngặt tự đặt ra về đồ ăn thức uống. Tôi đã không thể lo đủ cho các con mình ngay cả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như những bậc cha mẹ khác, và ngoài mẹ tôi ra, không ai khác trong gia đình tôi chịu ngó ngàng, quan tâm đến cuộc sống của lũ trẻ con tôi cả.

Tất cả đều trút lên đôi vai tôi, một thân trơ trọi nhận lãnh vai trò của người tổng chỉ huy đội quân của mình. Nhiều đêm, tôi thao thức hoạch định những chiến lược để cuộc sống của các con tôi được đầy đủ hơn. Dù chúng chưa bao giờ phàn nàn về sự thiếu thốn và dường như rất yên tâm sống dưới sự đùm bọc thương yêu của tôi, tâm trí tôi vẫn cứ luôn thôi thúc, nhìn trước trông sau, xoay đầu này, trở đầu kia, tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống đạm bạc của chúng. Cho nên khi tìm thấy một căn hộ có năm phòng ngủ trong ngôi nhà ba tầng - tầng hai và ba hoàn toàn thuộc về chúng tôi - tôi đã chóp ngay cơ hội này. Vậy là cuối cùng chúng tôi có thể thoải mái hơn. Ngôi nhà này thậm chí có cả một sân sau khá rộng rãi.

Bà chủ nhà hứa sẽ sửa chữa mọi thứ trong vòng một tháng. Tôi đồng ý và trả ngay bằng tiền mặt tiền thuê tháng đầu tiên và luôn cả tiền bảo vệ an ninh, rồi vội vã ra về báo cho ‘lính’ của tôi biết rằng chúng tôi sắp chuyển đi. Lũ nhóc mừng rơn và rất phấn khởi. Đêm đó tất cả chúng tôi nằm co cụm trên giường, tính toán những điều phải làm cho tổ ấm mới.

Sáng hôm sau, tôi thông báo cho người chủ nhà nơi chúng tôi đang ở rồi bắt đầu gói ghém đồ đạc. Chúng tôi chất những thùng đồ một cách nhanh chóng và gọn gàng. Nhìn đội quân của tôi làm việc, lòng tôi cũng thấy ấm áp.

Lũ lượt kéo đến nơi, tôi mới chợt nhận ra sai lầm chết người của mình. Tôi đã không có chìa khóa của căn nhà này. Rồi hết ngày này qua ngày khác, với những cú điện thoại không người nhấc máy và những lần kiếm cách đột nhập vào căn nhà đều thất bại, tôi bắt đầu phát hoảng. Tôi gọi điện thoại cho công ty địa ốc hỏi thăm. Họ cho biết là ngôi nhà này đã có người khác thuê. Tôi đã bị lừa.

Mặt mày méo xệch, tôi đưa mắt nhìn những khuôn mặt háo hức của các con và cố tìm lời để nói với chúng về tin chẳng lành này. Chúng đón nhận một cách bình thản mặc dù bản thân tôi thì chỉ muốn khóc vì thất vọng.

Với tâm trạng não nề của kẻ bại trận, tôi lại đối mặt với những khó khăn còn tồi tệ hơn nữa. Nhà cũ thì không thể quay về. Bao nhiêu tiền tôi có đã dốc sạch cho nơi ở mới này rồi, còn đâu nữa để tính chuyện đi thuê nơi ở khác. Mẹ tôi cũng muốn giúp đỡ, nhưng với điều kiện bọn trẻ không được phép vào căn hộ nhỏ của bà. Quá thất vọng, tôi quay sang nhờ một người bạn giúp đỡ. Chị ấy cũng là một “cựu chiến binh” như tôi: một mình nuôi năm người con và cũng đang vật lộn với cuộc sống không khác gì tôi. Chị ấy cố gắng hết mức để chứng tỏ lòng hiếu khách. Nhưng chín đứa trẻ trong bốn phòng... Thử hình dung xem, tôi chắc các bạn hiểu được hoàn cảnh bi đắt của chúng tôi rồi.

Sau ba tuần, tất cả đều không chịu nổi. Chúng tôi phải ra đi. Chẳng còn sự lựa chọn nào khác và tôi cũng chẳng biết làm gì hơn. Chúng tôi phải cuốn gói thôi. Tôi gom hết đồ đạc, nhét những quần áo ấm của mấy mẹ con vào cốp sau chiếc ô tô cũ ký màu vàng của mình, và thông báo cho những chiến binh tí hon rằng giờ đây chúng tôi không có nơi nào để trú chân ngoài chiếc xe hơi.

Hai con trai tôi, đứa lên 6 và đứa lên 10, nhìn tôi và chăm chú lắng nghe.

- Tại sao chúng ta không ở nhà bà hả mẹ? - Đứa lớn nhất hỏi.

Theo sau câu hỏi đó là một lô một lốc các đề nghị của những đứa khác về những nơi mà chúng tôi có thể ở. Với mỗi lời đề nghị, tôi đều phải trả lời về một sự thật khắc nghiệt.

- Mỗi người đều có cuộc sống riêng, các con ạ. Chúng ta phải tự lo cho mình. Chúng ta có thể làm được mà!

Nhưng nếu như thái độ tự tin và đầy thuyết phục của tôi làm chúng yên tâm thì những lý lẽ đó không thể lừa phỉnh được tôi. Tôi cần phải có thêm sức mạnh. Mà tôi biết trông cậy điều đó ở ai bây giờ?

Đến giờ đi ngủ, tôi tập hợp những chiến binh tí hon của mình lại và tiến về nơi đóng quân - chiếc xe của mẹ con tôi. Đám trẻ ngoan ngoãn vâng lời, nhưng đầu óc tôi lại cứ tập trung vào “tình hình chiến sự ác liệt” trước mắt. Tôi có nên làm thế này với các con mình không? Mà thực ra tôi có thể làm gì khác được trong tình thế hiện nay?

Thật bất ngờ, chính đội quân nhỏ của tôi đã mang cho tôi sức mạnh mà tôi đang cần. Bốn tuần kế tiếp chúng tôi phải sống trong xe hơi, tắm rửa tại nhà mẹ tôi vào buổi sáng và ăn uống tại những quầy thức ăn nhanh. Bọn trẻ dường như thích thú với lề thói kỳ quặc này. Chúng không bỏ học ngày nào, không phàn nàn và cũng chẳng hạch hỏi gì về quyết định của tôi. Chúng tin tưởng hoàn toàn vào sự khôn ngoan của người chỉ huy đến nỗi tôi bắt đầu thấy mình trở nên can đảm. Chúng tôi có thể vượt qua mà! Mỗi đêm chúng tôi dừng xe tại một điểm khác nhau, những khu vực đèn thắp sáng trưng gần các tòa nhà. Khi trời trở lạnh, bọn trẻ rúc vào băng ghế sau đã được hạ xuống để làm giường, chia sẻ nhau hơi ấm của cơ thể và các tấm mền. Tôi ngồi ghế trước, chập chờn trong giấc ngủ để thỉnh thoảng còn kịp tỉnh dậy nổ máy xe để dùng bộ phận sưởi của xe sưỏi ấm cho tất cả chúng tôi.

Khi tôi kiếm được đủ tiền để thuê một căn hộ thì không nơi nào chấp nhận bốn đứa trẻ, vì thế chúng tôi đăng ký ở trọ tại khách sạn. Thật tuyệt vời! Chẳng khác gì một kỳ nghỉ phép trong quân đội. Chúng tôi hồi hộp, mừng vui khi có hệ thống sưỏi, những chiếc giường và cả sự an toàn. Chúng tôi lén lấy thức ăn của mình ra nấu nướng và học cách chuẩn bị những bữa ăn ngon miệng bằng cái bếp hai lò. Chúng tôi làm lạnh những món bơ sữa trong bồn tắm bởi khách sạn có rất nhiều đá.

Cuối cùng, sau nhiều tháng, người chủ căn nhà đầy hứa hẹn ngày trước gửi một lệnh phiếu trả lại tất cả số tiền của tôi và hết lời xin lỗi. Tôi đã dùng số tiền này tìm thuê một căn hộ khác.

Chuyện đó xảy ra cách nay đã 13 năm. Giờ đây, tôi đang chia sẻ quyền chỉ huy với một người chồng, và bọn trẻ được chúng tôi chăm sóc chu đáo trong một ngôi nhà rộng rãi. Mỗi sáng, khi đi kiểm tra đội quân của mình, giờ đã cao gần bằng tôi, tôi nhớ đến sự tuyệt vọng ngày nào, kẻ thù khủng khiếp mà chúng tôi đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng. Tôi cảm tạ ơn trên đã ban cho tôi những chiến binh tí hon này - đội quân bé nhỏ lì lợm, dũng cảm - những chiến binh chẳng bao giờ biết khiếp sợ trong cuộc hành quân ghê gơm đó. Lòng can đảm của chúng chính là chất liệu làm nên điều vĩ đại nhất của các anh hùng.

Hãy cố gắng khi còn có thể

Cuộc Sống không phải lúc nào cùng mỉm cười với tất cả mọi người nhưng những gì chúng ta chọn lựa ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta trong tương lai.

Ông lão ăn mày

Ông lão ăn mày! Người ta gọi ông như thế vì ông nghèo và không nhà cửa. Thực ra, ông chưa hề chìa tay xin ai một đồng xu.

Tàn nhang

Một bà cụ đang nắm tay một bé xếp hàng trong công viên. Mặt cậu bé rất nhiều những đốm tàn nhang nhỏ, nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức.

Hãy mặc cho con bộ đồ màu đỏ

Công việc của tôi là chăm sóc những đứa trẻ mang trong người vi-rút gây ra căn bệnh AIDS. Những mối quan hệ tôi có được với những đứa trẻ đặc biệt này chính là món quà vô giá đối với tôi.

Hai người bạn

Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt.

Lời nhắn gửi muộn màng

Một chàng trai trẻ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và mọi phương thuốc chữa trị đều vô hiệu đối với bệnh tình của anh...

Cô giáo

Sự nhẫn nại của tôi sắp cạn. Không lẽ ngày nào tôi cũng phải nhắc Nicole đem trả cuốn truyện tranh mà cô bé đã mượn của trường.

Tiếng nói không lời

Dường như tôi đã hoàn toàn chịu thua, không thể tìm ra cách gì khác để cải thiện tình hình. Ngay từ ngày đầu tiên bước vào cấp hai, Willard P. Franklin đã bắt đầu sống trong thế giới của riêng mình...

Gã hành khất và hai người thầy giáo

Ông giáo Hùng gặp gã hành khất ấy ở một trạm bán xăng. Gã di chuyển bằng cách bò lết với cái chân khoèo và một cánh tay áo lắt lay.