Những chữ cái anh em

Hai anh em học hành chăm chỉ giỏi giang nhưng nhà nghèo, cha mẹ già đau bệnh liên miên. Cuộc sống ngày càng khó khăn, phải đi làm thuê kiếm tiền mua gạo và thuốc nên hai anh em bàn với nhau mỗi người đi học một ngày rồi nghỉ một ngày. Thầy giáo rất bực khi học trò bữa học bữa nghỉ. 

Một ngày kia, người anh nói với em: 

- Vừa học vừa nghỉ thì cả hai anh em mình đều làm phiền thầy giáo mà học hành cũng lõm bõm, thôi thì anh sẽ nghỉ học để đi làm kiếm tiền chăm sóc gia đình mình cho tươm tất, phần em cố gắng học nhé ! 

Người em ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: 

- Anh đi học trước em nên đã học được nhiều hơn em rồi, nghỉ thì uổng phí lắm, người nghỉ học là em mới phải. 

Người anh lắc đầu: 

- Anh có sức khỏe hơn em, anh đi làm mới kiếm được nhiều tiền mua thuốc cho cha mẹ. 

Thế là người anh nghỉ học đi làm thuê cho các nhà giàu trong làng. Chăn trâu, cày cuốc, vào rừng chặt tre về làm hàng rào, phụ thuyền chài ra biển đánh cá, thức đêm bện dây thừng… Bất cứ việc gì người anh cũng cật lực làm từ sáng đến tối. 

Nhờ cần cù siêng năng làm lụng, người anh mua được ruộng đất cho gia đình mình, không phải đi làm thuê nữa, rồi thì mua thêm được con trâu để cấy cày… Dần dần, anh sắm sửa được đủ thứ và trở thành người giàu có. 

***

Cha mẹ tuổi cao lần lượt qua đời và người em đã trở thành học trò giỏi nhất lớp, người anh chuẩn bị mọi thứ cho em về kinh đô dự thi. 

Người em nói: 

- Anh lo cho em đầy đủ quá mà chẳng chịu lo cho chính mình. Hãy cưới một người vợ tốt để chị ấy chăm sóc anh thì em mới yên tâm đi thi. 

Người anh mỉm cười: 

- Lỡ vợ anh ích kỷ không cho anh chăm sóc em nữa thì buồn lắm. Thôi, đợi khi nào em đỗ trạng nguyên và được vua gả công chúa cho thì anh mới yên lòng. 

Người em lo lắng nghĩ thầm, lỡ mà mình thi rớt thì sao? Ồ, không không, phải tìm cách… 

Người em bèn nói: 

- Em cứ sống bám vào anh hoài thì hổ thẹn lắm, chi bằng anh chia gia tài cho em, rồi mỗi người sẽ tự lo lấy mình nhé. 

Người anh hơi buồn, nhưng rồi cũng đồng ý: 

- Ừ, vậy thì chúng ta sẽ chia đôi mọi thứ có được. 

Người em mỉm cười: 

- Chia đôi thì dễ quá, hãy chia một cách thú vị hơn. Anh là chữ anh, trong chữ anh có chữ A, vậy thứ gì có chữ A thì thuộc về anh. Em là chữ em, trong chữ em có chữ E, vậy thứ gì có chữ E thì thuộc về em. 

Người anh bối rối gãi đầu nghĩ thầm “Em mình được học hành nhiều cho nên nói ra toàn chữ nghĩa khó hiểu quá”. 

Chiều ý em, người anh gật đầu: 

- Em muốn sao cũng được. 

- “Thửa ruộng” có một chữ A cho nên nó là của anh, “căn nhà” có hai chữ A cho nên nó là của anh, “hũ vàng” có một chữ A cho nên nó là của anh, “đàn bò” có một chữ A cho nên nó là của anh, “bầy trâu” có hai chữ A cho nên nó là của anh… 

Người anh kêu lên: 

- Sao lại vậy hả? Chia kiểu như vậy thì phần em có cái gì? 

- “Con mèo” có một chữ E cho nên nó là của em. Nhưng đường xa bất tiện, nhờ anh nuôi mèo dùm em nhé! 

Nói xong, người em ra đi. 

 

Khoa thi năm đó, người em đỗ trạng nguyên. Nhà vua ngỏ ý gã công chúa cho nhưng trạng nguyên nói: 

- Có một người xứng đáng với công chúa hơn tất cả trạng nguyên trên đời này. 

Nhà vua ngạc nhiên: 

- Có người như vậy sao? Là ai? 

Trạng nguyên kể về anh mình cho nhà vua và công chúa nghe, ai cũng tấm tắc khen ngợi. Nhà vua nói: 

- Ta sẽ thử lòng anh của trạng nguyên xem sao, và ta muốn tận mắt chứng kiến. 

Vua ra lệnh truyền tin khắp nơi tên của trạng nguyên là của người khác. Người em ăn mặc như bình thường quay về làng, nhà vua và công chúa giả dạng thường dân đi theo sau. 

- Em phụ lòng anh thi rớt mất rồi! - Người em giả vờ buồn rầu nói. 

- Không sao không sao, em cố gắng ôn bài rồi khoa thi sau sẽ đỗ mà. 

- Nhưng chẳng lẽ em lại tiếp tục ăn bám anh nữa ư? 

- Em không ăn bám gì anh cả. Hãy nhìn kia. Em có đầy đủ của riêng em tha hồ mà yên tâm học hành. - Người anh chỉ tay vào chiếc thuyền đang neo bên bờ sông và ngôi nhà mới dựng bằng trúc óng ánh tuyệt đẹp cạnh đó. 

Rồi nhại giọng của người em như hôm nào, anh chia gia tài: 

- “Căn nhà làm bằng tre trúc” có một chữ E cho nên nó là của em, “chiếc thuyền chứa đầy hàng hóa” có hai chữ E cho nên nó là của em, “bộ bàn ghế bằng bạc” có một chữ E cho nên nó là của em, “bộ ấm chén bằng ngọc” có một chữ E cho nên nó là của em, và “chiếc kiệu bằng gỗ quý” có hai chữ E… - Người anh dịu dàng an ủi - Anh làm chiếc kiệu này để đón em vinh quy nhưng bây giờ… thôi thì em cất để dành khoa thi sau nhé! 

Nhà vua reo lên: 

- Đây đúng là phò mã trung hậu mà ta mong muốn có được. 

Người anh ngạc nhiên không hiểu gì, người em nhoẻn cười chỉ tay vào công chúa: 

- Đây là món quà quý nhà vua ban tặng anh, “nàng công chúa” có hai chữ A. 

Từ Thức gặp tiên

Vào đời nhà Trần ở châu Ái có một chàng trẻ tuổi tên là Từ Thức. Chàng vốn con nhà quan. Năm 20 tuổi nhờ học giỏi thi đỗ cao, chàng được bổ một chân tri huyện ở một huyện vùng Bắc...

Truyện cổ tích quả bầu tiên

Ngày xửa, ngày xưa có một chú bé con nhà nghèo, nhưng vô cùng tốt bụng. Chú luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ, chăm sóc mọi người, mọi vật xung quanh mình. Vì thế cứ mỗi độ xuân về, chim chóc lại ríu rít kéo nhau tới làm tổ, hót vang quanh nhà chú bé....

Sọ Dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con...

Người cưới ma

Ngày xưa có một anh đồ họ Lê, nhà nghèo khó, phải bỏ đi các nơi làm nghề gõ đầu trẻ. Về sau anh được một phú ông một làng nọ đón về “ngồi” ở nhà để cho con khỏi đi học xa...

Viên ngọc ước của quạ

Ngày xưa, có một anh chàng trẻ tuổi tên là Đê. Nhà anh nghèo khó, cha mẹ phải cho đi ở tại một nhà lão trọc phú. Trọc phú bắt anh chăn trâu. Nhưng anh có thói ham chơi bời...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...

Chàng ngốc học khôn

Ngày xưa, có anh chàng tên là Đần lấy chị vợ tên là Khôn. Cả đời một chữ cắn làm đôi không biết, anh ta lại chẳng chịu thò đầu đi đâu, chỉ ru rú ở xó nhà để vợ sai bảo, từ việc nhỏ tới việc lớn, nên đã đần lại càng đần thêm...

Phạm Viên thành tiên

Ngày xưa, vào đời nhà Lê, ở huyện Đông Thành, có nhà họ Phạm sinh được hai con trai là Phạm Chất và Phạm Viên.

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...