Phùng Hưng đánh hổ

Vào khoảng đầu mùa hạ. Chưa năm nào động rừng như vậy. Thú dữ nhan nhản kéo về Đường Lâm, hết bầy này đến lũ khác. Nhưng rồi chỉ một dạo là tất cả đã phải bạt đi miền khác, bởi khiếp oai một con hổ không biết từ đâu tới.

Hổ lớn như một con bò mộng. Trâu, bò, lợn và cả người nữa, đều bị hổ hại không biết bao nhiêu mà kể. Dân làng đồn hổ đã thành tinh, vì họ đã đặt đủ các thứ bẫy, nhưng không bẫy nào chạm được tới nó. Đã có lần, một đám trai làng liều lĩnh, mang cung tên, giáo mác, theo dấu chân hổ, lần sâu vào rừng lùng từ sáng tinh mơ. Nhưng trời vừa sẩm tối thì thấy cả bọn mặt cắt không còn hạt máu, chạy hộc tốc về làng. Nhiều người sợ quá phát ốm li bì. Họ kể rằng vào lúc xế chiều thì gặp hổ trong rừng. Nhưng thật kinh lạ! Cả một loạt mũi tên độc từ tay đám trai làng phóng ra, bay như châu chấu về phía nó mà không mũi nào trúng đích. Hổ liền gầm thét nhảy xổ vào giữa đám người, và chỉ một tát, rồi một vả, đập chết gục luôn hai người trong bọn.

Dân làng Đường Lâm từ đó không có ai dám tính chuyện trừ hổ nữa. Mới chập tối, nhà nào nhà nấy đều gài ngõ, chèn cổng thật chặt, ở yên trong nhà. Trẻ con sợ không dám cất tiếng khóc. Và sáng sáng, dân làng khiếp đảm chỉ cho nhau xem những vết chân to bằng cái bát lớn, những đống nước dãi tanh tưởi của hổ rải trên đường làng, trong góc sân các nhà. Hổ được thể càng ngang nhiên hoành hành. Một buổi trưa, hổ đã dám tạo tợn chộp một con trâu lớn đang ăn cỏ ngay ven rừng, moi tim ruột ăn rồi bỏ thây lại.

Thấy hổ quấy nhiễu dân làng, Phùng Hưng giận lắm. Ông tới ven rừng xem kỹ dấu chân hổ, rồi bảo mọi người.

– Cứ để nguyên xác trâu ở đấy! Nó đang ăn dở mồi, nhất định tối nó sẽ quay trở lại. Ta sẽ sống mái với nó phen này!

Nói là làm. Sẩm tối, mặc lời can ngăn của mọi người Phùng Hưng nai nịt gọn gàng, lưng giắt dao nhọn, tay xách cây lao ngắn đi thẳng vào rừng. Mặt trăng vừa nhô lên trên khu rừng đen sẫm thì trận đấu dữ dội giữa người và ác thú cũng bắt đầu. Hổ dữ vừa lần tới chỗ mồi ăn dở thì Phùng Hưng cũng rời chỗ nấp, lững thững bước tới, cây lao lăm lăm trong tay. Nó sửng sốt giương đôi mắt đỏ như hai hòn than nhìn kẻ địch, và đột nhiên gò người phục xuống, nhe nanh gầm gừ đe dọa. Phùng Hưng cũng đứng lại, giữ thế, chờ.

Bỗng vụt một cái, đất đá bay rào rào, sau một tiếng gầm inh ỏi, nó chồm tới vồ Phùng Hưng. Chỉ đợi có thế, nhanh như cắt, Phùng Hưng nghiêng người vung tay phóng mạnh cây lao. Ngọn lao phóng hết đà tay, bay vụt, sáng loáng như một ánh chớp, cắm ngập vào giữa ức hổ đang lù lù như một trái núi đổ tới. Hổ gào thét, mất đà rồi chúi đầu xuống sát ngay mặt Phùng Hưng. Thuận tay, Phùng Hưng túm chặt lấy đầu, rút nhanh con dao, xả một nhát trí mạng vào gáy nó. Trúng hai vết thương hiểm ác, hổ rống lên giãy giụa, cố chổm dậy. Nhưng Phùng Hưng cũng mang hết sức mình, ghì chặt đầu nó xuống đất. Người và thú dữ giằng co, quần thảo dữ dội…

Lúc dân làng nghe tiếng hổ gầm thét, hốt hoảng đốt đuốc rùng rùng kéo nhau chạy ùa ra rừng, thì trận đấu gần kết thúc.

Dưới ánh đuốc lập lòe, con hổ vằn lớn như con bò mộng đang nằm phủ phục, bốn chân giãy đành đạch lần cuối cùng. Và Phùng Hưng, mắt long sòng sọc như tướng nhà trời, tay nổi gân cuồn cuộn, xoạc chân ấn chắc đầu nó như đóng đinh xuống đất. Cây cỏ một vùng đổ nghiêng ngả, nát nhừ.

Thấy hổ đã hết cựa, Phùng Hưng lúc ấy mới từ từ buông đầu nó, loạng choạng đứng thẳng dậy. Trời về đêm lạnh mà mồ hôi chảy ướt đầm cả tấm áo chẽn. Dân làng hò reo tưởng đến vỡ rừng, kiệu ngay hảo hán của mình lên, và khiêng xác hổ về. Cả làng đốt lửa ăn mừng ngay đêm ấy.

Từ đó, một đồn mười, mười đồn trăm. Danh tiếng “Phùng Hưng đánh hổ, cứu dân” lan rộng như sóng cồn ngoài biển cả. Chẳng bao lâu, khi Phùng Hưng dựng cờ khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Đường phương Bắc, hàng vạn người ở khắp nơi trong nước kéo về Đường Lâm theo ông đánh giặc. Tục truyền nhân dân ta thời đó đã tôn ông là “Bố Cái Đại Vương”.

Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em...

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Vào đời Vua Hùng thứ 18, Vua có một người con gái đã đến tuổi cập kê, công chúa có dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có một làn da trắng trẻo mịn màng, dáng người nàng cũng cao ráo. Tên của nàng công chúa này là Mỵ Nương...

Cường Bạo đại vương

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát...

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Lọ nước thần - Ai mua hành tôi

Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng. Một ngày nọ anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ...

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Thời Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song tự nguyện không lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước...