Sự tích bộ lông quạ và bộ lông công

Xưa kia Quạ và Công là đôi bạn chí thân. Cũng vì màu lông của chúng giống nhau: con nào con nấy đều xám xịt như vừa rúc ở bùn lên. Lúc ấy chúng làm gì đã có bộ cánh như bây giờ. Cả hai con đều tự biết mình xấu nên không dám chơi với ai cả. Riêng Công dưới mắt Quạ thì lại càng xấu tệ: cái đầu bé tý chẳng cân xứng với con người. Thêm vào đó, một cái cổ dài và ngẳng nghiu, thật khó coi hết sức. Một hôm Quạ bảo Công:

- Đằng kia có người thợ vẽ có thuốc đủ các màu, chúng ta hãy ăn trộm về mà tô chuốt cho nhau, sửa lại bộ cánh cho đẹp.

Công gật gù nhận lời. Hôm ấy, người thợ đang vẽ dở cho người ta một bô tứ bình, thuốc vẽ còn bỏ lăn lóc bốn bên người. Thừa dịp người thợ ngủ ngày, hai con vật lần lượt mò vào lấy trộm bút lông và thuốc vẽ đưa ra một gò con ở giữa hồ gần đấy. Lần thứ ba chúng nó toan vào lấy một mẻ nữa nhưng người thợ vẽ đã ngủ dậy. Chúng đành trở ra kiểm lại thì thấy chỉ được có một thỏi mục tàu, một gói thuốc xanh và một gói kim nhũ. Quạ bảo:

- Thôi được, ta cứ bắt đầu vẽ cho nhau đi!

Nói đoạn, Quạ bắt Công nằm xuống cho mình tô điểm. Quạ vốn khéo tay, thoạt tiên nó dùng màu xanh tô vào đầu vào cổ và mình Công. Tô đến đâu, rắc kim nhũ đến đấy. Đến cái đuôi, Quạ bắt Công phải cố xoè ra như cánh quạt cho mình vẽ được kỹ lưỡng. ở mỗi lông đuôi Quạ vẽ những vòng tròn và tô bằng mực tàu và kim nhũ rất đẹp.

Tô xong đắc ý, Quạ bắt Công phơi cái đuôi cho thật khô.

Công vốn vụng về nên khi bắt tay vào tô điểm cho Quạ thì nó lúng túng. Hơn nữa lúc đó màu xanh và kim nhũ đã cạn.

Giữa lúc Công chưa biết trang sức cho Quạ như thế nào thì bỗng có Quạ khoang ở đâu bay đến. Quạ khoang vốn có họ với nhà Quạ. Hồi ấy màu lông của nó trắng toát như vôi. Chưa đỗ xuống, nó đã giục tíu tít:

- Anh Quạ! Anh làm gì đó? Mau đi về phương Đông!

- Để làm gì?

- Có tin cho biết rằng phía đó mới có một trận đánh nhau to, thây chết như rạ. Thật là một dịp may hiếm có.

Quạ nghe nói đến thịt người thì sự thèm muốn làm cho nó không tự chủ được nữa. Quạ bảo Quạ khoang:

- Thế à? Nhưng để nó tô điểm cho tao cái đã. Chịu khó chờ tý nhé!

- Không được. Phải đến trước ban đêm... Ngày mai mới đến thì người ta chôn hết còn gì nữa.

Quạ nóng nảy, giục Công:

- Thế thì phải làm gấp lên mới được!

Quạ khoang thấy Công đẹp nên cũng muốn có một bộ cánh tươm tất. Nó xen vào:

- Anh Quạ! Anh làm ơn cho tôi một tý với. Tôi cũng cần ăn mặc tử tế một chút.

Quạ vui lòng chia sẻ phần thuốc vẽ của mình cho người em họ. Công nhân lúc Quạ vội nên chả cần ngắm nghía gì lôi thôi, trút một nửa số mực tàu lên đầu Quạ. Mực chảy đến đâu, người Quạ đen đến đó. Công còn hữu ý bôi cả vào mỏ vào chân làm cho toàn bộ người Quạ đen nhánh như cột nhà cháy.

Đến lượt tô cho Quạ khoang, Công cũng đổ số mực còn lại lên người nó. Khi nước mực rót xuống đâu, Quạ khoang hơi ngại vội rụt cổ lại, thành thử cổ của nó có một cái ngấn không bị mực thấm đến.

Nhìn thấy Công tô điểm cho Quạ khoang, Quạ mới biết là mình dại, không dưng lại để cho một kẻ vụng về trang điểm. Nhưng việc đã lỡ còn biết làm gì được nữa. Tức mình quá hai anh em nhà Quạ chỉ còn biết mắng cho Công một trận rồi bỏ đi. Từ đó Quạ không chơi với Công nữa.

Cũng vì thế mà ngày nay dòng dõi loài Công có bộ cánh rất sặc sỡ. Đi đâu chúng nó cũng ưỡn ẹo và luôn miệng khoe khoang: "Cuông[1] tốt! Cuông tốt!. Trái lại, dòng dõi loài Quạ thì bộ cánh đen thui như mực, trong đó có Quạ khoang đặc biệt có một cái ngấn trắng ở xung quanh cổ. Vì phải bộ cánh xấu quá nên Quạ rất thẹn thò, đi đâu cũng than thở: "Quạ xấu hổ! Quạ xấu hổ!"[2].

 


Chú thích

[1] Cuông: công, tiếng Nghệ - Tĩnh.

[2] Theo lời kể của người miền Bắc, Tờ-ri-e (Triaire) và Trịnh Thục Oanh trong Con rùa vàng đã tiểu thuyết hóa truyện này, khiến cho câu chuyện khác với truyện kể trong nhân dân.

Truyện cổ tích Tấm Cám

Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị tên là Tấm, em tên là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó mấy năm cha Tấm cũng qua đời, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám...

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề...

Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó...

Viên ngọc ước của quạ

Ngày xưa, có một anh chàng trẻ tuổi tên là Đê. Nhà anh nghèo khó, cha mẹ phải cho đi ở tại một nhà lão trọc phú. Trọc phú bắt anh chăn trâu. Nhưng anh có thói ham chơi bời...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn...