Sự tích chim Trĩ bới mộ

Sự tích chim Trĩ bới mộ 

Ngày ấy, ở một làng nọ, có hai mẹ con sống đầm ấm bên nhau trong một căn nhà nhỏ dựng sát bìa rừng. Người con trai đã lớn, hàng ngày vác cung nỏ vào rừng săn bắn, còn người mẹ thì chăm sóc vườn nương.

Hôm ấy, chàng trai đi vào rừng sâu, nhưng cả ngày không bắn được con thú nào. Khi sắp sửa ra về, chàng bắt gặp một con Trĩ, liền giương cung bắn hạ nó.

 

Về nhà, hai mẹ con nướng con chim để dùng nó cho bữa tối. Trên mâm gỗ là con chim Trĩ vàng ươm đang bốc hơi nóng. Người con trai định cầm con chim lên xé thịt thì bỗng hắt hơi mấy cái liền. Bà mẹ thấy vậy định làm thay con thì cũng bị hắt hơi như vậy. Bà liền nói với con mình:

– Thôi, con ạ! Chắc thần linh không cho mẹ con ta được ăn thịt chim rồi. Ta chịu khó ăn cơm với muối vậy.

Xong bữa, người mẹ cầm con chim còn nguyên vẹn, đặt lên giàn bếp.

Hôm sau, công việc của hai mẹ con vẫn diễn ra như thường lệ: Người mẹ đi làm nương, anh con trai vào rừng săn bắn, đến tối mới về. Nhưng khi cả hai về đến nhà, một điều kì lạ đã xảy ra, nhà cửa đã được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất, giữa sàn nhà là một mâm cơm ngon lành được dọn sẵn từ bao giờ. Cả hai mẹ con đều rất đỗi ngạc nhiên, liền đi dò hỏi xóm giềng xem có ai sang giúp họ hay không, nhưng chẳng ai biết điều gì cả. Thế là hai mẹ con trở về nhà và vẫn quyết định ăn bữa com như bình thường vì họ quá đói bụng, mặc cho bất cứ chuyện gì sẽ xảy ra.

 

Mấy ngày sau đó, sự việc vẫn diễn ra y hệt như thế. Hôm đó, chàng trai lại sửa soạn cung nỏ vào rừng, dặn mẹ mình trông nom nhà cửa cẩn thận vì có thể chàng sẽ đi dài ngày. Nhưng vừa đến bìa rừng, chàng lại rẽ theo con đường tắt để trở về nhà. Chàng không vào nhà ngay, mà đứng nép vào bên ngoài chái bếp và vạch tấm phên lên nhìn vào trong. Chẳng phải đợi lâu, chàng thấy từ giàn bếp, chỗ treo con chim Trĩ, hiện ra một người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Nàng từ từ bước xuống và dọn dẹp mọi thứ trong nhà cho thật ngăn nắp, đâu vào đấy. Xong việc, nàng lại thu mình vào vỏ con chim Trĩ.

Chàng trai hết sức ngạc nhiên và thích thú. Đợi cho tới khi mặt trời vừa tắt nắng, cô gái xinh đẹp lại hiện ra và xuống bếp làm cơm nước cho bữa tối, bấy giờ chàng mới lẻn vào lấy vỏ con chim Trĩ giấu đi chỗ khác, và chạy đến ôm chầm lấy cô gái.

 

Cô gái hoảng hốt đẩy chàng ra, định chui vào vỏ chim, nhưng chiếc vỏ quen thuộc không còn ở trên giàn bếp nữa, bất đắc dĩ nàng đành phải đứng lại. Trước sự hỏi han rối rít của chàng trai, nàng bèn kể:

– Thiếp là con gái vua các loài chim ở xứ sở Mặt trời. Trên đường bay về cùng cả đàn, do ham chơi nên bị lạc đường, mắc nạn ở đây. Mang ơn hai mẹ con chàng đã không ăn thịt, nên thiếp tìm cách báo đền một thời gian, không ngờ bây giờ đã bị chàng phát hiện.

Đúng lúc đó, mẹ chàng trai trở về nhà, nghe qua sự tình, bà vui vẻ khôn xiết và bảo:

– Đây đúng là duyên nợ của hai mẹ con. Thôi, con gái yêu, con không phải đi đâu nữa, hãy ở lại đây cùng mẹ con ta.

Từ đó, hai người thành vợ thành chồng.

Một năm sau, đứa con đầu lòng của họ ra đời. Khi đứa bé được vài tháng tuổi thì cũng là lúc mùa thu hoạch đến. Người chồng định nghỉ việc săn bắn để lên rẫy cắt hái thì người vợ liền nói:

– Chàng cứ đi săn đi, việc thu hoạch hãy để thiếp lo liệu. Còn mẹ, xin mẹ ở nhà trông nom cháu, đừng lên rẫy làm gì.

Người chồng thấy thương vợ, hỏi:

– Liệu mình nàng có làm nổi không?

Người vợ trả lời:

– Chàng cứ yên tâm, nhớ nhắc lại với mẹ đừng có lên rẫy.

Người chồng nghe lời vợ, vác cung nỏ đi săn. Người vợ mang gùi lên rẫy hái lúa. Tới nơi nàng biến thành chim và nhờ họ hàng nhà chim cùng tuốt lúa với mình. Chẳng mấy chố, kho lúa đã gần đầy, rẫy đã tuốt xong quá nửa.

 

Ở nhà, người mẹ cảm thấy nóng ruột, sợ con dâu không tuốt kịp lúa, lại thêm đứa bé khát sữa cứ khóc váng lên. Bà liền địu cháu lên rẫy.

Lên tới rẫy, bà không thấy nàng dâu đâu cả, chỉ có bộ váy quen thuộc để trên tảng đá. Còn trên rẫy, hàng trăm con chim đang thi nhau mổ thóc. Bà tức giận, lấy đá ném vào đàn chim. Đàn chim hoảng sợ bay tan tác. Người con dâu vẫn không thấy đâu, bà liền nhặt bộ váy áo nàng lên và địa cháu quay trở về nhà.

Khi người con trai về tới nơi, bà vội vàng kể lại:

– Vợ con nói lên rẫy tuốt lúa, nhưng lại bỏ đi chơi, váy áo vứt lại để chim chóc tha hồ ăn hết lúa. May lúc đó mẹ lên tới nơi, đã đuổi lũ chim đi và mang bộ váy về đây.

Nghe vậy, người chồng vội vàng chạy lên rẫy xem sao thì thấy lúa đã gần đầy kho, còn rẫy thì vắng lặng. Chàng chợt hiểu ra mọi chuyện, bèn chạy khắp rừng núi gọi tên vợ, nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng hồi âm. Chàng về nhà ôm con than khóc.

Tiếng khóc thương vợ ai oán hàng đêm của người chồng đã vượt qua bao núi đèo, sông suối, rẫy nương, tìm đến đến nơi xa xôi có vua của các loài chim ở đó. Nơi đây, người vợ chim Trĩ nghe được tiếng khóc than của chồng, liền tìm cách bay về.

Trên cành cây cao trước của nhà chàng trai, chim Trĩ kêu rằng:

– Hỡi chàng ơi! Hãy theo ta về xứ Mặt trời, xin với vua cha cho cùng sum họp!

 

Nghe vậy, người chồng cõng con chạy theo chim. Vượt qua bao núi rừng, bao ghềnh thác, người chồng cam lòng hứng chịu mọi nỗi gian truân, vất vả. Nhưng đứa bé thì không thể chịu đựng được, nó đã chết trên lưng cha mình. Vô cùng thương xót đứa con bé bỏng, chàng chôn con mình trong một ngôi mộ nhỏ trên ngọn đồi đồi, rồi từ giã con, lên đường đi tìm tiếp. Nhưng người vợ trong lốt chim Trĩ đau đớn vì mất con cứ kêu lên ai oán và bay quanh quẩn bên ngôi mộ đứa bé. Rồi chim đậu trên mộ, cố moi đất tìm xác con cho khuây khỏa.

Người chồng không được ai dẫn đường, bị lạc lối và chết ở trong rừng. Đến khi biết không thể tìm được xác con, chim Trĩ lại bay đi tìm chồng, nhưng không gặp được.

Mất chồng, mất con, chim không muốn trở về với vua cha nữa, mà cứ tha thẩn trong rừng sâu, rồi cũng quên mất đường về, quên cả đường tới mộ con.

Từ đó, hễ thấy ở đâu có mộ, chim Trĩ lại ngỡ đó là mộ con mình, nên cứ ra sức đào bới. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi chim trĩ bới mộ, nhiều người vẫn không khỏi chạnh lòng bởi tiếng chim kêu não ruột như oán hờn, như ân hận điều gì của loài chim này.

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...

Rắn báo oán

Ngày ấy, trong một gò đất cây cối mọc um tùm ở làng Nhị Khê gọi là gò Rùa, có một con rắn mẹ sống với một đàn con...

Cường Bạo đại vương

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát...

Đồng tiền Vạn Lịch

Ngày xưa ở huyện Thanh Trì có một anh chàng học trò nghèo họ Nguyễn. Anh ta mồ côi cha, nhà cửa sa sút. Người mẹ làm nghề chống đò ngang cố nuôi cho con ăn học...

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Vào đời Vua Hùng thứ 18, Vua có một người con gái đã đến tuổi cập kê, công chúa có dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có một làn da trắng trẻo mịn màng, dáng người nàng cũng cao ráo. Tên của nàng công chúa này là Mỵ Nương...

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...

Người cưới ma

Ngày xưa có một anh đồ họ Lê, nhà nghèo khó, phải bỏ đi các nơi làm nghề gõ đầu trẻ. Về sau anh được một phú ông một làng nọ đón về “ngồi” ở nhà để cho con khỏi đi học xa...