Ngày xưa, ở nước Lào có một hoàng tử tên là Phôn-na-vông, rất đẹp trai, tài giỏi và có đạo đức. Vua và hoàng hậu rất yêu quý.
Khi hoàng tử đã đến tuổi trưởng thành, các quan trong triều ai có con gái lớn cũng muốn gả cho chàng. Nhưng kén mãi, hoàng tử vẫn không tìm được người ưng ý.
Quan tể tướng [1] cũng có một cô con gái xinh đẹp. Ông ta muốn dâng lên cho hoàng tử để sau này con ông chiếm được ngôi hoàng hậu. Nhưng cô này phải cái tính gian ngoan [2] nên chàng không ưa.
Một hôm, Phôn-na-vông cùng một toán quân hầu vào rừng săn thú. Mải đuổi theo mồi, khi sực nhớ ra trời gần tối, chàng quay lại thì quân hầu đã về đâu hết. Bên mình chỉ còn lại con cho săn và con sáo biết nói không lúc nào rời chàng mà thôi. Chàng buộc phải nghỉ lại dưới một gốc cây cổ thụ, bên bờ một hồ nước mênh mông.
Sáng ra, chàng thấy cảnh bình minh chiếu sáng mặt hồ tuyệt đẹp. Xa xa, từ phía chân trời có những đốm sáng đang tiến lại, to dần như những ngôi sao. Thì ra, đó là một bầy công. Hoàng tử vội núp vào một gốc cây, theo dõi. Bầy công lượn mấy vòng trên mặt hồ, thấy yên tĩnh liền hạ cánh, trút bộ áo lông công sặc sỡ, hiện nguyên hình bảy nàng tiên đẹp tuyệt trần.
Các nàng tiên xuống hồ tắm, vùng vẫy, nô đùa thỏa thích. Đẹp nhất là nàng tiên thứ bảy. Phôn-na-vông muốn chọn nàng làm vợ. Chàng ra lệnh cho con chó săn cắp bộ áo của nàng cất vào một nơi, rồi sủa lên mấy tiếng.
Thấy động, bầy tiên vội vã lên bờ, khoác áo lông công bay vút lên trời. Nàng tiên thứ bảy, người trẻ nhất, tìm mãi không thấy áo, hốt hoảng kêu rối rít:
– Các chị chờ em với! Chờ em với!
Con chó săn lại được lệnh sủa ầm ĩ. Sáu nàng tiên chị lượn đi, lượn lại mấy vòng, không thấy em nên đành bay về trời, bỏ em ở lại…
Theo lệnh của Phôn-na-vông, con sáo bay ra, nói:
– Áo cô ở kia! Áo cô ở kia!
Nàng theo gót chim sáo đến tận gốc cây thì bất ngờ gặp hoàng tử. Hoàng tử cởi tấm áo khoác ngoài của mình trao cho nàng mặc tạm và dịu dàng hỏi:
– Nàng là ai? Ở đâu tới đây?
– Thiếp là Dương-na-li, con gái út vua nước Chăm-pa.
– Còn ta là Phôn-na-vông, con trai vua nước Lào. Gặp nhau đây âu cũng duyên trời, ta muốn cùng nàng kết nghĩa vợ chồng. Chẳng hay nàng có vui lòng không?
Dương-na-li e lệ gật đầu ưng thuận.
Phôn-na-vông tháo chiếc nhẫn vàng của mình đeo vào tay Dương-na-li. Dương-na-li trao tặng chàng một chiếc vòng ngọc làm tin. Rồi cả hai lên ngựa về cung vua. Con chim sáo bay trước dẫn đường. Con chó săn theo sát sau vó ngựa.
Thấy con trai kén được vợ vừa đẹp người, đẹp nết, nhà vua Lào và hoàng hâu đều vui mừng. Cả triều đình ai cũng ngỏ lời chúc tụng. Riêng cha con lão tể tướng thì rất lấy làm ghen tức. Chúng bàn kế hãm hại đôi vợ chồng trẻ.
Lão tể tướng thông mưu [3] với một tù trưởng [4] quấy rối bờ cõi, rồi tâu vua xin cử hoàng tử đi đánh dẹp, hòng mượn tay bọn phiến loạn giết chết chàng. Phôn-na-vông cất quân đi. Chàng đánh trận nào thắng trận ấy, nhưng lão tể tướng lại phao tin là chàng thua to làm cho nhà vua rất hoảng sợ. Con gái lão lại sai một đạo sĩ [5] vào cung dèm pha rằng đất nước và hoàng tử đang lâm nguy chính vì Dương-na-li là một con quỷ, hiện hình để làm hại hoàng gia [6].
Cả tin, nhà vua quyết định khép Dương-na-li vào tội chết.
Trước ngày bị hành hình, Dương-na-li tâu với vua:
– Thưa phụ vương [7], ở nước Chăm-pa có tục lệ, ai bị xử tội chết đều được mặc áo lông công múa hát, chúc phúc cho người ở lại. Xin phụ vương ban ơn cho con được theo tục lệ đó.
Nhà vua chấp thuận.
Hôm bước lên giàn thiêu [8], Dương-na-li mặc bộ áo lông công lộng lẫy múa điệu “Lào phên” (điệu múa Lào) chúc phúc cho mọi người và nói lên nỗi oan ức của mình. Điệu múa uyển chuyển và giọng hát du dương làm cho người xem ai cũng mê say và xúc động. Bất thình lình, thuận đà, nàng vỗ cánh vút lên cao, nhắm hướng nước Chăm-pa bay thẳng.
Ai nấy sững sờ trông theo bóng nàng khuất dần trong mây bạc.
Thắng trận trở về, không thấy Dương-na-li, Phôn-na-vông rất thương xót. Hoàng hậu ứa nước mắt kể lại cho con nghe đầu đuôi nỗi oan khuất của nàng. Chàng than khóc mấy ngày ròng, rồi nhất quyết bỏ kinh thành đi tìm nàng bằng được.
Chàng trở lại bên hồ cũ, nơi hai người gặp nhau. Nghỉ đêm lại bên gốc cây cổ thụ xưa, chàng thấy vua Thủy tề từ dưới hồ lên bảo:
– Ta rất thương hoàng tử có lòng chung thủy, muốn giúp hoàng tử đến nước Chăm-pa. Nhưng từ đây đến đó đường xa và nguy hiểm lắm. Hoàng tử sẽ phải vượt qua một con sông nước sôi, bảy ngọn núi lửa và trên đường còn có thể gặp phải đại bàng chuyên ăn thịt người. Ta tặng hoàng tử một con khỉ dẫn đường, một viên ngọc quý để khi gặp nguy thì ngậm vào miệng cho người thu nhỏ lại và cái cung này đế bắn tan các ngọn núi lửa. Duy có con sông nước sôi thì ta không có cách gì trị nổi. Khi vượt sông, hễ kêu một tiếng “nóng quá” thì lập tức người chảy thành nước ngay. Hoàng tử đừng quên.
Phôn-na-vông nhận các bảo vật, vái chào, cảm ơn rồi ra đi. Chàng theo chân con khỉ dẫn đường, đi mãi. Đến con sông nước sôi, thấy hơi nước bốc lên ngùn ngụt, chàng hơi rợn. Nhưng nghĩ đến niềm sung sướng được gặp lại Dương-na-li, chàng liền cõng con khỉ lên vai, cắn răng lội qua không một tiếng kêu.
Một hôm, trời đã tối, đến một chân núi cao, chàng bỗng nghe có tiếng đàn bà đay nghiến chồng: “Ông còn đoán già, đoán non nữa thôi? Con mồi từ đông nam chẳng thấy dẫn xác tới, chỉ thấy đói nhũn cả người. Giỏi đoán nữa thôi!”.
Biết đấy là vợ chồng đại bàng đang chờ ăn thịt mình, hoàng tử cho con khỉ lên trước thăm dò. Quả nhiên, nó bị chúng xe xác ăn ngấu nghiến. Chàng liền ngậm viên ngọc quý vào miệng, thu nhỏ mình lại, nấp vào một kẽ lá. Đại bàng chồng bảo vợ:
– Ngày mai, bên Chăm-pa có lễ đón mừng công chúa Dương-na-li thoát nạn trở về, sang đó, thịt trâu, thịt bò tha hồ ăn.
Phôn-na-vông chờ cho chúng ngủ say, dùng mũi kiếm khoét một lỗ ở chân lông trên cánh đại bàng chồng rồi chui vào đấy. Sáng hôm sau, vợ chồng đại bàng bay lên không, đưa chàng tới kinh đô nước Cham-pa trong chốc lát.
Lễ chúc phúc cho Dương-na-li đông vui như một ngày hội lớn. Đại bàng sà xuống cướp thịt trâu, bò làm cho dân chúng chạy tán loạn. Phôn-na-vông liền nhả hạt ngọc ra, rút kiếm đâm chết đại bàng chồng. Đại bàng vợ hoảng hốt, tìm đường biến mất.
Nhờ có vòng ngọc làm tin, chàng được đón vào cung vua, gặp lại Dương-na-li. Vợ chồng vui mừng khôn xiết. Hoàng hậu nước Chăm-pa rất bằng lòng khi thấy con rể khôi ngô, tuấn tú. Nhưng nhà vua thì không chịu để con gái lấy chồng khi chưa được phép của mình. Nhà vua phán:
– Muốn lấy con gái ta thì phải lập được công to. Hiện nay nước ta đang có bảy ngọn núi phun lửa đốt cháy nhà cửa, giết hại dân chúng rất nhiều. Nếu ngươi trừ được nạn đó, ta sẽ gả con cho.
Phôn-na-vông liền giương cung bắn bảy phát. Tức thì bảy ngọn núi lửa tắt ngấm, biến thành bảy ngọn đồi tro nguội.
Giữ lời hứa, vua Cham-pa cho phép hoàng tử Phôn-na-vông và công chúa Dương-na-li thành vợ chồng và sai quân đưa họ về nước Lào…
Trong lễ mừng, công chúa Dương-na-li lại mặc áo lông công múa hát, chúc mừng hạnh phúc của mình và mọi người.
Từ đấy, dân tộc Lào có điệu múa công là gốc của tất cả các điệu múa Lào còn truyền lại cho đến ngày nay.
[1] Tể tướng: viên quan đứng đầu triều đình, điều hành công việc nhà nước.
[2] Gian ngoan: dối trá và tai quái.
[3] Thông mưu: mưu mô cùng nhau làm việc xấu.
[4] Tù trưởng: chúa đất đứng đầu một bộ tộc địa phương trong xã hội phong kiến.
[5] Đạo sĩ: người đi tu có nhiều phép thuật.
[6] Hoàng gia: gia đình nhà vua.
[7] Phụ vương: vua cha (tiếng xưng hô của con vua đối với vua).
[8] Giàn thiêu: giàn chất củi, vật liệu dẫn lửa, dùng để thiếu sống người bị tết chết. Đây là hình phạt dã man thời phong kiến.
[9] Bảo vật: vật quý. Trong truyện “bảo vật” là những vật có phép lạ màu nhiệm.