Trên các con đường của các thành phố hiện đại, bạn thường có thể thấy những chiếc xe tải lớn, kéo theo đằng sau một chiếc hòm sắt lớn hình chữ nhật. Ở một số bến tàu, những chiếc hòm sắt đó thường được chồng xếp lên nhau một cách trật tự ngăn nắp, do máy cần cẩu loại lớn cẩu lên tàu hàng loại lớn. Vậy các hòm sắt đó dùng để làm gì?
Hoá ra, các hòm sắt lớn đó gọi là côngtenơ, vỏ của nó làm bằng thép, chuyên dùng để tập trung chuyên chở một số hàng hoá dễ bị chèn ép hỏng hoặc bị biến dạng trong quá trình vận chuyển. Côngtenơ có quy cách kích thước quốc tế thống nhất, thông thường có chiều dài bằng 6,096 m, chiều rộng và chiều cao đều là 2,438 m. Vì Mỹ là nước phát triển cách vận chuyển này sớm nhất, xe tải của họ cho phép có chiều rộng lớn nhất là 2,438 m, kích thước đó về sau dần dần được các nước áp dụng theo. Ngoài quy cách đó ra, cũng có loại côngtenơ siêu lớn, dài đến 9,14 m và 12,2 m.
Sự xuất hiện côngtenơ đã nâng cao rất nhiều hiệu suất vận chuyển hàng hoá, do đó có thể mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Theo thống kê, so sánh tàu chở côngtenơ và tàu hàng có lượng giãn nước (trọng tải) tương tự, năng lực vận chuyển hàng năm của tàu côngtenơ tăng gấp sáu lần. Trong trường hợp bình thường chuyển một côngtenơ lên tàu chỉ mất ba phút, mỗi côngtenơ tiêu chuẩn có thể chứa 20-30 tấn hàng, do đó, mỗi giờ có thể xếp lên tàu 400-600 tấn; còn chở hàng theo kiểu "xếp rời" truyền thống, thì mỗi giờ chỉ có thể xếp lên tàu được chừng 35 tấn, sự hơn kém nhau về hiệu suất của hai trường hợp đó thật là lớn. Ngay từ năm 1965, một chiếc tàu chở dầu bằng côngtenơ của Mỹ, chỉ chạy trong ba tháng đã làm cho chi phí vận chuyển ban đầu là 6 đôla mỗi tấn bỗng chốc giảm xuống còn 1,5 cent (xu). Từ đó, hình thức vận chuyển bằng côngtenơ được chú ý rất nhiều và bắt đầu phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, đã có người nghĩ đến dùng hình thức côngtenơ để nâng cao hiệu suất vận chuyển nhưng nguyện vọng đó mãi đến trước sau những năm 50 của thế kỷ XX mới được thực hiện.
Tại sao vậy? Nguyên do là, phát triển vận chuyển bằng côngtenơ sẽ liên quan đến nhiều trang thiết bị mới, chẳng hạn như cần phải có ô tô tải cỡ lớn mới có thể chở được côngtenơ. Sau khi vận chuyển côngtenơ đến bến tàu, phải có sân bãi rộng, vững chắc để chứa nó. Ngoài ra còn phải có thiết bị cần cẩu chuyên dùng để cẩu lên tàu. Các tàu vận chuyển bằng côngtenơ chuyên dùng khác với tàu hàng thông thường, thân tàu phải thật rộng, kích thước boong tàu cũng phải thiết kế thích hợp với việc sắp xếp côngtenơ, nhiều tàu vận chuyển bằng côngtenơ cần có khoang tàu có thể nâng lên hạ xuống thuận tiện và có cần cẩu loại lớn. Có thể thấy rằng, vận chuyển bằng côngtenơ phải trên cơ sở phát triển các ngành ô tô, công nghiệp cơ giới cẩu trục và công nghiệp đóng tàu. Hơn nữa, đầu tư cho vận chuyển côngtenơ rất lớn, cần thiết phải có mạng lưới vận tải tiên tiến với quy mô tương đối lớn và các thiết bị chuyên dùng.
Vận chuyển bằng côngtenơ thích hợp với sự vận chuyển hàng hoá với khoảng cách dài, đặc biệt là vận chuyển giữa các châu lục. Do đó, vận tải đường biển là phương thức chủ yếu của vận chuyển bằng côngtenơ.
Thông qua việc sắp xếp các đội tàu côngtenơ để thực hiện vận chuyển liên vận trong phạm vi toàn cầu.