Trên đường cái, bạn có thể phát hiện có nhiều ô tô kéo lê trên mặt đất một cái xích sắt ở phía sau. Có phải vì người lái cố tình để xích sắt thòng xuống không kéo lên chăng? Tuy nhiên, một số xe con ở đằng sau đuôi cũng có một thanh sắt ngắn, khi xe chạy thanh sắt luôn tiếp xúc với mặt đất. Nguyên do vì sao?
Trong cuộc sống, chắn chắn bạn không lạ lẫm gì đối với hiện tượng tĩnh điện: Mùa đông khi mặc áo len, thường nghe thấy tiếng kêu "lẹt xẹt" nhè nhẹ, theo đó là trên áo len có những tia lửa nhỏ; Mùa hè, một số áo quần bình thường có thể bám chặt vào người không kéo ra được. Đó là do hiện tượng tĩnh điện gây nên.
Nói chung, tĩnh điện không gây nguy hại gì đến cơ thể người. Nhưng đối với ô tô chạy nhanh trên đường thì tĩnh điện là một mối nguy hiểm tiềm tàng, nhất là những xe xitéc chở xăng dầu dễ cháy.
Hiện tượng tĩnh điện ở ô tô có nguyên nhân từ đâu? Nguyên nhân thì có rất nhiều, ví dụ như ô tô khi chạy nhanh thân xe ma sát với không khí có thể sản sinh ra tĩnh điện; như ma sát giữa ống xả của động cơ với khí thải thoát ra với tốc độ nhanh cũng có thể sinh ra tĩnh điện; đối với các ô tô xitéc chở xăng dầu, sự ma sát và va đập giữa xăng dầu với thành xe bằng kim loại với đường ống, sẽ sản sinh ra nhiều lực tĩnh điện. Tuy nhiên, lốp cao su của ô tô lại cách điện, nên tĩnh điện do ô tô sản sinh ra mà không truyền xuống đất được, sẽ làm cho thân xe tích điện ngày càng nhiều. Khi các điện tích tĩnh tích lại đến một mức độ nào đó, thì điện áp giữa xe và các vật thể lân cận có thể đạt đến hàng ngàn vôn (điện áp dân dụng thường là 220 V). Đối với điện áp cao như vậy, rất có thể đánh thủng môi chất trung gian, do đó sản sinh ra tia lửa vì phóng điện, điều đó là hết sức nguy hiểm đối với ô tô khi phóng nhanh.