Từ xưa đến nay, vấn đề làm đường, xây cầu luôn luôn được coi là một hành động mang lại hạnh phúc cho người dân. Trong xã hội hiện đại, đường và cầu cũng được coi là cơ sở để phát triển kinh tế, nó quan trọng như huyết quản trên cơ thể con người. Tuy nhiên, khi người ta xây dựng đường bộ và đường sắt, không thể tránh khỏi gặp phải sự cách trở của núi cao, sông ngòi. Trong trường hợp khó thực hiện được câu ngạn ngữ truyền thống "gặp núi thì mở đường, gặp sông thì bắc cầu", thì vấn đề xây dựng đường hầm có thể là một phương pháp hữu hiệu thực tế nhất.
Những con đường hầm của đường bộ hoặc đường sắt đào xuyên qua núi, thẳng hơn nhiều so với việc mở những con đường bộ hoặc đường sắt chạy vòng quanh núi; hơn nữa khi gặp biển lớn chặn mất con đường mà không tiện làm cầu, thì đường hầm dưới biển lại giống như phép thuật bay lên trời, chui xuống đất của Tôn Ngộ Không có thể qua bên kia bờ một cách thuận lợi. Ngoài điều đó ra, đường hầm còn có nhiều chức năng, như đường hầm dùng để thoát nước hoặc cấp nước của thành phố, đường hầm để đặt ống ga than hoặc dây dẫn điện cỡ lớn, đường tàu điện ngầm, đường hầm dẫn nước tưới cho nông nghiệp và đường hầm chuyên dùng cho quân sự quốc phòng, v.v.
Mở đường hầm dưới biển đã từng là mộng tưởng như truyện "nghìn lẻ một đêm", nhưng nay đã trở thành hiện thực và đang ngày đêm phục vụ cho con người. Ví dụ con đường hầm dưới đáy biển xuyên qua biển Manche, toàn bộ chiều dài là 50 km, trong đó có 37 km đào xuyên qua lớp nham thạch đá vôi trắng nằm sâu dưới đáy biển 40 m. Đường kính của đường hầm là 7,3 m, có hai đường sắt chạy song song. Đường hầm qua biển Manche được khởi công xây dựng tháng 7 năm 1978, năm 1993 hoàn thành, là một trong những công trình thổ mộc lớn nhất Châu Âu. Việc khai thông đường hầm đó đã khiến cho thời gian đi xe lửa từ Paris sang London rút ngắn xuống còn ba giờ, đã có tác dụng rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Châu Âu, nhất là hai nước Anh, Pháp.
Đường hầm dài nhất thế giới phải kể đến đường hầm dưới đáy biển Amori-Hakodate của Nhật Bản. Nó xuyên qua eo biển Tsougarou của Nhật Bản nối liền hai đảo lớn Honshu và Hokkaido của Nhật Bản. Toàn bộ chiều dài của nó là 53,83km, chỗ sâu nhất cách mặt biển 240 m, đường kính đường hầm là 9,6 m, có thể khai thông một đoàn tàu cao tốc và một đoàn tàu thường. Chi phí toàn bộ công trình là 4,5 tỷ USD, số người tham gia xây dựng vượt quá 10 triệu lượt người. Đồng thời, công trình cũng nhận được 19 giải thưởng kỹ thuật bản quyền sáng chế phát minh và lập nhiều kỷ lục mới về công trình của thế giới. Hiện nay, đường hầm dưới đáy biển nối liền Nhật Bản với Hàn Quốc cũng đang được quy hoạch. Toàn bộ chiều dài của đường hầm này là 235 km, chỗ sâu nhất của nó cách mặt biển 300 m, việc xây dựng thành công đường hầm này lại sẽ là một thách thức của loài người đối với giới hạn của bản thân mình.
Đi đôi với sự phát triển của xã hội và nhu cầu hiện đại hoá, việc xây dựng đường hầm đã ngày càng ảnh hưởng nhiều đến đời sống của con người. Đường hầm xây dựng xuyên qua đáy sông của Trung Quốc là đường hầm đường Đả phố qua sông Hoàng Phố của Thượng Hải, và sau đó là đường hầm đường Đông Diên An cũng xuyên qua sông Hoàng Phố, đã trở thành động mạch quan trọng để phát triển nhanh chóng khu Phố Đông, khiến cho mọi người thoát khỏi cảnh phiền toái rất lớn khi phải qua phà, đồng thời cũng tạo cơ sở tốt đẹp để xây dựng đường hầm dưới biển ngày càng dài hơn, càng khó hơn sau này.