Đường sắt trên mặt nước không phải là đặt đường ray lên cầu vượt qua sông qua biển, mà là đưa đoàn tàu lên một loại phà lớn được chế tạo đặc biệt, rồi vượt qua sông hồ hoặc qua biển đưa toàn bộ đoàn tàu sang bên kia bờ. Do đó, đường sắt trên mặt nước giống như một chiếc cầu nổi có tác dụng nối liền và làm thông suốt đường sắt ở hai bờ.
Hiện nay, đường sắt trên mặt nước đã từ sông phát triển ra biển, từ phà chạy với khoảng cách ngăn giữa hai bờ sông phát triển thành phà vượt biển với cự ly dài. Nó tập trung ưu thế về các mặt như đường sắt vận tải thuỷ, côngtenơ hoá vận tải liên tục v.v. làm cho các toa tàu chạy trực tiếp lên phà, như vậy có thể tránh được việc bốc chuyển hàng hoá trên bến tàu, giảm tổn thất hàng hoá, đẩy nhanh hiệu suất chuyển hàng, nâng cao khả năng ăn hàng của cảng.
Điều quan trọng hơn là đường sắt trên mặt nước không những có thể giảm nhẹ áp lực vận chuyển đối với đường sắt trên đất liền, mà còn rút ngắn rất nhiều việc vận chuyển vòng quanh với khoảng cách dài của tàu hoả. Ví dụ, có một tuyến đường sắt trên mặt nước từ Liên Xô đi Đức, tổng chiều dài 540 km, thời gian chạy tàu chỉ tương đương với 1/6 so với vận chuyển trên đất liền. Hiện nay những nước có tuyến bờ biển dài, thuỷ vực rộng như Mỹ, Canađa, Đan Mạch, Thuỵ Điển v.v. đều ra sức phát triển đường sắt trên mặt nước.
So với việc xây dựng đường sắt trên đất liền, đường sắt trên mặt nước không cần phải làm nền đường và đường ray dài, do đó lượng công trình nhỏ, tiết kiệm đầu tư, thời gian thi công ngắn, hiệu quả nhanh. Vùng duyên hải Trung Quốc có nhiều thành phố, chiều dài bờ biển hơn 18.000 km có nhiều tiềm năng để khai phá đường sắt trên mặt nước. Ví dụ như từ Thượng Hải đi Ninh Ba, dùng đường sắt trên mặt nước vượt qua vịnh Hàng Châu, khoảng cách vận chuyển sẽ rút ngắn 1/3; đoạn đường sắt trên mặt nước từ Đại Liên đi Nhiên Đài đang xây dựng có thể rút ngắn hơn 1800 km so với xây dựng trên đất liền. Do vậy phát triển vận tải đường sắt trên mặt nước là rất thích hợp với tình hình Trung Quốc, cũng là một biện pháp để giảm bớt sự căng thẳng của ngành vận tải đường sắt hiện nay.