Thần Lúa - Truyện cổ tích dân tộc Tày

Ngày xưa có một người đàn bà nghèo, tuổi cao rồi mới sinh được một cậu con trai. Bà đặt tên con là Pọ Khâu (có nghĩa là Bố Lúa), ý mong mỏi con sẽ không phải ăn trái cây, lá rừng quanh năm suốt tháng như mình.

Pọ Khâu lớn lên rất khỏe. Sức vật ngã cả trâu đực.

Pọ Khâu rất yêu thương mẹ. Mẹ ốm nặng, Pọ Khâu lo lắm. Ai mách thuốc gì, ở đâu, dù phải leo đèo, lội suối, Pọ Khâu cũng đi. Nhưng không thuốc nào chữa khỏi. Thật ra, bà mẹ đói, thèm bát cơm.

Một hôm trên đường đi tìm lá thuốc cho mẹ, Pọ Khâu nằm nghỉ bên suối. Một con chim cu đất bay qua gáy:

Muốn mẹ khỏi đau
Lấy lúa cho mau
Về ăn thì khỏi.

Pọ Khâu giật mình, vùng dậy hỏi:

– Ở đâu có lúa, hỡi cu đất?

Chim cu lại gáy:

Yêu tinh mặt đỏ
Tích lúa đầy hang.

– Nó ở đâu? Pọ Khâu hỏi.

Cu đất hất mỏ chỉ ngọn núi cao rồi cất cánh bay đi. Bay được một quãng, cu đất quay lại, khẽ dặn:

Muốn giết yêu tinh
Phải rình lúc ngủ.

Pọ Khâu về nhà rèn một ngọn lao vừa dài, vừa nhọn, đi tìm yêu tinh. Anh đi hết chín châu, mười mường mới đến được ngọn núi cao, thấy vết chân nó chi chít trên sườn núi.

Anh theo vết chân, đến một cái hang rộng. May quá! Nó đang ngủ. Mặt nó đỏ như củ nâu chín, râu nó dài như rễ cây si. Nó ngáy to như sấm, thở phì phà phì phò làm cho cây cối nghiêng như có gió mạnh thổi. Người nó to bằng mười con voi.

Con yêu tinh vẫn ngáy như sấm, thở phì phà phì phò. Nó há miệng. Pọ Khâu nhanh như sóc, bám vào râu nhảy phắt lên cổ nó, phóng luôn mũi lao vào cuống họng yêu tinh. Nó kêu rống lên đau đớn rồi khạc khạc… Mũi lao phóng mạnh quá, cắm ngập vào cổ họng nó rồi. Nó giẫy giụa, máu chảy ào ra như suối.

Pọ Khâu bị nó hất một cái bay ra cửa hang. Anh ngất đi. Một lúc sau, tỉnh lại, anh vào hang thấy yêu tinh mặt đỏ đã nằm chết cứng.

Đúng như cu đất nói, thóc lúa chất đầy cả hang. Pọ Khâu xúc một gùi thóc mang về rồi gọi dân bản lên cùng lấy.

Pọ Khâu xay lúa, giã thành gạo, nấu cơm, làm bánh cho mẹ ăn. Quả nhiên, mẹ được ăn cơm, ăn bánh, bệnh giảm dần rồi khỏi hẳn. Cũng từ đó dân bản có thóc ăn, không ai phải ăn trái cây, lá rừng như trước nữa. Mọi người ra sức phát nương, trồng lúa, cuộc sống trong bản ấm no vui hẳn lên.

Về sau, để nhớ ơn Pọ Khâu, người dân tôn anh là Thần Lúa. Ngày giỗ ngày Tết bao giờ người ta cũng đặt trên bàn thờ một mâm gạo trắng.

Rạch đùi giấu ngọc

Ngày xưa, một ông vua nước ngoài có một viên ngọc vô cùng quý giá. Viên ngọc có hai điều lạ, một là cầm trên tay tưởng chừng rất nhẹ, thế nhưng đặt vào đâu thì ở đấy nặng trĩu...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...

Người cưới ma

Ngày xưa có một anh đồ họ Lê, nhà nghèo khó, phải bỏ đi các nơi làm nghề gõ đầu trẻ. Về sau anh được một phú ông một làng nọ đón về “ngồi” ở nhà để cho con khỏi đi học xa...

Bụng làm dạ chịu

Ngày xưa, có một anh chàng vô công rồi nghề, ngày ngày chỉ biết ăn bám vợ và khoác lác. Người vợ rất lấy làm bực mình vì phải nai lưng ra làm nuôi chồng và ba đứa con...

Phạm Viên thành tiên

Ngày xưa, vào đời nhà Lê, ở huyện Đông Thành, có nhà họ Phạm sinh được hai con trai là Phạm Chất và Phạm Viên.

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...

Cường Bạo đại vương

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trẻ tuổi làm nghề mò tôm bắt cá tại vùng sông Bồi. Tuy quanh năm chỉ che thân một mảnh khố rách, chui rúc trong một túp lều ven sông, nhưng anh vẫn vui vẻ làm ăn, miệng luôn ca hát...

Sự tích con thạch sùng

Ngày trước, ở vùng nọ có đôi vợ chồng Thạch Sùng, gia đình vốn nghèo khó. Họ cùng nhau sống chui sống lủi ở túp lều ngay gần chợ để xin ăn cho qua ngày...

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...