Vào một buổi tối ướt át và lạnh lẽo, nhân viên cảnh sát Berniece Johnson đang cần mẫn thực hiện phiên trực của cô trên khu phố ở Portland, bang Oregon. Trong lúc đi tuần, cô nghe rađio thông báo có một tai nạn xảy ra trên cây cầu số 8 của thị trấn.
Lúc này, cảnh sát Johnson ở cách xa hiện trường tai nạn khoảng hai mươi phút, nhưng trong bụng cô có một cảm giác mạnh mẽ là phải tới giúp đỡ người đồng nghiệp nào đó của cô. Đúng ra cô không phải lo lắng như vậy. Họ không yêu cầu cô tới hỗ trợ, và có nhiều nhân viên cảnh sát đang ở gần hiện trường hơn cô. Nhưng cô vẫn cho xe vượt qua cầu Marquam -một trong những cây cầu bắc ngang sông Willamette, là con sông chia cắt thị trấn Portland ra làm đôi.
Tiếng nói trong rađio vẫn kêu gọi, và cô bắt đầu vòng xe đi về phía bên kia thị trấn. Một lần nữa, cảm giác nôn nao trong bụng cô lại quặn lên, nhưng nó muốn cô rẽ sang một con đường khác. Khi cô tới gần cầu Freemont, một tiếng nói thầm trong đầu cô vang lên:
- Rẽ vào đây.
Nhân viên cảnh sát Johnson lái xe lên cầu Freemont. Vừa định vượt qua cầu, cô để ý thấy một chiếc xe nhỏ đậu sai quy định trên lề đường. Chiếc xe vẫn để đèn pha phía trước bật sáng.
Nhận ra một người đàn ông và một phụ nữ ở trong xe, cô bắt đầu kiểm tra như thường lệ. Nhìn vào trong xe, cô hỏi to:
- Có vấn đề gì ở đây không?
Người phụ nữ với khuôn mặt ướt đẫm nước mắt, trả lời:
- Có. Chồng tôi muốn tự tử bằng cách nhảy xuống cầu.
Thủ tục đòi hỏi nhân viên cảnh cảnh sát phải tạm giam người muốn tự tử để họ bình tĩnh, suy nghĩ lại. Nhưng trực giác của cô mách bảo cô phải nói chuyện với con người tuyệt vọng đang ngồi sau tay lái, đang nhìn trừng trừng về phía trước.
Cô bắt đầu đưa ra những lý do tại sao anh ta không nên kết liễu mạng sống. Cô nói, trên đời này không có gì tồi tệ đến mức anh ta cần phải chết đi. Cô nói thật nhiều, thuyết phục thật nhiều.
Mười lăm phút sau, cô không còn biết phải nói thêm điều gì nữa. Dường như anh ta sắp khóc. Cô trấn an anh ta bằng câu:
- Phải là một người mạnh mẽ và nhạy cảm thì mới sẵn sàng khóc lên. Vì khóc là cách để chúng ta gạt bỏ nỗi đau buồn ra ngoài.
Người đàn ông úp mặt xuống lòng bàn tay, gục xuống và bắt đầu khóc thổn thức. Nhân viên cảnh sát Johnsaon thầm cầu nguyện: "Chúa ơi, con phải làm gì đây?"
Nơi băng ghế sau, cô để ý thấy một đứa bé nhỏ xíu. Cô bèn tâm sự với ông bố trẻ tuổi về nỗi buồn của cô khi lớn lên với một người cha không có tình thương dành cho cô. Cô nhắc anh ta nhớ rằng, dẫu anh ta có chịu đựng đau khổ như thế nào chăng nữa, anh ta vẫn có thể yêu thương và quan tâm tới đứa con nhỏ của mình. Anh ta sẽ luôn có mặt bên cạnh nó để nuôi dạy nó, để khích lệ nó khi nó lớn lên, và để đứa con trai nhỏ luôn cảm thấy an toàn trong thế giới này.
Người đàn ông càng khóc to hơn, và lúc này, nhân viên cảnh sát Johnson nghe tiếng thì thầm bên tai: "Im lặng đi! Đừng nói nữa!" Cô lại cầu nguyện: "Chúa ơi, con phải làm gì đây?" Dường như cô đang gỏi đến người đàn ông đau khổ này một luồng ánh sáng trắng để chữa lành vết thương. Dù di chuyển theo hướng nào, dù đứng xa xa hay bước lại gần gần, cô đều thấy anh ta được bao quanh bởi một quầng ánh sáng trắng.
Một tiếng đồng hồ sau, giống như cành hoa được tưới đẫm nước, người đàn ông ngồi dậy và ngước mắt nhìn nhân viên cảnh sát Johnson. Khuôn mặt anh ta sáng bừng lên một sức sống mới.
Cô mới anh ta sang ngồi bên chiếc xe tuần tra của cô. Cô có cảm giác anh ta muốn nói chuyện một mình với cô trước khi cô cho phép anh ta lái xe đi. Anh ta bắt đầu nói về những sai lầm mà anh ta đã phạm phải trong đời. về những vấn đề rắc rối với cha mẹ anh ta. Càng chia sẻ nỗi lòng tuyệt vọng với người khác, thái độ của anh ta càng dịu xuống và bình thản hơn.
Người đàn ông vừa có ý định tự tử quay sang nhân viên cảnh sát Johnson và cảm ơn cô đã có mặt ở đó kịp thời vì anh ta. Cô chạm vào cánh tay anh ta và nói khẽ:
-Trước khi anh đi, tôi muốn nói với anh điều này. Cho dù anh có ý định tự tử ở đâu vào đêm nay... tôi cũng sẽ tìm ra anh.