Tiếng hát – Truyện cổ tích dân tộc Gia Rai

Trên đỉnh một ngọn núi cao vùng Chư Bô-đa có một mỏm đá xanh, giống hệt như hình một em bé kháu khỉnh, xinh xắn cưỡi trên một con voi. Mỏm đá đứng ở chỗ ấy tự bao giờ không một ai biết cả. Chỉ biết rằng từ trước đời ông, đời cha, lâu lắm, mỏm đá ấy đã có rồi…

Ở trên cao, những tia nắng vàng rất dịu, những hạt mưa trong vắt, sáng như ngọc, thay nhau tắm gội cho mỏm đá. Và gió từ biển khơi phía đông, từ núi cao phía tây, rì rào nhè nhẹ thổi về, kể cho mỏm đá nghe thật nhiều chuyện kỳ lạ của những miền đất nước xa xăm. Chỉ có những con chim bay cao nhất, xa nhất mới đặt chân được tới đấy. Trước cảnh mây núi đẹp tuyệt vời, chim chớp mắt, nghiêng đầu nhìn ngắm. Rồi chim ngẩng cổ, há mỏ, cất giọng hót hay nhất của mình mà hát cho mỏm đá nghe những bài hát thần tiên, những điệu hát hay nhất, quý nhất của loài chim. Cứ thế tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, giọng kể của gió, tiếng hót của chim, như từ từ thấm sâu vào từng thớ đá, quấn quýt ướp lấy mỏm đá hình em bé trên đỉnh núi cao.

Một buổi sáng đẹp trời trong suốt, gió thoảng nhẹ, núi rừng trải rộng ra và im lặng. Mỏm đá hình người bỗng nhiên rùng mình nhè nhẹ, khẽ cựa quậy, rồi từ từ biến thành một em bé bằng xương, xinh đẹp chưa ai bằng. Em bé đứng yên lặng, mở to mắt nhìn núi, nhìn mây, miệng mỉm cười vui thích, rồi thong thả xuống núi.

Sáng hôm ấy, dưới chân núi, dân làng từng toán, từng đoàn, vai mang gùi, tay cắp rổ, đang tấp nập suốt lúa, bẻ ngô.

Bỗng nhiên, từ phía rừng xa, nai, mang, công, trĩ, chim phí, lợn rừng từng đàn, từng đàn kéo về đông nghịt.

Động rừng rồi! Chưa năm nào động rừng dữ dội như năm ấy. Dân làng hốt hoảng bỏ gùi, thả léc [1], cầm gậy chạy đuổi đằng đông, chạy dồn đằng tây, rướn cổ, hét đứt cả hơi, để đuổi thú, đánh chim, mà vẫn chẳng ăn thua gì. Mọi người lại ào vô rừng, hối hả dứt hàng vác mây nước, mây song về giăng chằng chịt, buộc bù nhìn, rồi gõ thanh la, khua mõ, nhưng vẫn vô hiệu. Cuối cùng, họ phải bỏ cả nương rẫy, mùa màng, chạy như bay về làng, tìm lao kiếm nỏ…

Vắng bóng người, chim lông vàng lông đỏ chắp cánh bay, xa trong như một đám mây ngũ sắc; hươu sao, nai vàng hàng đàn, hàng đàn kéo thẳng tới, xông vào nương rẫy. Giữa lúc ấy, em bé từ trên núi cao cũng vừa xuống tới nơi. Thấy cảnh hỗn độn ấy, em bé đứng nhìn đám muông thú mà cười, vẫy tay đùa bỡn với chúng.

Thấy chuyện lạ, chim sà xuống bờ nương, ngẩng đầu, lấm lét nhìn, hươu sao, nai vàng cũng lui lại bãi tranh rộng, vẻ ngờ vực, mắt giương tròn, lơ láo. Bỗng nhiên em bé thôi cười. Em bé từ từ mở miệng, cất giọng hát. Tiếng hát của em bé vút lên. Tiếng hát mới hay làm sao, lôi cuốn như hoa thơm quyến rũ ong vàng.

Nghe tiếng hát lạ lùng ấy, từ lũ chim công, chim phí [2] đến đàn nai, hươu sao, lợn lòi,… tất cả đều quên lửng mất chuyện phá lúa. Chúng gật đầu xòe cánh, đập đập móng,… và bắt đầu múa nhảy nhịp nhàng. Tiếng hát chậm, chúng nhảy chậm, tiếng hát nhanh, chúng nhảy nhanh, tiếng hát dặt dìu, chúng lim dim mắt, gật gù như người say rượu chếnh choáng hơi men.

Khi dân làng cắm lao, vác ná chạy đến nương, nghe tiếng hát, thấy cảnh ấy, họ đều sửng sốt, kinh lạ. Lũ muông thú vẫn cứ mê say nhảy múa, mãi cho đến khi nhận ra dân làng đang cầm lao, ná, ập tới, chúng mới giật mình đánh thót, đập cánh bay vù, chen nhau chạy giạt đi mất.

Dân làng vây quanh em bé, mừng rỡ như gặp được tiên. Họ tranh nhau hỏi chuyện xem em bé từ đâu tới, học ở đâu mà có tiếng hát thần kì như vậy. Nhưng em bé chỉ cười. Dân làng hỏi xem tên em bé là gì, em bé cũng chỉ cười. Tiếng cười giòn giá làm rộn lòng dân làng, và nụ cười tươi tắn làm rạng rỡ khuôn mặt xinh xắn của em bé. Dân làng liền mời em bé về làng. Họ sửa soạn đốt lửa, dựng chòi [3] cho em bé hát. Một cô gái xinh đẹp nhất làng thấy em bé đáng yêu quá, liền đặt tên cho em bé là Nai Ngọc. Em bé nghe thấy tên ấy thì gật đầu, và lại cười. Dân làng cũng cười theo, vui thích vì đã chọn được một tên đẹp cho một em bé kỳ lạ.

Tối hôm ấy, trăng sáng lắm, Nai Ngọc ngồi giữa dân làng cất tiếng ca. Em hát những bản anh hùng ca cho bà con trong bản nghe. Trăng lặn, sao mờ, nhưng không một ai chịu về ngủ cả. Họ ngồi nguyên như vậy cho tới lúc nắng vàng chiếu rọi trên nương.

Từ đó, Nai Ngọc sống chung với dân làng. Tiếng hát của em khiến mọi người làm việc không biết mệt mỏi, hết cả buồn chán, khiến cho nương đầy lúa, rẫy đầy ngô, rừng núi nở hoa.

Nhưng một ngày kia, khi Nai Ngọc đang cùng dân làng làm việc trên nương, thì bỗng thấy bốn phương lửa cháy rừng rực, rồi tiếng chiêng, tiếng trống rầm rập nổi lên. Có những người đội khăn đỏ, ngồi trên lưng ngựa, phi như gió. Khăn quàng của những kỵ sĩ thắt chéo trước ngực, một tay họ cầm đuốc, một tay họ cầm ớt, cầm coòng đồng [4]. Đoàn người ngựa lao vùn vụt hết làng này qua làng khác. Lệnh truyền của Mơ-tao [5] vang khắp nơi:

– Bọn giặc ở dưới biển sắp lên cướp phá quê ta! Chúng kéo đi đông như lá rừng, nhanh như chớp giật, giáo mác chĩa lên trời tua tủa như bông lách, bông lau,… Ai là người thương mẹ, thương cha, ai là người thương đất nước, thương ông bà, hãy mau ra đánh giắc!

Nghe tin, dân làng liền bỏ cả công việc, chạy ào về làng. Thanh niên, trai tráng, các cụ già, tất thảy đều cầm chặt tên nỏ, giáo mác, sẵn sàng đi giúp Mơ-tao đuổi đánh bọn giặc biển. Nai Ngọc cũng cầm khiên, đao [6] theo đoàn quân xuất trận. Giáo gươm tua tủa chọc trời.

Quân hai bên đã gặp nhau. Phe địch tấn công ào ạt, thế mạnh như nước tràn bờ. Nai Ngọc từ từ lùi lại, trèo lên một mỏm đồi cao. Và nỗng nhiên, có tiếng hát ngân nga, trầm bổng cất lên.

Nghe giọng hát vút lên như gió mát ấy, lính địch ngừng tay kiếm, đứng sững sờ như những pho tượng đá. Chúng đờ người ra, nghe như nuốt lấy từng tiếng, binh khí tuột khỏi tay, rơi xuống đất từ lúc nào chẳng biết. Và rồi từ từ họ gục xuống, ngủ say như chết dưới chân ngựa bạch, ngựa hồng, voi xám.

Mơ-tao hết lời khen ngợi Nai Ngọc. Ông ta thưởng cho Nai Ngọc một trăm con voi ngà vàng, một trăm chiếc ché ba [7] thật quý, và một trăm người tôi để hầu hạ. Nhưng Nai Ngọc chỉ cười mà lắc đầu. Em lại cùng dân làng trở về nương rẫy, sớm chiều ất cao tiếng hát của mình cho bà con thân thích nghe.

Được vài ngày thì dân làng bỗng không thấy Nai Ngọc đâu nữa. Em bé đã ra khỏi làng, một mình theo đường cũ trở nên núi. Dân làng vội vã đổ đi tìm, nhưng không thấy. Họ chờ đợi từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, từ mùa xuân sang mùa hạ, từ năm này qua năm khác, nhưng vẫn chẳng thấy Nai Ngọc về nữa.

Dân làng bảo rằng Nai Ngọc sau khi giúp dân trừ giặc ác, đã trở lên núi cao, biến thành đá như trước rồi. Từ đó, tới mùa hoa tam-bi nở vàng, hoa tam-doan [8] nở tím, hoa ê-păng nở trắng, hoa guôn nở hồng, các cô giái làng thường trỏ vào những loại hoa đó mà hát:

“Hoa rừng nở bên suối
Những cánh hoa hình trái tim đỏ
Đua nhau nở
Để ca ngợi tiếng hát của em Nai Ngọc thân yêu…”.

Và mọi người đều tin rằng một ngày kia, nhất định Nai Ngọc sẽ trở lại làm người, về với dân làng, cất tiếng hát kỳ diệu giữa cảnh núi rừng thanh bình, tươi đẹp…


Chú giải

[1] Léc: loại gùi nhỏ, đan bằng mây để đựng đồ dùng đi rẫy.

[2] Chim phí: loại chim nhỏ, bay lượn hót ríu rít trên nương lúa.

[3] Ngày xưa, có nơi ở Tây Nguyên, dân làng thường dựng chòi cho nghệ nhân đứng hát để tỏ lòng kính trọng, hâm mộ.

[4] Đuốc, ớt, coòng: những người đi báo tin chiến tranh ngày xưa cầm đuốc và ớt, tượng trưng cho sự khẩn cấp, cầm coòng, tượng trưng cho lời kêu gọi đoàn kết.

[5] Mơ-tao: tù trưởng đứng đầu một miền.

[6] Đao: loại vũ khí cán dài, lưỡi giống lưỡi mác.

[7] Chẻ ba: bình cổ bằng đất nung.

[8] Hoa tam-bi, tam-doan,…: tên các loại hoa rừng Nam Tây Nguyên, thường nở nhiều vào mùa xuân.

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề...

Con ma báo thù

Ngày xưa ở Gia-định có một tên cướp lợi hại bị bắt và kết án tử hình. Trong ngục, hắn ta bảo người nhà đem hậu lễ đến chạy chọt với tên quan án để mong quan cố tìm cách cứu hắn thoát chết...

Tiêu diệt mãng xà

Ngày xưa, trong một hang núi nọ có một con mãng xà. Đầu nó to bằng cái chum, trên đầu có mào đỏ, hai mắt như hai quả quýt, thân dài hơn trượng...

Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa, vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ...

Rạch đùi giấu ngọc

Ngày xưa, một ông vua nước ngoài có một viên ngọc vô cùng quý giá. Viên ngọc có hai điều lạ, một là cầm trên tay tưởng chừng rất nhẹ, thế nhưng đặt vào đâu thì ở đấy nặng trĩu...

Sự tích Thánh làng Chèm

Ngày xưa, ở làng Chèm có một người họ Lý khỏe mạnh lạ thường. Đặc biệt thân thể của anh ta quá khổ, đo được hai trượng sáu thước bề cao. Vì thế đi đâu ai cũng kinh sợ người ta gọi là Ông Trọng...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó...