Sương mù là do những giọt nước hoặc tinh thể băng trôi nổi trong không khí mà thành. Khi có mù sẽ cản trở tầm nhìn, do đó những vật xa nhìn không rõ, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông. Ô tô, tàu bè, máy bay, v.v. đi trong sương mù dễ bị tai nạn. Đặc biệt là sân bay có sương mù thì không thể cất cánh hay hạ cánh, bởi vì người lái không thấy rõ vị trí và độ cao của đường băng. Ở vùng núi khi sân bay có sương mù, hạ cánh dễ đâm vào núi. Vì vậy phá sương mù cho những sân bay nhiều sương mù là vấn đề vô cùng quan trọng. Ở căn cứ không quân Aimentơphu bang Alasca Mỹ đã từng dùng phương pháp phá mù nhân tạo, quét một hành lang trong không trung khiến cho 185 máy bay an toàn cất và hạ cánh.
Sở dĩ sương mù cản trở tầm nhìn là vì các giọt mù tán xạ tia sáng từ vật mục tiêu truyền đến, đồng thời lại có thể chập ánh sáng Mặt Trời mà nó trực tiếp tán xạ lên các tia sáng của mục tiêu đã được yếu đi, đặc biệt là những tia sáng chập lại này lại mạnh hơn rất nhiều so với các tia sáng từ mục tiêu chiếu đến. Do đó chỉ có cách phá tan sương mù mới có thể nhìn thấy rõ mọi vật.
Có hai phương pháp phá tan sương mù. Phương pháp thứ nhất là khiến các giọt mù bốc hơi. Phương pháp thứ hai là khiến các giọt mù rơi xuống.
Phương pháp làm bốc hơi các giọt mù lại có hai loại: một là nâng cao nhiệt độ, tức là đốt các loại nhiên liệu như dầu mỏ, v.v. khiến cho các giọt mù hoá khí, cách thứ hai là làm cho không khí khô ráo từ bên ngoài lẫn vào trong đám mù để giảm thấp độ ẩm tương đối của đám mù, làm cho không khí trong đám mù từ trạng thái bão hoà biến thành trạng thái không bão hoà, các giọt mù sẽ bốc hơi. Để trộn lẫn không khí bên ngoài với đám mù người ta thường dùng xe quạt gió mạnh hoặc máy bay trực thăng bay đi bay lại quanh một trục thẳng đứng cố định, nó có tác dụng làm cho các giọt mù bốc hơi nhanh. Đối với đám mù dày 300 m, biện pháp này rất có hiệu quả, có thể khiến cho trong đám mù xuất hiện một không gian không có sương mù, đường kính khoảng 300 m và có thể duy trì được 5 - 10 phút.
Phương pháp làm cho mù lắng xuống nói chung là rắc chất xúc tác làm lạnh hoặc chất hút ẩm. Ví dụ đối với những đám mù quá lạnh người ta có thể rắc băng khô, bạc iođua, hoặc ở chỗ đầu gió của sân bay cho bốc hơi các chất lỏng propan, khiến cho nhiệt độ giảm thấp. Như vậy một mặt khiến cho một phần tinh thể băng bốc thành hơi nước. Những hơi nước này lại chuyển thành ngưng kết vào trong các tinh thể băng, làm cho các tinh thể băng này to lên, nặng mà rơi xuống đất. Do đó chúng dễ biến thành mưa.
Đối với sương mù ấm mà nói, có thể rắc muối ăn, phân đạm hoặc những hạt ngưng kết khác nhau. Chúng sẽ hút hơi nước trong sương mù, giảm thấp mức độ bão hoà hơi nước của sương mù, khiến cho các giọt mù bốc hơi. Theo thí nghiệm thì đối với sương mù ấm, dùng phân đạm tương đối tốt, bởi vì nó không gây hoen gỉ đồ vật cũng như không có độc hại đối với cây cối. Khi các chất xúc tác hút ẩm có nước ngưng kết mà to đến một mức độ nhất định, khiến cho tầm nhìn sân bay sẽ tốt hơn.
Đương nhiên những biện pháp tan mù này cũng có thể dùng trong thành phố để cải thiện tầm nhìn, giao thông được thuận lợi.