Hằng năm vào mùa gió lốc (áp thấp hay xoáy thuận) nếu chú ý nghe tin Đài phát thanh chắc chắn bạn sẽ phát hiện: gió lốc thường sản sinh trên biển Thái Bình Dương. Theo vị trí mà nói, nó thường sản sinh trong vùng nhiệt đới từ 5 - 20 vĩ độ bắc, hơn nữa năm nào cũng thế. Có thể nói biển nhiệt đới là quê hương của gió lốc.
Gió lốc thuộc gió xoáy nhiệt đới. Nhưng gió xoáy nhiệt đới không chỉ có gió lốc mà còn bao gồm cả gió bão mạnh, gió bão nhiệt đới và áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh từ cấp 12 (tốc độ gió 118 - 132 km/h) trở lên gọi là bão rất to, sức gió từ cấp 10 - 11 thì được gọi là gió bão, sức gió cấp 8 - 9 thì gọi là gió bão nhiệt đới, sức gió dưới cấp 8 gọi là áp thấp nhiệt đới.
Có hai điều kiện chủ yếu để sản sinh gió lốc: một là nhiệt độ tương đối cao, hai là hơi nước dồi dào.
Khi đun nước sôi, nước từ dưới đáy ấm bốc lên, đó là vì nước ở đáy ấm sau khi chịu nhiệt giãn nở ra. Không khí cũng thế, tầng không khí bên dưới sau khi chịu nhiệt sẽ bốc lên trên. Ở khu vực nhiệt độ cao nó gặp phải không khí bị nhiễu loạn, một lượng lớn không khí bắt đầu bốc lên cao khiến cho áp suất không khí gần mặt đất giảm xuống. Lúc đó lớp không khí bên ngoài sẽ liên tục đổ vào luồng không khí đang bốc cao, vì Trái Đất chuyển động khiến cho luồng không khí đổ vào đó xoáy tròn như một bánh xe, đó chính là nguyên nhân sản sinh ra gió lốc. Khi luồng không khí bốc lên giãn nở thì nó biến thành lạnh, hơi nước trong đó gặp lạnh, ngưng kết thành những giọt nước, đồng thời nhả nhiệt. Điều đó lại càng khiến cho lớp không khí dưới thấp không ngừng bốc lên, áp suất không khí phía dưới càng giảm, không khí xoáy tròn càng mạnh hơn, đó chính là nguyên nhân cơn lốc ngày càng mạnh.
Chỗ nào đồng thời đầy đủ hai điều kiện trên? Chỉ có trên biển nhiệt đới. Ở đó nhiệt độ không khí trên mặt biển rất cao khiến cho không khí tầng dưới có thể tiếp nhận nguồn hơi nước trên mặt biển, tức là chỗ hơi nước trên Trái Đất dồi dào nhất. Chính những hơi nước này là nguồn động lực chủ yếu để hình thành gió lốc. Không có nguồn động lực này thì cho dù gió lốc đã hình thành cũng sẽ tan đi. Thứ hai là ở đó gần đường xích đạo, tác dụng của lực ly tâm do Trái Đất tự quay sinh ra mạnh, có lợi cho sự quay tròn của gió lốc và tăng thêm sức mạnh phức hợp. Thứ ba là tình trạng mặt biển nhiệt đới so với mặt biển ở vĩ độ trung bình đơn thuần hơn, vì vậy không khí trên cùng một khu vực biển luôn giữ được điều kiện ổn định lâu dài, khiến cho gió lốc có đủ thời gian để tích lũy năng lượng, hun đúc nên gió lốc. Với sự phối hợp của các điều kiện này, chỉ cần có cơ hội xúc tác thích hợp, ví dụ ở trên cao xuất hiện luồng khí bức xạ khuếch tán, hoặc có gió ở hai bán cầu nam, bắc gặp nhau ở phía bắc xích đạo thì gió lốc sẽ hình thành ở một khu vực biển nhiệt đới nào đó và tăng mạnh dần lên. Theo thống kê, trên mặt biển nhiệt đới gió lốc thường sản sinh ra ở khu vực nhiệt độ mặt biển cao hơn 26 - 27°C.
Kết quả thống kê cho thấy: vùng sản sinh gió lốc chủ yếu có ở biển phía đông Philippin, biển Đông, quần đảo phía tây Ấn Độ và bờ biển phía đông Châu Úc. Những vùng biển này nhiệt độ nước biển khá cao, cũng là chỗ gặp nhau của các luồng gió hai bán cầu Bắc, Nam. Do đó hằng năm các vùng này thường sản sinh trên 20 lần gió lốc.