Cưỡi gió mạnh, đạp sóng dữ...
Thuở ấy, nước ta bị giặc Ngô bên Trung Quốc đô hộ. Giặc Ngô tham tàn bạo ngược, vơ vét của cải, ức hiếp dân lành. Đất nước tiêu điều, xơ xác, lòng dân oán hận, căm hờn.
Hằng ngày, chứng kiến cảnh nhân dân bị giặc Ngô đánh đập, cướp bóc, cha phải đêm ngày cùng dân làng kiếm tìm những sản vật quý cống nạp cho tên thái thú quận Cửu Chân, Triệu Thị Trinh vô cùng uất hận, nung nấu ý chí quét sạch giặc Ngô ra khỏi bờ cõi. Cha và anh Triệu Thị Trinh đồng lòng, cùng nàng chuẩn bị lực lượng, tích trữ lương thảo, đợi thời cơ.
Không may, cha lâm bệnh nặng, qua đời. Triệu Thị Trinh nghe lời anh là Triệu Quốc Đạt về quê mẹ ở núi Tùng tập hợp hào kiệt, rèn luyện binh mã, chờ thời cơ.
Ở vùng núi Tùng bấy giờ xuất hiện một con voi trắng một ngà rất hung dữ. Triệu Thị Trinh dụ voi xuống bãi lầy rồi nhảy lên cưỡi, thuần phục được voi. Sau sự việc này, để khích lệ lòng dân, nghĩa quân đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao:
Có Bà Triệu tướng,
Vâng lệnh trời ra.
Trị voi một ngà,
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước,
Theo gót Bà Vương.
Tin đồn về hòn đá biết nói và Bà Triệu là “thiên tướng giáng trần” giúp dân, cứu nước càng khiến nhân dân khắp nơi hưởng ứng nhiệt liệt phong trào khởi nghĩa.
Biết tin anh em Bà Triệu chuẩn bị khởi nghĩa, tên thái thú lo sợ, phái một nguy quan là bà con với vợ Triệu Quốc Đạt đi do thám tình hình. Vợ Triệu Quốc Đạt bèn nghĩ ra kế: ép chồng gả em gái cho tên nguy quan. Biết chuyện, Triệu Thị Trinh khảng khái nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân giặc, giành lại giang sơn, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Thấy mưu không thành, vợ Triệu Quốc Đạt bày kế cho tên thái thú đòi Triệu Quốc Đạt lên gặp để ở nhà mai phục bắt Triệu Thị Trinh. Triệu Thị Trinh biết âm mưu đó liền bắt gọn bọn phục binh, mắng nhiếc chị dâu, rồi cho người cấp tốc đuổi theo Quốc Đạt, gọi ông trở về.
Ngay đêm ấy, dưới ánh đuốc sáng ngời, trong tiếng trống đồng, tiếng cồng chiêng vang dội rừng núi Cửu Chân, trước ba quân, tướng sĩ, Triệu Quốc Đạt làm lễ tế cờ, tuyên cáo với trời đất.
Nhiều bộ tộc ở vùng rừng núi Cửu Chân, Giao Chỉ dẫn quân về hội nghĩa. Quân ta tiến công ồ ạt. Các huyện thành của giặc Ngô bị tiêu diệt, lửa cháy ngút trời, thành quách bị san bằng. Quân Ngô lớp trốn chạy, lớp bị tiêu diệt.
Trong các trận quyết chiến, Triệu Thị Trinh mặc áo giáp, cưỡi voi trắng một ngà, luôn dẫn đầu. Nhân dân khắp nơi vui mừng trước tin thắng trận dồn dập của nghĩa quân, hăng hái đốc thúc chồng con tòng quân và tiếp tế lương thực cho nghĩa quân :
Ru con con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Khiếp sợ trước sự lớn mạnh như vũ bão của nghĩa quân, giặc Ngô tập trung hết lực lượng để đối phó. Trong một trận đánh, Triệu Quốc Đạt bị lọt vào giữa vòng vây, trúng tên, anh dũng hi sinh.
Được tin anh tử trận, Triệu Thị Trinh lệnh cho tướng sĩ để tang, rồi lên ngôi chủ tướng, thề quyết trả thù cho anh. Giữa đêm, bà dẫn quân đi, bao vây quận Cửu Chân, đầu não của bọn đô hộ. Nghĩa quân giao tranh với giặc đến chiều hôm sau thì san phẳng được thành luỹ. Tên thái thú bị bắt và bị chém đầu để tế Triệu Quốc Đạt và các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước.
Bình định xong quận Cửu Chân, Bà Triệu kéo đại quân tiến đánh Giao Chỉ. Đại quân tiến đến đâu, quân Ngô khiếp sợ bỏ trốn hoặc xin hàng, thành nào chống cự đều bị tiêu diệt. Cả một vùng Giao Châu rung động.
Tin Giao Châu đã bị quân khởi nghĩa của Bà Triệu thu phục bay về triều đình nhà Ngô. Năm 248, vua Ngô lo sợ, cử tên tướng Lục Dận sang đánh dẹp.
Lục Dận rất lắm mưu mô. Hắn cử những toán lính nhỏ luồn sâu trong rừng núi, bỏ thuốc độc vào sông, suối; chặn đường tiếp tế, đốt các kho lương của nghĩa quân rồi tập trung hàng chục vạn quân tấn công. Nghĩa quân chống cự hết sức dũng cảm. Cuối cùng phòng tuyến bị vỡ, Bà Triệu phải rút về núi Tùng. Lục Dận cho quân vây chặt. Sau mấy tháng lương thực cạn kiệt, biết thế đã cùng, lực đã tận, Bà Triệu lên đỉnh núi Tùng nhìn quê hương lần cuối rồi rút kiếm tự vẫn. Bấy giờ là ngày 21 tháng 2 Âm lịch, lúc Bà mới 20 tuổi xuân và đã đánh hơn 30 trận oanh liệt.
Voi trắng một ngà chứng kiến cảnh ấy, ứa nước mắt, rống lên một tiếng dài đau thương rồi chạy mất hút vào rừng sâu.
Nhân dân vô cùng thương tiếc Bà Triệu, xây lăng mộ Bà ở chân núi Tùng. Hằng năm, vào ngày Bà mất, người người nô nức về đây thắp hương, tưởng nhớ người nữ anh hùng đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước.