Khí nitơ có công dụng gì?
Thành phần nitơ trong không khí bị người ta cho là "khí trơ". Hầu như nitơ không tạo nên điều gì đáng chú ý. Nitơ không giúp cho sự cháy, không duy trì sự sống. Một nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc vào cuối đời nhà Thanh đã dịch tên gọi "nitơ" thành "đạm khí" là khí nhạt hàm ý là nitơ đã làm nhạt bớt tác dụng của oxy trong không khí.
Người ta đã lợi dụng tính cô độc của nitơ để phục vụ lợi ích con người.
Trong những năm gần đây, ở nhiều nước, người ta chứa lương thực vào các túi bằng chất dẻo, hút hết không khí sau đó lại nạp vào đó đầy nitơ. Làm như vậy không những ngăn không cho mối mọt, vi khuẩn sống sót, mà chế ngự không cho lương thực thực hiện quá trình hô hấp (thở), làm lương thực được bảo quản lâu dài, an toàn. Cách bảo quản lương thực này được gọi là cách bảo quản bằng nitơ.
Những hợp chất của nitơ đều rất bền, cứng. Ví dụ hợp chất của nitơ và silic: Nitrua silic có thể dùng để chế tạo dao cắt kim loại. Trong công nghiệp hoá học, nitơ cũng có nhiều tác dụng hết sức quan trọng để làm thuốc nổ, phân bón, các chất màu và công nghiệp chế tạo axit nitric, một axit quan trọng trong công nghiệp hoá chất. Khi cho nitơ tác dụng với hyđro sẽ tạo thành amoniac. Amoniac tác dụng với các hợp chất khác tạo nên phân bón như các loại amoni sunfat, amoni nitrat, amoni cacbonat, ure… Từ ure có thể chế tạo được chất dẻo, sợi tổng hợp, dược phẩm cùng nhiều nguyên liệu quan trọng khác cho công nghiệp hoá chất.
Trong tự nhiên khi có sấm sét, các tia chớp lửa thường kéo dài đến mấy nghìn mét. Bấy giờ nitơ sẽ tác dụng với oxy tạo nên nitơ đioxit, hoà tan vào giọt mưa, biến thành axit nitric rơi xuống mặt đất rồi trở thành phân đạm là loại phân bón quý giá.
Theo tính toán, hằng năm có đến 400.000 tấn phân đạm được tạo ra trong các cơn giông làm tăng độ phì của đất đai.