Một chút can đảm vượt đường xa
Năm 1986, công ty quảng cáo của tôi thua lỗ nặng nề và đứng trên bờ vực phá sản, tôi hầu như chẳng có việc gì để làm. Tôi tuyệt vọng lang thang khắp nơi suy nghĩ về những ngày tươi đẹp đã qua và nặng lòng với câu hỏi tại sao mình lại đến nông nỗi này. Một ngày kia, tình cờ tôi đọc một bài báo cũ nói về tiềm năng của mạng Internet, một ý tưởng chợt lóe lên: Tại sao người ta không thể kiếm tiền qua mạng?
Khi đó trong đầu tôi đã hình thành sáng kiến thành lập công ty có tên "Bữa cơm trưa thú vị". Những người cần mở rộng mối quan hệ làm ăn sẽ gọi đến tôi. Trong vai trò người môi giới, với sự trợ giúp của mạng Internet, tôi sẽ tìm các ứng viên đúng với vị trí ngành nghề họ cần. Sau đó tôi giới thiệu họ gặp nhau qua một bữa cơm trưa thú vị. Thật là một kế hoạch hoàn hảo phải không?
Tuy nhiên, rào cản duy nhất là tôi không có nhiều tiền để khỏi sự công việc, vì thế tôi phải sử dụng đến "vốn" sẵn có: cái miệng của tôi. Tôi in 10.000 tờ bướm quảng cáo tại một xưởng in địa phương với giá rẻ. Lấy hết can đảm và đứng chôn chân tại ngã tư đại lộ Connecticut - K.Avenues, khu trung tâm thành phố Washington DC, tôi gân cổ hô to: "Bữa cơm trưa thú vị! Hãy đến với Bữa cơm trưa thú vị của chúng tôi!". Người đi đường nhìn tôi với chút giễu cợt nhưng rồi họ cũng cầm các tờ bướm.
Đến cuối ngày thứ ba, không một ai gọi đến, không đồng xu dính túi, chán nản và bắt đầu thất vọng, tôi lê bước về nhà. Vừa tới cửa, tôi nghe chuông điện thoại di động reo. Một phóng viên tờ Washington Post gọi đến. Ông ta đã đọc tờ bướm quảng cáo và muốn viết một bài phỏng vấn tôi trên trang nhất ở mục "Phong cách". Mặc dù tôi không có trụ sở công ty, không có điện thoại bàn và cũng chưa lên một kế hoạch kinh doanh nào cả, nhưng tôi vẫn đồng ý phỏng vấn.
Hôm sau, chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn kéo dài rất thú vị. Anh ta hỏi xin số điện thoại của công ty, tôi hứa sẽ gửi sau. Tôi đến một công ty điện thoại địa phương và nhận được số 265 - EATT (lúc này chưa nối cáp nhưng ít ra tôi cũng đã có số). Tôi gọi điện cho anh phóng viên để thông báo số điện thoại bàn. Rất phấn khởi, anh ấy đồng ý viết bài - một ngoại lệ chưa từng có trong đời làm báo của anh.
Một buổi sáng, tôi nhận được tin nhắn chúc mừng của một người bạn sau khi anh này đọc bài báo. Tôi bật dậy ra khỏi giường. Nhưng số điện thoại bàn của tôi vẫn chưa sử dụng được. Vừa lúc đó, nhân viên công ty điện thoại đến để nối cáp cho tôi. 15 phút sau, anh nhân viên xuất hiện trước mặt tôi với một mẩu giấy trên tay.
- Cái gì thế này? - Tôi hỏi.
- Chà! số mới lắp sao lại có nhiều người biết để gọi thế. Đây là những cuộc gọi nhắn lại mà tôi nhận được trong lúc nối cáp, tôi ghi ra đây cho anh - Anh mỉm cười trả lời.
Lòng tôi như mở cờ. Công việc của tôi đã đi trước những gì tôi suy nghĩ và hành động.
Từ hôm đó, nhiều báo đài khác đã gọi đến tôi, trong đó có cả Thời báo New York, Tấm gương Khoa Học Kinh Doanh, cả tờ Giải trí Cuối Tuần cũng gọi đến. Tôi đã nhận hàng trăm lời yêu cầu về bữa cơm trưa cũng như đã giới thiệu nhiều khách hàng với nhau. Tôi đã hoàn thành ước muốn của mình: tìm lại được niềm vui trong công việc. Tất cả khỏi nguồn từ góc phố Connecticut - K. Avenues với những tiếng rao và thêm một chút can đảm.