Rác thải thành phố nên được xử lí như thế nào?
Rác thải thành phố thông thường có thể phân thành hai loại lớn, là rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Sản xuất công nghiệp sản sinh ra một nguồn rác thải rất lớn, như máy móc cũ hỏng, phế liệu trong xây dựng, v.v.. Trong sinh hoạt hàng ngày mỗi người chúng ta cũng thải ra khoảng 1 kg rác thải, ví dụ như cọng rau, giấy loại, quần áo cũ, các đồ nhựa hư hỏng, cành cây, lá khô, dụng cụ điện gia đình hư hỏng, v.v.. Ngoài ra mỗi người còn thải ra gần 1 kg phân. Theo thống kê các thành phố ở Trung Quốc rác thải công nghiệp đã đạt đến 6 tỉ tấn, rác thải sinh hoạt đạt mức 500 triệu tấn. Vậy, rác thải nhiều như thế nên được xử lí như thế nào? Trước đây nhiều nước đều dùng phương pháp đơn giản là chôn lấp, tức là chọn những khu gò đồi, thung lũng hoặc những chỗ trũng thấp cách xa dân cư rồi đổ rác xuống đó, san phẳng, nén chặt, sau đó phủ bùn lên. Cách chôn vùi như thế tuy đơn giản, kinh tế nhưng dễ gây ô nhiễm cho nước ngầm và đất đai, hơn nữa một khi các chất độc hại bị lộ ra sẽ gây nên tác hại đối với tính mệnh của người và gia súc. Do đó phương pháp này ở những quốc gia phát triển đã bị xóa bỏ.
Hiện nay ở những quốc gia phát triển, người ta dùng các phương pháp xử lí tổng hợp như thu hồi, phân loại, xử lí gia công, thiêu đốt và lợi dụng tổng hợp khiến cho rác thải được tái sinh biến thành của cải.
Qui trình là trước hết phải thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt. Thông qua phân loại tách giấy loại, kim loại, chai lọ thủy tinh và các đồ hộp có thể tái sinh được ra khỏi các chất phế thải khác, như vậy vừa có thể tận dụng vừa có thể giảm ít loại rác thải vô dụng. Đối với loại rác thải không có giá trị có thể dùng phương pháp xử lí khoa học để chôn lấp hoặc đốt đi.
Phương pháp chôn lấp khoa học tức là đem rác thải bỏ đi thu gom lại, tiến hành xử lí để giảm bớt độ độc hại, sau đó vận chuyển đến địa điểm chôn lấp, dùng máy húc hoặc máy làm đường nén chặt rồi phủ một lớp đất lên trên, lại rải một lớp rác thải khác, cứ chôn theo từng lớp như thế, cuối cùng phủ một lớp đất bề mặt dày 30 cm lên trên. Sau khi chôn được 2 – 5 năm có thể khoan lỗ để lấy khí mêtan, dùng đường ống dẫn đến nhà máy phát điện gần đó để sử dụng.
Phương pháp đốt trong mấy năm gần đây ở một số nước phát triển được dùng rất rộng rãi. Khi xử lí đốt ở nhiệt độ cao rác thải sẽ cháy hoàn toàn, số tro còn lại chỉ khoảng 5% so với ban đầu, như vậy giảm thấp số lượng phế thải được rất nhiều. Trong quá trình đốt, các nguồn gây bệnh bị tiêu diệt, các chất độc cũng được xử lí thành vô hại, nhiệt lượng đốt còn có thể làm chạy tuabin máy phát điện. Quá trình đốt được tiến hành trong lò đốt bịt kín. Các lò đốt điện còn lắp đặt thiết bị khử bụi và khử khói, có thể ngăn ngừa khói đốt rác gây ô nhiễm môi trường.
Từ khoá: Rác thải thành phố; Rác thải công nghiệp; Rác thải sinh hoạt; Chôn lấp; Lò thiêu đốt.