Tại sao các cầu lớn phải xây lầu đầu cầu?
Ở hai đầu cầu tiếp nối với bờ của những cây cầu lớn thường được gọi là đầu cầu, công trình kiến trúc xây dựng ở vị trí đầu cầu gọi là lầu đầu cầu.
Lầu đầu cầu đã xuất hiện từ lâu trong kiến trúc cầu cổ đại, mục đích ban đầu của nó là do nhu cầu phòng vệ quân sự. Chúng ta biết rằng các sông ngòi hiểm trở dễ phòng thủ, khó tấn công, cầu đã trở thành nơi xung yếu cả công và thủ về mặt quân sự, xây dựng lầu đầu cầu rõ ràng là có chức năng phòng ngự. Vì ban đầu, lầu đầu cầu chỉ là một công sự ngầm hoặc lô cốt, nên còn gọi là "lô cốt đầu cầu".
Hiện nay có một số cầu lớn xây dựng lầu đầu cầu không cần nhằm mục đích quân sự nữa, mà thường là một loại tiêu chí kiến trúc. Như cầu Trường Giang Nam Kinh nổi tiếng, ở hai đầu cầu đều có xây lầu đầu cầu cao đến 70 m, đồng thời phối hợp với nhóm tượng đài, hình thành một quần thể kiến trúc hùng vĩ, trang trọng, khiến cho cây cầu lớn càng thêm có khí thế. Ở bên trong lầu cầu có thang máy để tiện cho du khách lên tham quan ngắm cảnh sông Trường Giang bao la tráng lệ.
Ngoài ra, xây dựng lầu đầu cầu còn có tác dụng là thuận tiện cho việc quản lý giao thông trên cầu và tiến hành bảo dưỡng hằng ngày đối với cầu.