Tại sao cần phát triển "kiến trúc tiết kiệm năng lượng"?
Điện và kiến trúc hiện đại có quan hệ mật thiết với nhau, kiến trúc không có điện năng sẽ bất tiện cho sinh hoạt và công tác của người cư trú. Nhưng mặt khác, đi đôi với sự tăng dân số nhanh chóng của thành phố, sự tiêu thụ nguồn năng lượng của các toà nhà lớn, càng ngày càng tăng lên rất nhiều, đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Vậy thì làm thế nào mới có thể tránh được tình trạng đó? Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới chỉ ra rằng: Phát triển "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" phải trở thành một bộ phận hợp thành quan trọng của việc định ra một chính sách chung về nguồn năng lượng quốc gia.
Sau những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều nước phát triển đã kết hợp việc phát triển "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" với việc phổ biến rộng rãi "kiến trúc thông minh". Thông qua "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" để đạt được mục đích tiết kiệm năng lượng. Cùng với sự hoàn thiện ngày càng nhanh chóng của máy vi tính và kỹ thuật điều khiển tự động hoá, đã hoàn toàn có điều kiện quản lý tổng hợp về tiết kiệm năng lượng đối với công trình kiến trúc và đã thu được hiệu quả tốt nhất, các biện pháp tiết kiệm năng lượng kiểu mới, như phát triển nguồn năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, năng lượng sinh vật và việc phổ cập rộng rãi loại đèn tiết kiệm năng lượng, khiến cho việc thiết kế "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" không còn là rất khó khăn nữa; một lượng lớn các vật liệu tiết kiệm năng lượng đã đi vào thị trường, khiến cho việc thiết kế công trình kiến trúc đô thị xuất hiện một sự cải cách có tính chất cơ bản. Theo điều tra của Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới, thành tích phát triển "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" của các nước phát triển khá rõ rệt, trong những thành phố đã phổ biến rộng rãi "kiến trúc tiết kiệm năng lượng", nói riêng về bản thân công trình kiến trúc, sự tiêu hao năng lượng trên một đơn vị diện tích kiến trúc đã hạ xuống 25%-35%, thậm chí có công trình đạt 40% trở lên; đối với toàn thành phố mà nói, các thành phố có "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" của nước Mỹ, sự tiêu hao năng lượng nói chung giảm xuống 3%-6%, điều đó có nghĩa là thành phố đó mỗi năm có thể tiết kiệm hàng trăm triệu đôla về chi phí năng lượng!
Việc phát triển "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" cùng với việc đổi mới phong cách thiết kế kiến trúc đô thị và tăng cường ý thức bảo vệ môi trường đang hoà vào nhau thành một thể thống nhất, đó là nét đặc sắc quan trọng hiện nay của nhiều nước trong việc thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Các chuyên gia cho rằng, sự kết hợp đó có thể mang lại hiệu quả kinh tế như "làm chơi ăn thật" bỏ xa rất nhiều so với cách sử dụng các biện pháp cục bộ khác. Ở Nhật Bản với nguồn năng lượng ít ỏi, bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX, đã thực hiện quy mô hoá phát triển "kiến trúc tiết kiệm năng lượng", các bộ của chính phủ chung sức hợp tác, vạch ra phương án tổng hợp, đầu tư hợp lý, chú trọng trọng điểm, kết quả là diện tích "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" của các thành phố ở Nhật Bản phát triển với tốc độ cao, bình quân 25% mỗi năm. Trong thời gian đó mức độ tiêu hao năng lượng của các thành phố Nhật Bản giảm xuống 6,6%, nếu xét thêm lợi ích đối với bảo vệ môi trường, thì hiệu ích kinh tế thu được do phát triển "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" còn cao hơn nhiều.
Ở Trung Quốc "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" cũng đang trở thành một phương hướng lớn về kiến trúc đô thị. Ví dụ, trong các ngôi nhà xây dựng năm 1996 của thành phố Thượng Hải có 1,3 triệu m2 diện tích kiến trúc sử dụng vật liệu làm thân tường tiết kiệm năng lượng kiểu mới, diện tích kiến trúc sử dụng vật liệu mới tăng 50% so với cùng kỳ năm 1995. Năm 1996, thành phố Thượng Hải đã đầu tư 240 triệu nhân dân tệ dùng cho công tác thí điểm xây dựng nhà ở bằng vật liệu làm thân tường tiết kiệm năng lượng kiểu mới, ngoài ra còn ban hành "Quy định tạm thời về thiết kế kiến trúc nhà ở tiết kiệm năng lượng của tiểu khu thí điểm bằng vật liệu làm thân tường kiểu mới của thành phố Thượng Hải", do đó đã khiến cho công tác thí điểm này có tiêu chuẩn cụ thể, hơn nữa còn xác định rõ yêu cầu về hệ số truyền nhiệt của tường ngoài, mái nhà và cửa sổ, như đã sử dụng loại cửa sổ bằng thép dẻo, có độ kín và tính giữ nhiệt cách nhiệt tốt, mái nhà dùng kiểu dốc, tường ngoài dùng nhiều biện pháp giữ nhiệt cách nhiệt, đồng thời đã cải thiện khả năng giữ nhiệt cách nhiệt kém của loại gạch xây nhỏ, rỗng, đúc bằng bê tông hiện nay, đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm cho việc xây dựng các "kiến trúc tiết kiệm năng lượng" với quy mô lớn sau này.