Tại sao nói cây nhựa có thể xanh hóa sa mạc?
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp toàn cầu, nhu cầu quá độ về lương thực, nhiên liệu và coi nhẹ vấn đề môi trường của con người, dẫn đến hiện tượng sa mạc hóa ngày một nghiêm trọng. Cát sa mạc dần dần xâm chiếm thảo nguyên, bãi cỏ cũng từng bước tiến vào thành phố thị trấn mà con người đang sinh sống.
Để ngăn chặn và giảm bớt sự bành trướng của sa mạc, con người đã trồng những cánh rừng phòng hộ, tập trung nghiên cứu trồng cây chống gió ngăn cát. Một vị kiến trúc sư người Tây Ban Nha đã có một sáng kiến bất ngờ, dùng những cánh rừng cây nhựa nhân tạo có thể làm xanh hóa sa mạc, hơn nữa ông đã tiến hành thí nghiệm thành công về việc trồng cây nhựa ở Bỉ.
Cây nhựa tại sao có thể xanh hóa sa mạc? Cây nhựa nhân tạo không những giống cây tự nhiên về hình dáng mà kết cấu và chức năng bên trong cũng có những đặc điểm của thực vật màu xanh. Chúng có rễ cây, thân cây, cành cây và lá cây, trong rễ và thân cây chứa đầy những polyurethane, còn cành và lá dùng nhựa phenolic tạo thành. Nhựa polyurethane có rất nhiều vân rãnh, nó có tác dụng như các mao mạch, có thể hấp thụ nước ở trong lòng đất. Nhựa bọt phenolic thì có tác dụng thu thập lượng nước trong không khí, đặc biệt là những giọt sương đêm và vào ban ngày có thể thúc đẩy sự bay hơi của giọt sương. Tác dụng điều tiết khí hậu này gần như hoàn toàn giống cây tự nhiên.
Loại cây nhựa này cao 7 – 10 m, chúng có bộ rễ đặc biệt lớn. Bộ rễ sẽ tạo thành giá máy ảnh, có ba chân đỡ, sau khi cắm vào đất cát rất chắc chắn. Hơn nữa bộ phận bên trong của rễ cây là ống rỗng, sau khi dùng phương pháp cao áp rót chất polyurethane vào, chất này sẽ từ trong các lỗ nhỏ trên thành ống thuộc bộ rễ thấm ra, vươn dài ra xa sâu trong lòng đất. Đợi đến khi chất polyurethane đông chắc lại, sẽ hình thành bộ rễ cao su khổng lồ, cây cao su sẽ cố định chắc chắn trong đất cát, như thế sẽ có thể cản những cơn gió cát mạnh ở những vùng sa mạc. Ngoài ra những rễ nhỏ còn có thể lấy được những giọt nước dưới sâu trong đất và chuyển lên lá, cuối cùng bay hơi dưới ánh nắng Mặt Trời, giúp cho không khí xung quanh ẩm ướt hơn.
Ưu điểm lớn nhất của cây nhựa đương nhiên là không thể “chết khô”, bóng cây đổ xuống giúp cho nhiệt độ xung quanh giảm xuống. Nếu trồng với diện tích lớn, sẽ hình thành một bầu không khí lạnh trên không trung, tăng khả năng có mưa. Nếu cây nhựa được trồng xen kẽ với các cây tự nhiên ở một mức độ nào đó sẽ có thể cải thiện điều kiện sinh sống của cây tự nhiên. Hơn nữa, với cây nhựa làm “đội quân tiền trạm” cải tạo sa mạc, sẽ có thể trồng những cây nhỏ bé hơn ở phía dưới, về cơ bản cải thiện khí hậu và thổ nhưỡng của sa mạc, cuối cùng sẽ thực hiện được mục tiêu biến sa mạc thành lục địa xanh.