Thế nào là "kiến trúc hộp"?
Từ lâu, các kiến trúc sư luôn hy vọng việc xây dựng cũng giống như chế tạo các sản phẩm khác, trực tiếp sản xuất với số lượng lớn ở trong nhà máy, vừa nhanh lại vừa thuận tiện, như thế thì hay biết bao!
Trước tiên, có thể thống nhất kích thước và dáng kiểu của các "linh kiện" cấu thành ngôi nhà, như cột, dầm, sàn gác, cửa sổ v.v. và gia công sản xuất trước. Khi xây dựng nhà, thì ráp chúng lại với nhau. Các linh kiện gia công sản xuất trước đó gọi là "linh kiện chế sẵn" phương pháp này đã sử dụng trong các kiến trúc cổ đại ngay từ thời cổ La Mã và Trung Quốc thời xưa. Hồi đó, các bộ phận bằng đá hoa và giá khung kết cấu gỗ "tiêu chuẩn hoá" chế tác bằng phương pháp thủ công đã được sử dụng rộng rãi.
Dùng linh kiện chế sẵn đã làm cho tốc độ xây dựng nhanh lên rất nhiều, nếu phóng to kích thước của một bộ phận chế sẵn nào đó, như sàn gác được ghép từ mười mấy tấm thành một tấm lớn, tường cũng có thể làm thành một bức tường hoàn chỉnh. Khi xây nhà, trước hết, phải lắp sẵn các khung bằng thép hoặc bê tông cốt thép, rồi cẩu trục các bức tường, sàn gác cố định vào đó, như vậy sẽ xây dựng lên một ngôi nhà rất nhanh.
Các kiến trúc sư đã nhanh chóng nghĩ ra cách làm sẵn cả một gian phòng ở trong nhà máy, sau đó chỉ cần vận chuyển đến công trường rồi dùng cần cẩu lắp chồng lên nhau, như vậy càng nhanh, càng tiện hơn không? Đó chính là "kiến trúc hộp", không những có thể làm sẵn "vỏ ngoài" của gian phòng, mà ngay cả các trang thiết bị, đường dây, đường ống bên trong đều có thể lắp đặt trước. Loại kiến trúc này có thể sản xuất hàng loạt ở nhà máy, đó là tiến trình công nghiệp hoá xây dựng.
Ngay từ thế kỷ XVII xuất hiện cả một khối kiến trúc có tường ván với giá khung gỗ chế sẵn, và sản xuất với số lượng lớn. Sau Chiến thế giới thứ hai, nhiều thành phố bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cần xây dựng lại hàng loạt nhà ở, điều đó đã kích thích mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hoá xây dựng. Năm 1947, kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp Lơ Côpuxiê nghĩ ra cách làm sẵn từng gian phòng ở nhà máy, rồi vận chuyển đến công trường lắp ráp hoặc đặt chồng lên nhau. Loại nhà ở "kiểu ngăn kéo" hoặc "kiểu cái móc" này chính là khái niệm ban đầu của kiến trúc hộp hiện đại.
Năm 1967, tại Hội chợ quốc tế ở Montreal, Canađa, nhà hộp "Montreal-67" do kiến trúc sư nổi tiếng Canađa và một số người khác thiết kế đã gây nên một sự xôn xao náo động cực lớn. Ngôi nhà có biệt danh "nơi cư trú tạm" đó, gồm 158 căn hộ với 15 kiểu phòng khác nhau, mỗi căn hộ do 2-3 cái "hộp" hợp thành, mấy trăm cái "hộp" chồng chất lên nhau như một hòn non bộ, tạo thành toà nhà ở cao 12 tầng. Tất cả các căn hộ đều được lắp bởi 354 "linh kiện" có thể lắp ráp với nhau được, sau đó được cẩu trục lắp chồng lên nhau. Để tránh vận chuyển từ xa tới, các "linh kiện" cũng được sản xuất ngay tại hiện trường. Đó là "kiến trúc hộp kiểu lắp ghép".
Ngoài ra còn có một loại gọi là "kiến trúc hộp kiểu chỉnh thể", cả gian phòng được chế tạo ở nhà máy thành từng đơn nguyên, sau khi chở đến công trường thì trục cẩu lắp ráp lên, đúng như ý tưởng nhà ở "kiểu ngăn kéo" của Côpuxiê. ""Toà nhà khoang Trung Ngân" ở Tôkyô Nhật Bản, xây dựng năm 1972, là do 140 cái "khoang" có quy cách như nhau hợp thành. Đơn nguyên khoang xuất phát từ sự khêu gợi của khoang con tàu Vũ Trụ, chúng giống như một hộp bánh bích quy đặt nằm ngang, bên trong vỏ ngoài bằng kim loại có lớp giữ nhiệt cách nhiệt như tủ lạnh, các trang thiết bị của phòng toa lét, nhà bếp cũng được bố trí rất chặt chẽ, hợp lý.
Ưu điểm lớn nhất của kiến trúc hộp là tốc độ xây dựng nhanh chóng, nhưng nhược điểm của nó cũng rất rõ rệt, đó là hình thức tương đối đơn điệu, khó thoả mãn nhu cầu cá tính hoá của con người trong xã hội hiện đại đối với môi trường cư trú. Đi đôi với sự phát triển khoa học kỹ thuật, người ta hy vọng được nhìn thấy kiến trúc hộp đa dạng và linh hoạt tương lai.