Vì sao bà con gần không thể lấy nhau?
Tác phẩm văn học nổi tiếng "Hồng Lâu Mộng" miêu tả tỉ mỉ mối tình giữa Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Câu chuyện làm xúc động lòng người, nhưng họ là những người bà con có quan hệ huyết thống nên việc lấy nhau là không thích hợp.
Trong 23 đôi nhiễm sắc thể của con người, có khoảng 10 vạn gene di truyền, với hơn 1.000 gene có vấn đề tiềm ẩn (có thể gây bệnh). Nếu hai bên bố mẹ có 23 đôi nhiễm sắc thể mang gene gây bệnh giống nhau, đời con sẽ mang bệnh. Nếu chỉ một trong hai bên bố mẹ mang gene gây bệnh thì đời con chỉ tiềm ẩn bệnh đó mà không phát ra, cho nên con không có bệnh.
Trong trường hợp bình thường, mỗi người chỉ có 5-6 đôi nhiễm sắc thể giống nhau trong số hơn 1.000 gene gây bệnh tiềm ẩn, cho nên hai người không phải bà con kết hôn có rất ít cơ hội cùng mang gene di truyền tiềm ẩn giống nhau. Do đó, bệnh di truyền mang tính tiềm ẩn này rất ít gặp, tỷ lệ phát bệnh chỉ là một phần mấy vạn, thậm chí một phần mười mấy vạn mà thôi.
Nhưng nếu vợ chồng là bà con gần thì tình hình lại không còn như thế nữa. Nếu họ có chung ông bà nội (hoặc ông bà ngoại) thì từ ông bà nội (hoặc ông bà ngoại) qua mẹ (hoặc bố) đến bản thân họ, số gene gây bệnh tiềm ẩn giống nhau ở 2 vợ chồng đã tăng lên rất nhiều so với những người không có ông bà nội (ngoại) chung. Như vậy, cơ hội gặp nhau giữa những cặp nhân gây bệnh tiềm ẩn trong bản thân đứa con sau này sẽ tăng lên gấp bội. Vì vậy, khả năng con bị bệnh di truyền là khó tránh khỏi.
Do đó, luật pháp Trung Quốc quy định không cho phép kết hôn giữa những người thân thích với nhau, chủ yếu là giữa những người trong vòng ba đời, ví dụ anh em họ hoặc anh em chung ông bà nội, ngoại.