Vì sao kinh tế học hiện đại vận dụng rất nhiều kiến thức toán học?
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp phải rất nhiều vấn đề về kinh tế, ví dụ, làm sao có thể mua được đồ với giá cả hợp lý nhất, làm sao có thế tính toán được lãi suất tiết kiệm ngân hàng, làm sao có thể dự đoán tình hình lên xuống của thị trường chứng khoán, làm sao để tính toán được kế hoạch chi tiêu cá nhân… Tất cả vấn đề này đều liên quan tới toán học.
Lấy ví dụ một loại rượu nào đó trên thị trường. Khi nhu cầu rượu trên thị trường lớn hơn nhiều so với lượng cung cấp, giá rượu sẽ tăng cao. Và với tình hình ngược lại, giá rượu sẽ xuống thấp. Ta hoàn toàn có thể giải thích lượng cung cầu này bằng một hàm số toán học. Đơn giản nhất, coi lượng cung và lượng cầu là một giá trị hàm số của giá. Thông thường, giá thấp, người mua sẽ nhiều, lượng cầu cũng lớn; Giá đắt, nhà sản xuất sẽ thu được lợi nhuận lớn, lượng cung cũng lớn. Vì thế, có thể coi lượng cầu là hàm giảm của giá. Ngược lại, lượng cung lại là hàm tăng của giá (như hình vẽ). Khi giá rượu là 4 RMB/lít, lượng cung là 90.000 lít, lượng cầu 180.000 lít, lượng cầu lớn hơn cung rất nhiều, ít trở thành hiếm, giá rượu lúc này lập tức tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời cũng là thu lợi nhuận cho doanh nghiệp, các nhà sản xuất lại mở rộng sản xuất, nâng cao lượng cung, khiến cung và cầu dần trở nên cân đối. Khi giá rượu là 8 RMB/lít, lượng cầu là 90.000 lít, lượng cung lại lớn tới 150.000 lít, cung vượt xa cầu, rượu trên thị trường thừa thãi, các cửa hàng bán không được, giá rượu lại phải hạ xuống, các nhà sản xuất cũng cắt giảm lượng cung, đồng thời có nhiều động thái kích cầu, thu hút khách hàng mua rượu, để cân bằng cung cầu. Quá trình điều chỉnh thị trường này sẽ diễn ra liên tục cho đến khi cung và cầu bằng nhau. Dùng quan điểm hàm số để giải thích quy luật cung cầu có thể biểu diễn và phân tích được sự thay đổi về giá cả, đồng thời có thể dự đoán được xu thế biến động của thị trường.
Đương nhiên, đây chỉ là một ví dụ rất đơn giản, sử dụng kiến thức toán phổ thông mà thôi. Nhưng từ đó, ta cũng có thể thấy toán học có thể làm chính xác, rõ ràng quan hệ giữa các đại lượng kinh tế.
Cùng với sự phát triển của kinh tế học hiện đại, toán học thâm nhập mỗi lúc một sâu hơn vào lĩnh vực kinh tế. Ngôn ngữ chính xác, cụ thể của toán có thể khắc họa được các khái niệm kinh tế, đồng thời cũng là công cụ xây dựng những lí luận lôgic, để giải thích, phân tích, dự báo các vấn đề kinh tế. Từ khi có Giải thưởng Nobel về Kinh tế, công việc của hơn một nửa số người nhận giải thưởng đều liên quan mật thiết tới toán học. Chả trách nhiều người cho rằng, một nhà kinh tế tài ba nhất định cũng phải là một chuyên gia toán học ưu tú.