Vì sao máu nhân tạo có thể thay thế máu tự nhiên?
Mọi người đều biết cuộc sống con người không thể tách rời với máu. Khi bị thương hoặc khi qua phẫu thuật thường bị mất nhiều máu, việc tiếp máu là một việc làm không thể thiếu. Hiện tại máu dùng để tiếp máu chủ yếu được lấy từ cơ thể những người khoẻ mạnh. Nhưng khi gặp các thiên tai hoặc trong thời kỳ chiến tranh thì máu thường không đủ để cung cấp. Vì vậy các nhà khoa học hy vọng qua con đường tổng hợp có thể chế tạo được "máu nhân tạo". Ban đầu, máu nhân tạo được sử dụng trong lâm sàng là loại hợp chất cao phân tử giàu chất đường. Nhưng các loại máu nhân tạo này không thể cung cấp oxy cũng như không thể thải cacbon đioxit trong máu tự nhiên mà chỉ làm nhiệm vụ bổ sung dinh dưỡng, vì vậy phạm vi sử dụng hạn chế.
Một sự kiện ngẫu nhiên đã mở cánh cửa hy vọng cho người nghiên cứu chế tạo máu nhân tạo. Mùa thu năm 1956, một nhà sinh học ở trường đại học tại bang Alabama, trong khi làm thí nghiệm đã không cẩn thận nên để một con chuột thí nghiệm rơi vào bình đựng cacbon florua hoà tan chất ma tuý. Sau mấy giờ con chuột tưởng đã chết ngạt, nhưng nó vẫn sống bình thường. Sau nhiều lần thí nghiệm nhà khoa học tìm thấy cacbon florua có thể hoà tan nhiều và nhanh oxy, giải phóng được cacbon đioxit. Điều này hoàn toàn giống công năng của máu người. Hiện tượng này gây sự chú ý của các nhà khoa học ở nhiều nước. Một bác sĩ người Nhật đã từ nhiều hợp chất cacbon florua, chọn ra một hợp chất không độc với cơ thể người để làm thí nghiệm, và tìm thấy nó có thể mang đến oxy và thải đi cacbon đioxit. Vào năm 1979, người ta đã dùng loại hợp chất cacbon florua để làm chế phẩm thay thế máu, làm thí nghiệm trên lâm sàng đầu tiên cho một bệnh nhân mất máu nghiêm trọng và đã thu được thành công. Từ đó "máu nhân tạo" có công năng đặc thù đã được sử dụng thành công cho hơn 100 bệnh nhân trong khi tiến hành phẫu thuật.
Ở Trung Quốc, người ta đã lần đầu nghiên cứu chế tạo "máu tổng hợp" vào những năm 80 của thế kỷ XX. Loại máu nhân tạo này được chế tạo từ hỗn hợp của florua hữu cơ và hợp chất vô cơ.
Trông bên ngoài loại máu này có màu trắng sữa nên được gọi là "máu trắng".
Loại máu màu trắng có nhiều ưu điểm mà máu tự nhiên không có. Do máu tổng hợp là sản phẩm chế tạo công nghiệp nên rất bền, lại được trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt nên không mang theo bất kỳ loại vi khuẩn gây bệnh nào, không làm lan truyền dịch bệnh. Người ta có thể sản xuất máu nhân tạo với quy mô lớn, có thể bảo quản trong nhiều năm. Còn máu tự nhiên chỉ có thể bảo quản ở 4°C trong vòng 2 - 3 tuần.
Đương nhiên máu nhân tạo cũng có nhiều nhược điểm: máu nhân tạo không đông, không có chức năng miễn dịch, nên cho đến nay máu nhân tạo vẫn chưa thay thế hoàn toàn được máu tự nhiên. Để khắc phục các nhược điểm này, các nhà khoa học đang nghiên cứu lợi dụng kỹ thuật di truyền để lai tạo máu nhân tạo; đem gen người cấy vào thai lợn sau đó lấy máu lợn để thay protein hồng cầu. Bằng cách này máu nhân tạo dần dần tiếp cận với máu tự nhiên.