Vì sao ở Bỉ lại phát sinh "sự kiện gà độc"?

Tháng 3-1999, một hộ nuôi gà ở Bỉ bỗng nhiên phát hiện thấy thịt gà khác thường, gà đẻ ít trứng đi. Họ yêu cầu công ty bảo hiểm phải bồi thường. Công ti bảo hiểm cảm thấy việc này rất phiền phức, bèn đề nghị một cơ quan nghiên cứu lấy mẫu thịt gà để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm chứng tỏ trong mỡ gà có chất đioxin gây ung thư, hàm lượng của nó cao hơn hẳn hàm lượng cho phép 140 lần. Về sau còn phát hiện lượng đioxin trong thịt gà vượt quá tiêu chuẩn một cách nghiêm trọng.

Vì sao thịt gà và trứng gà lại có nồng độ đioxin cao như thế? Nguyên là thức ăn nuôi gia súc trong quá trình sản xuất đã bị ô nhiễm đioxin nghiêm trọng. Sự kiện gà độc này có liên quan đến hàng trăm loại thực phẩm, trong đó bao gồm thịt lợn, thịt bò, sữa, sữa bột, v.v... Một thời gian ở Châu Âu, thậm chí toàn thế giới đã gây nên một cơn khủng hoảng về thực phẩm.

Vậy đioxin là chất gì mà độc tính của nó lại mạnh đến thế? Đioxin là một hợp chất thơm ba vòng thay thế bằng clo. Căn cứ vào vị trí và số lượng nguyên tử clo thay thế trong phân tử vòng thơm, nó có thể sản sinh ra 209 loại chất có cấu trúc khác nhau, trong đó các chất 2, 3, 7, 8 – TCDD (tertraclorodibenzo-p-dioxin) có độc tính mạnh nhất, tương đương với trên 1000 lần độc tính của kali cyanua. Chỉ cần một cốc nhỏ đioxin (tương đương 28,35 g), là có thể giết chết 1 triệu người. Nó là chất có độc tính mạnh nhất trong số các hợp chất hoá học biết được cho đến nay, hơn nữa nó là chất có nhiều dạng độc tính. Năm 1987, Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới đã liệt đioxin là chất đứng đầu gây ung thư. Mặc dù hằng ngày lượng hấp thụ đioxin của cơ thể rất ít, nhưng thời gian lâu cũng có thể dẫn đến các chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh về da, gan, thận, cơ quan sinh dục phát triển khó khăn và dễ gây cho thai nhi dị dạng. Ở Nhật, có nhà khoa học đã phát hiện dùng sữa có hàm lượng đioxin tương đối cao để nuôi thai nhi thì sẽ gây nên hoocmoon của tuyến giáp trạng giảm thấp, do đó trí tuệ của trẻ em kém đi. Cục Bảo vệ môi trường Mĩ năm 1995 đã công bố tài liệu nêu rõ: đioxin công nghiệp không những có tác hại gây ung thư mà còn có độc tính với cơ quan sinh dục và chức năng miễn dịch, có độc tính với nội tiết tố. Đioxin chịu được nhiệt độ cao, tính ổn định bền vững, dễ gây ô nhiễm. Một khi hấp thụ phải thì khó bài tiết ra, nếu hấp thụ thời gian dài độc tính sẽ tích luỹ lại, cuối cùng nguy hiểm đến tính mạng.

Trong môi trường, đioxin tồn tại hàng nghìn, hàng vạn năm, nồng độ rất thấp. Đioxin trong môi trường được sinh ra chủ yếu do hoạt động sản xuất của con người. Ở những thành phố lớn của các nước phát triển, trong quá trình đốt rác thải sinh hoạt sẽ sản sinh ra đioxin, chiếm khoảng 95% tổng lượng đioxin có trong môi trường. Trong quá trình sản xuất thuốc trừ sâu, chất chống gỉ, thuốc trừ cỏ, sơn và chất phụ gia, đioxin thường là loại sản phẩm phụ hoặc tồn tại dưới dạng những tạp chất. Bột giấy, khí thải ô tô và trong quá trình nóng chảy kim loại đều gây ra nguồn sản sinh đioxin. Khi hút thuốc cũng có thể sản sinh đioxin.

Kết cấu hoá học của đioxin rất ổn định, vi sinh vật không thể phân huỷ được, do đó dễ bị lưu lại trong môi trường. Cho dù đioxin tồn tại trong không khí, nước hoặc trong đất đai nó đều hấp thu rất mạnh các hạt bụi, nhờ vào các vật thuỷ sinh hoặc các chuỗi thức ăn mà làm giàu, cuối cùng gây tổn hại cho con người. Đặc biệt là những hạt bụi nhỏ li ti có đioxin trong không khí, sẽ ô nhiễm các loại thực phẩm, đó là con đường chủ yếu làm cho con người hấp thụ phải đioxin.

Trước kia sự kiện ô nhiễm đioxin cũng đã từng phát sinh. Trong chiến tranh Việt Nam từ 1961 - 1975, quân đội Mĩ đã sử dụng 5 vạn tấn thuốc diệt cỏ có hàm lượng đioxin khá cao, gây nên hàng loạt người bị ngộ độc, xuất hiện bệnh ung thư, bệnh bẩm sinh và sẩy thai. Tháng 6 năm 1976, một nhà máy hoá học ở Italia đã phát sinh rò rỉ đioxin làm cho khoảng 4 vạn người bị ngộ độc trong đó có 450 người bị ngộ độc cấp tính.

Năm 1998, nước Đức phát hiện trong nước cam dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc nhập khẩu từ Braxin có nồng độ đioxin khá cao. Loại nước cam này, chủ yếu dùng làm thức ăn cho bò sữa, làm cho phần lớn chế phẩm sữa của Đức có nồng độ đioxin cao.

Giới môi trường của các nước trên thế giới luôn luôn tìm cách ngăn ngừa đioxin phát sinh và chống ô nhiễm đioxin. Họ đã đầu tư rất nhiều tiền để nghiên cứu chất đioxin. Nhiều nước phát triển thường dùng biện pháp đóng cửa các nhà máy có nguồn đioxin làm điều kiện ưu tiên để khống chế ô nhiễm môi trường do đioxin gây ra. Ví dụ, thông qua cải tiến lò đốt rác sinh hoạt của thành phố và lắp đặt những thiết bị khử bụi tiên tiến, khiến cho lượng đioxin do đốt rác thải ra giảm thấp 100 - 1000 lần. Thông qua cải tiến công nghệ bột giấy để khống chế quá trình sản xuất sản sinh ra đioxin.

Ô nhiễm đioxin ở Trung Quốc đã gây nên sự chú ý rộng rãi. Đioxin trong môi trường phần nhiều là do đốt rác thành phố. Hiện nay Trung Quốc xử lí rác thải chủ yếu dùng phương pháp chôn vùi. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghiẹp và các vấn đề bảo vệ môi trường được coi trọng, rác thải dần dần sẽ từ chôn lấp đến xử lí phân loại, sau đó còn lại một bộ phận rác thải mới giải quyết bằng cách thiêu huỷ. Vì vậy vấn đề ô nhiễm đioxin ở quy mô lớn đối với chúng ta không lâu nữa sẽ được giải quyết. Hiện nay Trung Quốc đã triển khai nghiên cứu về mặt này và đã giành được một số thành quả nhất định.

Từ khoá: Đioxin.

Xem thêm