Vì sao thanh, thiếu niên không nên thức thâu đêm nhiêu?
Một người nếu suốt ngày tay không rời sách hoặc vùi đầu làm việc thì dần dần sẽ cảm thấy đầu óc căng lên, năng lực tư duy giảm thấp. Tương tự, nếu lao động thể lực với thời gian kéo dài mà không được nghỉ ngơi đúng mức thì cũng sẽ tổn hại đến sức khỏe. Cho nên muốn tiêu trừ mệt mỏi, ta phải biết cách nghỉ ngơi.
Phương pháp nghỉ rất đa dạng, trong đó, ngủ là điều không thể thiếu được. Nếu con người không ngủ đủ thì cuộc sống không thể kéo dài.
Vì sao ngủ lại quan trọng đến thế?
Tất cả mọi hoạt động của con người, bao gồm hoạt động trí lực và thể lực, đều chịu sự chỉ huy của vỏ đại não. Vỏ đại não gồm hơn 10 tỷ tế bào thần kinh tổ chức thành, được phân công vô cùng tinh vi. Nó là bộ tư lệnh cao nhất của cơ thể, có tính phản ứng rất cao, cảm thụ rất nhanh tất cả những kích thích của ngoại giới và kịp thời phát ra mệnh lệnh để ứng phó lại. Nhưng đại não lại đặc biệt mềm yếu. Tế bào thần kinh đại não nếu không nhận được ôxy trong một phút thì con người sẽ mất đi cảm giác; sau 5-6 phút sẽ tử vong. Não tuy mềm yếu như thế nhưng cũng có biện pháp tự bảo vệ mình: Khi ngoại giới kích thích quá nhiều, gây hưng phấn quá độ thì nó sẽ chuyển từ hưng phấn sang ức chế. Do đó, con người sẽ dần dần đi vào trạng thái ngủ để tế bào thần kinh não khỏi mệt mỏi quá mức và khỏi bị tổn thương. Đó gọi là "sự ức chế có tính bảo vệ".
Khi ngủ, hơi thở trở nên sâu hơn, tim đập chậm hơn, cơ bắp toàn thân được thư giãn, những tế bào mệt mỏi được nghỉ ngơi, nhận được các chất dinh dưỡng mới từ máu đưa đến, làm cho cơ thể dần dần được khôi phục.
Thời gian và độ sâu của giấc ngủ sinh lý thay đổi tùy theo tuổi tác, tình trạng sức khỏe và các mùa khác nhau. Nói chung, mỗi ngày, người già ngủ 5-6 giờ, thanh niên, trung niên ngủ 8 giờ, còn trẻ em đang thời kỳ phát triển mạnh mẽ cần ngủ 9-10 giờ mới thỏa mãn nhu cầu của cơ thể.
Thời kỳ thanh thiếu niên đang là giai đoạn học tập căng thẳng. Một số thanh thiếu niên vì tranh thủ thời gian xem sách nên thường thức quá khuya, thậm chí thức thâu đêm. Điều này vừa không có lợi cho sức khỏe vừa khiến hiệu quả học tập cũng giảm sút, lại ảnh hưởng đến việc học tập của hôm sau. Vì vậy, đối với cơ thể và sự học, việc thức thâu đêm quả là lợi bất cập hại. Để nâng cao hiệu suất học tập, ngoài việc bảo đảm ngủ đầy đủ, còn phải tham gia thích đáng một số hoạt động văn thể khác có lợi cho sức khỏe. Việc tham gia hoạt động văn thể khiến cho một số bộ phận của vỏ đại não hưng phấn lên, để cho khu vực phụ trách học tập hay công tác trong đại não từ trạng thái hưng phấn chuyển sang trạng thái ức chế để nghỉ ngơi. Như vậy, ta vừa có thể tiêu trừ mệt mỏi, vừa có thể rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe.