Vì sao toán học thuần tuý có ứng dụng hết sức to lớn?
Nếu đặt câu hỏi vì sao phải học toán? Nhiều bạn trẻ sẽ trả lời “vì điểm toán được đánh giá cao trong các kì thi”. Nhưng mục đích thực của việc học toán không phải nhằm để đối phó với thi cử mà là để có thể vận dụng toán học để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong sinh hoạt xã hội, trong các hoạt động sản xuất sau này. Nội dung của môn toán ở các chương trình học sinh trung học, tiểu học rất cơ bản. Ví dụ như các phép cộng, trừ, nhân, chia là những phép tính rất quen thuộc có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, hoạt động thực tiễn. Khi mua đồ đạc, đến ngân hàng nhận tiền lãi, đo đất đai, làm các thiết kế đều không thể không sử dụng đến toán học.
Các nội dung toán học khác cũng giống như vậy? Ví dụ vào 300 năm trước Công nguyên, nhà toán học Hy Lạp Apdonius nghiên cứu đường elip. Bấy giờ người ta chưa biết dùng để làm gì? Mãi đến thế kỉ XVI - XVII khi Kêple nghiên cứu chuyển động của các hành tinh, phát hiện thấy quỹ đạo chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời là một đường elip, từ đó đường ellip mới được chú ý nghiên cứu, sử dụng. Do đó từ khi nghiên cứu đến sử dụng phải đến gần 2000 năm!
Lí thuyết về số của Hoa La Canh và Trần Cảnh Uyên nghiên cứu, trước đây ít được sử dụng, về sau mới thấy lí thuyết này liên quan chặt chẽ đến “khoa học mật mã”. Mỗi quốc gia khi phát tin có nhiều tin tức cơ mật cần truyền đi, đặc biệt là tin tức về quân sự trong chiến tranh. Trong Đại chiến thế giới thứ II, người Anh đã dựa vào việc phân tích các mật mã của Đức nên đã đánh đắm nhiều tàu ngầm của phát xít Đức. Vào thời đó người Mỹ cũng dựa vào việc dịch được các mật mã của Nhật, nên đã bắn hạ máy bay của đại tướng Iamaken đang âm mưu xây dựng lại hạm đội Thái Bình Dương.
Toán học là khoa học nghiên cứu số và hình học. Tất cả cái gì có liên quan đến “độ to nhỏ” và, vị trí hình dáng đều có liên quan đến toán học. Từ những ví dụ nêu trên ta thấy có những vấn đề toán học hoàn toàn là toán học thuần tuý vì nó rất trừu tượng nên làm cho người ta không biết sẽ sử dụng chúng vào đâu. Vì vậy chúng ta không nên sợ môn toán, cũng không nên dè bỉu toán học. Toán học giống như một con chó nhỏ, nếu bạn dè bỉu nó, nó sẽ nhằm vào bạn mà sủa, và có thể nó còn cắn bạn một miếng. Bạn phải gần gũi nó, ham thích nó, nó sẽ là người bạn trung thực của bạn, giúp bạn vượt qua gian nan hiểm trở, đến bên bờ khoa học, giúp cho bạn được nhiều điều.