Vì sao vào cuối thế kỉ 19, toán học Trung quốc lại lạc hậu hơn Nhật Bản?
Sự giao lưu văn hóa giữa hai nước Trung Nhật có nguồn gốc từ dài lâu. Toán học ở Nhật Bản được gọi là wasan, trước đây toàn học từ các điển tịch toán học của Trung Quốc cổ đại, đồng thời không ngừng phát triển những mặt mạnh của mình. Các sách Kỉ hà nguyên bản (năm 1607) do Từ Quang Khải và Matteo Ricci dịch và Đại vi tích thập cấp (năm 1859) do Lý Thiện Lan và Alexander Wylie dịch luôn là những điển tịch chủ yếu để Nhật Bản tìm hiểu về toán học Phương Tây. Cho đến những năm 70 của thế kỉ 19, Nhật Bản vẫn còn cử người đến Trung Quốc thu thập các thư tịch toán học Trung Quốc để tham khảo.
Nhưng từ năm 1868, sau thời Duy Tân Minh Trị của Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản một mặt học kĩ thuật của Phương Tây để phát triển công nghiệp, mặt khác về trong giáo dục chủ trương phế bỏ toán Tàu, chuyên dùng toán Tây, phổ cập toán học Phương Tây. Đồng thời, liên tục cử người đến Anh, Đức chuyên học về toán, để khi về nước tăng cường giảng dạy toán học Phương Tây. Những biện pháp này khiến cho trình độ toán học của Nhật Bản nâng cao nhanh chóng.
Nhìn lại Trung Quốc, chủ trương Trung học vi thể, Tây học vi dụng nhấn mạnh dùng Tứ thư Ngũ kinh của Trung Quốc là chính, còn khoa học kĩ thuật của Phương Tây, bao gồm cả toán học, thì chỉ lấy về để dùng. Không hề có ý định xếp toán học vào môn học chính trong trường, lại càng chưa có ý thức phải dùng toán học để dạy thanh thiếu niên. Vì thế, tinh thần khoa học khi ấy không được đề cao, toán học Phương Tây cũng không được phổ cập. Mặt khác, rất nhiều trí thức còn cho rằng hình học, đại số của Phương Tây, Trung Quốc đã có từ thời cổ xưa, nên đã không bỏ công sức học tập và nghiên cứu. Chính thái độ giậm chân tại chỗ này đã khiến cho toán học Trung Quốc kể từ sau năm 1870 đã không tiến lên được. Kết quả là sau khi Chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894 thất bại, Trung Quốc lại phải quay ngược trở lại học toán từ Nhật Bản, đã liên tục cử lưu học sinh tới Nhật Bản. Chỉ trong vòng 20 năm, thực lực toán học giữa hai nước Trung Nhật đã phát sinh sự nghịch chuyển, đây là một bài học lịch sử đau đớn.
Vì thế, với tất cả những thứ gì là tiên tiến của nước ngoài, chỉ cần hữu dụng đối với Trung Quốc là nên thực hành chủ nghĩa cầm về, mạnh dạn đưa vào, rồi qua hấp thụ tiêu hóa mà cuối cùng hình thành nên bản sắc của mình, để vượt lên tiền nhân.