Bẫy cò

Năm ấy tôi mười hai, còn bé Vin lên bảy. Vào dịp hè, chúng tôi được tự do chạy nhảy. Vin tết tóc thành hai dải, thắt nơ xanh, bám theo tôi như chiếc bóng. Chúng tôi thường lần dọc bờ đê tìm cỏ gà hoặc lăn ra bãi cỏ đố nhau đếm từng đàn chim bay qua. Đủ các loại chim. Ban ngày chúng lặn lội kiếm ăn, tối đến lại rủ nhau tụ hội trên những bụi tre xanh tốt phía rìa làng.

Một hôm tôi bảo Vin :

– Chúng mình bẫy cò đi.

Vin tròn mắt:

– Anh biết làm bẫy à ?

– Biết chứ!

Bé Vin nhìn tôi ra chiều phục lắm. Khi tôi bắt tay vào việc, Vin luôn chầu chực để thực hiện những điều tôi sai bảo. Nó có vẻ háo hức hơn cả tôi, miệng liến láu:

– Anh Tú phải bắt sống cho em một con cò vàng. Cò vàng đẻ trứng bằng vàng đấy. Em sẽ dạy nó trông nhà.

– Nhất định phải bắt được cò vàng ! – Tôi đáp.

Đến ngày thứ ba thì chiếc bẫy hoàn thành. Trời tháng bảy nắng chang chang. Dưới cánh đồng, hàng ngàn con cò trắng đang lội bì bõm tìm mồi. Trông chúng bước lờ đờ mà mắt chúng cực tinh ranh : không con tép nào qua được mắt chúng. Thấy tôi và bé Vin, lũ cò rướn cổ lên, nghiêng ngó tí chút rồi thản nhiên kiếm tép như muốn bảo : “Hai đứa chíp hôi, chả sợ!”

Tôi đã chọn được chỗ cắm bẫy. Con cá cờ dùng làm mồi lượn le te trong vòng tròn có đặt sẵn thòng lọng. Chỉ cần cò mổ nhẹ là bẫy sập và chiếc thòng lọng sẽ bật lên, thít vào cổ nó. Con mồi phải tươi nguyên mới mong giống cò trắng sành ăn ấy để mắt tới.

Tôi kéo bé Vin về phía gò đất, chui vào tán cây duối dại, quan sát đàn cò. Mấy chú cò lò dò đi về phía chiếc bẫy. Một con chợt nghển cổ, bước nhanh lên trước nhưng khi cách con mồi một tầm mổ thì nó dừng lại. Nó nghi hoặc nghe ngóng rồi lảng ra xa, cổ gật gật như muốn bảo : “Gớm cho lũ nhóc định đặt bẫy lừa ta !” Rồi lập tức cò ta thông báo để cả bọn lảng khỏi vòng nguy hiểm, con nào con nấy tỏ vẻ ghê tởm nhìn chiếc bẫy.

Tôi và bé Vin vẫn áp sát xuống đất mặc dù quanh chiếc bẫy vắng tanh. Đàn cò trắng ăn no đang rủ nhau tắm. Trời về chiều nhưng hơi nóng vẫn hầm hập bốc lên từ mặt ruộng. Bé Vin thấm mệt, mặt đỏ lừ. Đúng lúc tôi định tháo bẫy thì trên trời sà xuống hai mẹ con nhà cò bợ. Giống cò bợ vốn thật thà, thô kệch chứ không lịch lãm, tinh ranh như họ hàng cò trắng. Vừa thoáng thấy con cá cờ, cò bợ con đã lao vụt lên trước, gần như nhảy vào giữa vòng thòng lọng. Vút! Chiếc cần tre bật nhẹ cùng tiếng reo của tôi và bé Vin :

– Sập bẫy rồi!

Tôi và Vin cùng chạy vội về phía con vật đang vỗ cánh bành bạch. Cả đàn cò trắng bay vụt lên, kêu náo loạn. Cò bợ mẹ bay thấp hơn, gào lên đau đớn. Trong khi đó, cò bợ con bị sợi cước thít vào cổ giãy giụa tuyệt vọng. Thấy chúng tôi, nó vùng bay lên và ngay lập tức rơi bịch xuống đất, toàn thân bê bết bùn. Nhìn cảnh đó bé Vin bỗng tái mặt, đầu gối ríu vào nhau. Tôi đành tháo bẫy một mình. Cò bợ mẹ càng gào thảm thiết. Cò bợ con chừng đã mệt, hai cánh áp xuống đất, mắt loé lên như hai giọt nước, toàn thân run rẩy. Đến lượt chân tôi muốn khuỵu xuống. Tôi như nghe thấy tiếng van xin của cò bợ con. Tôi hình dung thấy cò bợ mẹ sẽ khóc hết nước mắt, rồi vài hôm nữa sẽ thấy xác một cò mẹ chết rũ vì thương con. Tôi không kịp nghĩ gì cả, ngồi thụp xuống, gỡ nút thòng lọng rồi ôm cò bợ con tung bổng lên trời. Thoạt đầu, chú cò loạng quạng bay như diều đút dây. Lát sau nó lấy lại được tư thế, rồi hai mẹ con dìu nhau bay về phía làng.

Cả tôi và bé Vin đều ngửa cổ nhìn theo cho đến lúc mẹ con cò bợ chỉ còn là những chấm đen in lên hoàng hôn đỏ rực.

Bé Vin mặt vẫn tái mét, im lặng bước theo tôi. Bỗng nó ngồi thụp xuống, khóc oà, vừa khóc vừa nói:

– Con cò… sẽ gãy cổ… gãy cổ…

Tôi phải cam đoan với Vin là con cò chỉ hơi đau, nó mới chịu nín. Nó bám vào tay áo tôi, vừa đi vừa quệt nước mắt.

Từ hôm sau, cứ chiều đến, chúng tôi tìm một bãi cỏ nằm chờ từng đàn chim trở về. Thỉnh thoảng bé Vin lại đứng ngẩn người, nhìn hút theo một con chim lạc bầy, vừa chấp chới bay vừa kêu thảm thiết.

Người đi săn và con vượn

Ngày xưa có một người săn bắn rất tài. Nếu con thú rừng nào không may gặp bác ta thì hôm ấy coi như đó là ngày tận số.

In chữ rời

Ngày xưa, những bản in đầu tiên được tạo ra bằng cách khắc chữ lên trên một tấm gỗ rồi mới in ra giấy. Tương truyền, Tất Thăng là người đầu tiên phát minh ra kĩ thuật in chữ rời, giúp cho hiệu quả in ấn được nâng lên gấp mấy chục lần...

Bé Mai đã lớn

Bé Mai rất thích làm người lớn. Bé thử đủ mọi cách: bé đi dép của mẹ, bé cài trâm lên mái tóc theo kiểu của cô. Bé lại còn đeo đồng hồ tay nữa. Nhưng chẳng có kết quả. Mọi người chỉ nhìn bé, cười chế giễu.

Bàn tay thơm

Kem ngon quá, vừa ngọt vừa thơm. Gấu con đã ăn hết cả chiếc kem rồi mà vẫn còn liếm láp quanh miệng mình. Trên miệng hết vị ngọt rồi, nhưng ở bàn tay thì vẫn còn...

Sẻ non và diều giấy

Sẻ non đang sập sè bay lượn. Vừa được bố mẹ cho “ra riêng” dăm hôm, sẻ ta nhìn thế giới thấy cái gì cũng đẹp, cũng lạ. Trời xanh này. Nắng vàng này. Bên dưới là cánh đồng mênh mông, rập rờn biển lúa chín vàng.

Cá Rô Ron không vâng lời mẹ

Con người có cái cần câu. Đầu cần câu buộc sợi dây cước. Đầu sợi dây cước buộc lưỡi câu. Lưỡi câu mắc con mồi ngon, thả xuống nước. Con cá nào tham mồi đớp phải, người ta giật lên là chết...

Con chim nhỏ

Seryozha (Xi-ri-ô-gia) mừng ngày sinh của mình. Em nhận được bao nhiêu là đồ chơi: chó sói, ngựa, tranh ảnh,… Nhưng thích nhất là chiếc lưới bẫy chim của người anh họ gửi cho.

Chú Ong lười biếng

Xưa kia, có dòng họ nhà Ong sinh sống hòa thuận trên thảo nguyên, họ siêng năng, cần mẫn làm việc. Một trong những gia đình Ong đó có một cậu con trai đặt tên là Ong Cưng...

Phong cảnh đền Hùng

Đền Thượng nằm chót vót trên dỉnh núi Nghĩa Cương. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay rập rờn như đang múa quạt xòe hoa trước sân.