Cá vượt đẻ

Trời mưa như trút nước. Gió uốn cong những thân cau, túm mọi tàu lá thành một búi, vật lên vật xuống. Bà Ba bảo các con:

– Bão nước đấy.

Anh em Thịnh, Thìn chẳng hiểu bão nước là gì, nhưng chúng sợ những cơn gió mạnh cứ bốc từng vốc hạt mưa lớn, ném rào rào vào các phên chắn cửa. Hai anh em nép sâu vào trong nhà, chỉ hé mắt nhìn ra. Nước mưa rơi xuống trắng nhoà hết mọi cảnh vật ngoài vườn.

Bà Ba cẩn thận xem lại đôi quang thúng, buộc chặt thùng dầu hoả, thùng nước mắm vào để quang, lắc lắc xem có bị xô nghiêng hay không. Mưa gió là việc của trời, nhưng việc kiếm cơm của các gia đình nghèo thì không ngừng được. Khoác áo tơi, đội nón xong, bà dặn hai đứa:

– Các con ở nhà, mẹ đi bán hàng đây. Ngày mưa này bán dầu, bán mắm mới dễ. Đành chịu khó vậy.

Mẹ đi rồi. Hai anh em cảm thấy nhà vắng quá, chúng sợ mọi thứ. Vùng quê này các xóm đều vắng người. Tuy là học sinh lớp Ba nhưng Thịnh chỉ hơn em có vài tuổi, nó chưa làm được gì nếu mẹ vắng nhà.

Hai anh em không dám ngủ vì trời còn sáng, vả lại chúng sợ, đành rủ nhau đứng nép ở cửa nhìn ra. Nước mưa đã ngập vườn rau, chỉ thấy mấy luống nhô cao, đen đen nhập nhoà. Mà hình như nước ngoài ao nước cũng đầy, nên trông thấy cả mặt nước sáng lấp lánh.

Cái Thìn bảo:

– Nước ngập cả vườn rồi, anh ạ.

– Ừ, có mấy cái bèo trôi trong vườn đây.

Thìn chăm chú nhìn trên cánh bèo. Đột nhiên nó reo lên:

– Có con gì đang quẫy anh ơi!

Hai anh em nhìn ra góc vườn. Đúng là có con cá to đang trườn theo rạch luống, ngày càng vào gần nhà.

– Bắt cá đi anh! – Con bé reo lên thích thú. Thịnh cũng hét toáng lên: “Bắt cá đi!”. Hai đứa chụp vội cái mũ rách, cầm rổ chạy ra. Thằng anh nhanh nhẹn chắn rổ, đứa em lùa tới. Con cá nhảy mạnh để vượt qua nhưng không thoát được cái rổ. “Bắt được rồi”. Tuy không có ai hay biết, nhưng anh em nó cứ reo to, như là lập công lớn lắm. Chúng mang cá vào nhà, cấn thận thả vào chậu, chận cái rổ lên, chốc chốc lại hé nhìn. Bấy giờ mới thấy con cá to thật. Đó là một con cá quả, bụng chửa to kềnh càng. Nó bơi đi bơi lại trong chậu, chốc chốc lại xoè vây, vẫy đuôi tìm cách thoát thân. Đôi mắt nó lồi ra, đờ đẫn như là khóc, bất lực trước hoàn cảnh.

Mẹ về chưa kịp hạ quang gánh, hai đứa đã tranh nhau khoe:

– Chúng con bắt được con cá to, mẹ ạ. Mẹ xem đi.

– Để yên cho mẹ thay áo đã. Ướt hết cả người rồi. Thế mà mẹ cũng bán được hàng cho mươi nhà đấy, các con ạ.

Khi bếp lửa đã được đốt ấm hồng lên, bấy giờ bà mới nhìn con cá: Thì ra “cô nàng” vượt đẻ. Tính của loài này là thế. Khi mưa to gió lớn, gặp quãng nước mạnh, thường nhảy vượt lên để tìm chỗ đẻ trứng. Con cá to, trời mưa gió này mà làm thịt kho mắm ăn dè cũng được mấy ngày! Nhưng bà lại thấy tội nghiệp. Nó là con vật, nhưng cũng là ” thân gái dặm trường ” đang lúc bụng mang, dạ chửa thế này! Bà bảo các con:

– Thả nó làm phúc, các con ạ, ăn thịt nó thì tội lắm. Các cụ bảo “chim sa, cá nhảy” nên phóng sinh.

Hai đứa không dám cãi. Chúng biết rằng mẹ đã nói là đúng, nên im lặng theo mẹ bưng cá ra đổ xuống mặt ao. Trời vẫn mưa, thế mà con cá còn đảo một vòng rồi mới chịu lặn.

Cơn mưa đã dứt. Hai anh em tiếp tục đi học, câu chuyện con cá cũng quên nhanh. Chợt một buổi sáng, Thịnh nghe có tiếng cá rào rào đớp bóng. Nó nhận ra hàng trăm con cá nhỏ đang lao lên xuống tìm mồi.

– Mẹ ơi. Có đàn cá con đông lắm. Mẹ ra mà xem.

Cả nhà thằng Thịnh đứng bên bờ ao ngắm cảnh. Ao nước bắt ánh nắng soi lọc màu thuỷ tinh. Đàn cá nhỏ tới tấp, đua nhau ăn mồi theo bờ. Thấp thoáng dưới bóng nước, là con cá mẹ đang bơi quanh để chăn con. Tiếng reo của bầy trẻ có lẽ làm động nước. Nhận ra người quen, cá mẹ nổi hẳn mình lên, quay đầu vào bờ, ngáp ngáp như muốn nói lời cảm ơn.

Mẹ bảo:

– Đúng là con cá hôm nọ rồi. Nó đã đẻ con và đang đưa con đi kiếm ăn đấy. Suýt nữa thì ra mình đã hại cả mẹ con nhà nó.

Búp Măng non

Bé đã bao giờ mhìn thấy tre chưa? Cây tre mọc thẳng, dáng cao cao, lá nhòn nhọn, trông rất đẹp. Bất kể trời gió lớn mưa to, tre vẫn thẳng vút, không bao giờ ngả nghiêng.

Suối nguồn và dòng sông

Có một dòng sông xinh xắn, nước trong vắt. Đây nước soi cả trời mây lồng lộng. Ban đêm, mặt nước lấp lánh trăng sao. Thật huyền ảo và thơ mộng. Dòng Sông ấy là con của bà mẹ Suối Nguồn.

Vua tàu thủy Bạch Thái Bưởi

Bưởi mồ côi cha từ nhỏ, phải theo mẹ quẩy gánh hàng rong. Thấy em khôi ngô, nhà họ Bạch nhận làm con nuôi và cho ăn học.

Ai đáng khen nhiều hơn

Một nhà kia, có hai anh em Thỏ ở với mẹ. Bố đi làm xa nên cậu nào cũng muốn tỏ ra là đứa bé ngoan, biết thương mẹ nhiều nhất.

Tiếng bom Sa Diện

Thời Pháp thuộc, bọn thực dân và phong kiến áp bức, bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Già, trẻ, trai, gái hết thảy đều căm ghét chúng. Nhiều thanh niên ưu tú không cam tâm làm nô lệ đã tìm đường ra nước ngoài học tập và làm cách mạng.

Bàn tay mẹ

Bình yêu nhất là đôi bàn tay mẹ. Tay mẹ không trắng đâu. Bàn tay mẹ rám nắng, các ngón tay gầy gầy, xương xương. Bình rất thích áp hai bàn tay của mẹ vào má. Hai bàn tay xoa vào má cứ ram ráp nhưng không hiểu sao Bình rất thích.

Trạng nguyên Nguyễn Kỳ

Nguyễn Kỳ thuở nhỏ có tên là Nguyễn Thời Lượng, người trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Chổi hay ghen tị

Trong họ hàng nhà chổi thì có cô bé Chổi Rơm là loại xinh xắn nhất. Cô có chiếc váy vàng óng, không ai đẹp bằng. Áo của cô cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuộn từng vòng quanh người, trông cứ như áo len vậy...

Sóc Nâu đi học

Buổi sáng mùa thu hôm ấy, khu rừng nguyên sinh rộn ràng tiếng reo cười của chim muông hoa cỏ và thú rừng… Bởi hôm nay là lễ hội khai trường. Riêng Sóc Nâu đang ở trong một tâm trạng nôn nao khó tả vì đây là lần đầu tiên Sóc Nâu đi học.