Chổi hay ghen tị

Trong họ hàng nhà chổi thì có cô bé Chổi Rơm [1] là loại xinh xắn nhất. Cô có chiếc váy vàng óng, không ai đẹp bằng. Áo của cô cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuộn từng vòng quanh người, trông cứ như áo len vậy.

Tuy bé người nhưng Chổi Rơm rất được việc. Ngày hai lần, cô chủ Thùy Linh mang chổi ra quét nhà. Chỉ quét nhà thôi, còn sân vườn đã có loại chổi khác cứng hơn. Vì giúp được nhiều việc thế, nên cô chủ rất quý Chổi Rơm. Vừa mới mua ở chợ về, cô liền nhờ bà đóng cho chiếc đinh sau cánh cửa. Mỗi lần quét nhà xong, cô lại treo Chổi Rơm lên đấy, vừa đỡ ẩm chổi lại gọn nhà.

Vậy mà Chổi Rơm không bằng lòng đâu nhé. Cô ghen với các chổi khác trong nhà. Mọi người muốn đứng, muốn ngồi đâu tùy thích, đến như bác Chổi Cọ [2] cao lêu đêu, có tiếng vụng về cũng được đứng ở đầu hè, suốt ngày sưởi nắng, ngắm chim chóc, cây cối ngoài vườn. Còn cô thì thật khổ, cứ phải ru rú trong xó cửa, cả ngày chẳng có người nhìn đến, khéo mềm người ra vì buồn mất thôi.

Thế rồi một hôm, cô Chổi Rơm liền nhảy phắt xuống đất, chạy lung tung trong nhà, khua cả đống chai lọ lỉnh kỉnh dưới gầm tủ trở dậy. Cô Chổi Rơm, vừa chạy lung tung, vừa ca cẩm ầm ĩ:

– Anh xem quần áo em có đẹp không, thế mà suốt ngày chẳng được ló mặt đi đâu. Còn anh tì cứ chễm chệ trên bàn.

Cô gây gổ với anh Chổi Đót [3] mềm mại:

– Thì anh có muốn thế đâu, anh dùng để quét bàn nên được ngồi đây đấy thôi. – Anh Chổi Đót hiền lành, cả đời chẳng biết cãi nhau là gì, đành đấu dịu.

Chưa biết nói sao thì chợt trông thấy ông Phất Trần [4] đang ngủ gà ngủ gật. Chổi Rơm liền nhảy tót lên, tha cả đất cát lên nóc tủ.

– À, ông nữa! Ông được nằm ở chỗ cao nhất nhà đấy, chả bao giờ phải chạm vào đất cát cả. Chỉ khổ cho cháu thôi.

Đang ngủ lơ mơ, bị lay dậy, ông Phất Trần càu nhàu:

– Có để yên cho ông ngủ không nào. Cả ngày phải phất bụi bặm đến mệt nhoài ra đây.

Nói xong, ông Phất Trần liền nhảy lên, treo mình vào chiếc đinh trên cột, lắc lư đầu, ngủ tiếp.

Thấy anh Chổi Đót, ông Phất Trần đều có vẻ nể mình, Chổi Rơm thích lắm. Còn mấy chú Giẻ Lau thì khỏi phải nói, cứ chui dưới ngăn bàn, chẳng dám nói lại một lời.

Chổi Rơm nhảy ra hè, ba bước, thế là xuống sân. Sân nhà vào ban đêm mới mát mẻ, dễ chịu làm sao. Mải nhìn trời nhìn đất, cô va vào anh Chổi Tre [5] dưới gốc bưởi. Cái anh Chổi Tre này mới thật là bực!

– Anh tránh ra cho em đi! – Cô sinh sự.

– Sân còn rộng, em đi chỗ nào chẳng được – Anh Chổi Tre cáu kỉnh, anh vốn nóng tính nhất nhà.

– Gớm, những gai là gai, thế mà đứng đây cho xấu cả sân đi.

Anh Chổi Tre giận quá, người cứ rung lên bần bật. Bác Chổi Cọ thấy thế đành phải can:

– Cháu Chổi Rơm ơi, đừng tị nạnh bạn bè, anh em. Mỗi người một việc, ai làm việc gì thì đứng ở chỗ ấy. Cháu khó tính quá.

– Nhưng cháu quét cả nền nhà mà cứ phải đứng trong cánh cửa tối om ấy cơ!

Nghe Chổi Rơm nói, anh em nhà chổi cười ồ lên, đến nỗi cái Hót Rác cũng cười, miệng ngoác đến mang tai.

– Mỗi chỗ đứng đều có cái hay của nó. Những hôm mưa gió, cháu thử ra đứng với các bác và anh Chổi Tre xem nào.

Nhưng Chổi Rơm đã biết thế nào là mưa gió đâu. Nó chẳng thích nghe bác Chổi Cọ và nhảy lên hè định tìm anh Chổi Sể [6].

Chổi Rơm vừa lên đến hè, bỗng lũ Chuột Cống kéo ra, quây tròn quanh mình. Cô ta sợ quá, cứ run lên.

Một con chuột to xù hích vào người cô, mùi hôi hám nồng nặc:

– Chà, con bé Chổi Rơm đây rồi. Mấy hôm vừa rồi, nó đứng trên cánh cửa làm chùng mình chịu chết. Người nó còn nhiều thóc lắm.

– Gớm, rơm mới thơm quá, mang nó về lót tổ chứ chúng mày.

Thế là mặc cho cô kêu khóc, lũ chuột liền xong vào. Cắn tan cả chiếc áo vàng còn mới nguyên, vừa tìm thóc vừa cãi nhau chí chóe. Nhằn hết thóc, chúng lôi xềnh xệch Chổi Rơm xuống cống. Cô càng níu chặt lấy cái chân cột, chúng lôi càng khỏe. Chổi Tre, Chổi Cọ, Phất Trần, Chổi Đót và cả cái Hót Rác phải lao đến, đánh nhau túi bụi với lũ chuột tham lam mới cứu được Chổi Rơm.

Sáng hôm sau, cô chủ Thùy Linh đi tìm chổi quét nhà. Cô thấy Chổi Rơm đang khóc thút thít, mình ướt sũng nước bẩn. Cô liền mang Chổi Rơm ra ao, lấy nước rửa thật sạch rồi treo lên dây phơi.

Được hong nắng suốt một ngày, áo quần khô. Chổi Rơm mới thấy đỡ sợ. Đêm hôm đó, Chổi Rơm nằm sau cánh cửa ngủ một giấc ngon lành, mặc cho lũ Chuột Cống bẩn thỉu chạy rậm rịch phía dưới.

 

Chú giải 

[1] Chổi rơm: là loại chổi được làm từ rơm nếp, bởi rơm nếp cứng hơn rơm tẻ và có màu vàng óng. Ngày nay chổi rơm dần bị thay thế bởi chổi chít (quét nhà) và chổi chà (quét sân).

[2] Chổi cọ: là loại chổi được làm từ lá cọ, thường được dùng để quét sân.

[3] Chổi đót: là loại chổi làm từ bông cây đót. Chổi còn có tên là chổi chít, chổi bông cỏ. Chổi đót thường dùng để quét nhà.

[4] Phất trần: chổi lông nhỏ, nhẹ, dùng để quét bụi.

[5] Chổi tre: là loại chổi được làm từ thân cây tre đã chẻ thành nan mỏng và nhỏ rồi bó kết lại với nhau, thường được dùng để quét đường, quét cổng và quét những nơi có nước.

[6] Chổi sể: là loại chổi được làm từ cành cây bó lại, có tác dụng giống như chổi tre.

Đồ dùng để ở đâu?

Minh nhìn lên đồng hồ. Đã đến giờ đi học. Minh cuống cuồng tìm quần áo để mặc. Nhưng chú bé không thấy quần dài, không thấy áo, không thấy dép đâu cả.

Rắn và chuột

Một hôm, Rắn bò đến một cái hang. Nó nghĩ đây chắc là nhà của một con vật bé nhỏ nào đó.  Lúc này, Rắn đã đói bụng lắm, nó chẳng muốn đi đâu nữa.

Nếp sống giản dị của Bác Hồ

Ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị. Bác không muốn Chính phủ dành một sự ưu đãi nào cho riêng mình.

Hạt cườm tham ăn

Có một chị chim vành khuyên đẻ được tám trứng, ấp nở ra tám vành khuyên con. Ngày ngày chim mẹ đi kiếm mồi về để nuôi con. Khi chúng mới nở, chim mẹ phải mớm cho từng con một.

Giấc mơ của cậu bé Phun-tơn

Elô-be Phun-tơn sinh ngày 14-11-1765, tại Mĩ. Cha mất sớm, nhà nghèo, lên 9 tuổi, Phun-tơn mới được đến trường. Vì giàu trí tưởng tượng, biết kể chuyện lại biết vẽ, cậu bé được bè bạn rất quý mến.

Mèo Vàng thi hát

Cứ đến kỳ ông trăng trở lại trên bầu trời, như chiếc đĩa bằng bạc xinh xẻo, tỏa ánh sáng mát dịu trên làng mạc, cây cỏ, thì các con vật trong làng lại rủ nhau ra gốc đa thi hát.

Bát chè sẻ đôi

Đồng chí liên lạc đưa công văn 10 giờ đêm mới đến. Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phèn, mà anh em phục vụ vừa mang lên, xẻ một nửa cho đồng chí liên lạc.

Con chim nhỏ

Seryozha (Xi-ri-ô-gia) mừng ngày sinh của mình. Em nhận được bao nhiêu là đồ chơi: chó sói, ngựa, tranh ảnh,… Nhưng thích nhất là chiếc lưới bẫy chim của người anh họ gửi cho.

Chú vịt bầu

Nhìn thân hình gầy guộc của mẹ, Mai muốn ứa nước mắt. Em biết mẹ nói thoái đi như thế cho mình yên tâm chứ không thuốc men thì làm sao khỏi bệnh được.