Ngày xưa, cách đây gần bảy trăm năm, có cậu bé Mạc Đĩnh chi con nhà nghèo, người đen đủi xấu xí. Tuy còn nhỏ, nhưng ngày nào Mạc Đĩnh Chi cũng vào rừng kiếm củi giúp đỡ cha mẹ.
Gần nhà Mạc Đĩnh Chi có một trường học: các bạn trong làng đến học rất đông vui. Con nhà nghèo, không có tiền ăn học nên Mạc Đĩnh Chi rất thèm được học. Do đó, mỗi lần gánh củi qua trường, cậu bé lại ngấp nghé học lỏm.
Qua nhiều ngày như vậy, thầy giáo thấy cậu bé nhà nghèo mà có chí hiếu học, ông liền cho phép Mạc Đĩnh Chi được vào trường học. Nhờ có trí thông minh, lại rất ham học, nên Mạc Đĩnh Chi nhanh chóng trở thành một người học trò giỏi nhất trường.
Chỉ có buổi tối, Mạc Đĩnh Chi mới có thời giờ học và đọc sách, vì ban ngày cậu còn phải làm lụng mọi việc. Nhưng học buổi tối lại không có dầu thắp, Mạc Đĩnh Chi đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn học.
Miệt mài học tập với ngọn đèn đom đóm ấy, chẳng bao lâu, Mạc Đĩnh Chi trở thành người học rộng tài cao. Khi đi thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên (khoa thi năm 1340). Nhưng vì nhà vua thấy ông nhà nghèo, lại xấu xí nên có ý không muốn cho ông đỗ đầu, buộc ông phải làm một bài văn để thử tài.
Mạc Đĩnh Chi làm ngay một bài phú lấy tên là “Bông sen trong giếng ngọc” để tỏ rõ chí hướng và tài năng của mình. Bài phú ấy rất hay, hay đến nỗi vua nhà Trần phải phong ngay cho ông một chức quan to trong triều.
Với lòng yêu nước thương dân, Mạc Đĩnh Chi đã làm nhiều việc lớn cho đất nước.