Mũi Lao Xanh trong đầm nước

Dưới gốc cây sen già trong đầm nước, Búp Sen đội bùn nhú lên. Nước sóng sánh tẩy sạch bùn nhơ để lộ một ngó sen trắng muốt. Làn mưa rào đầu hạ rắc lộp độp trên mặt đầm khiến búp nụ nôn nao. Nó căng mắt dõi qua làn nước bàng bạc. Chao ôi, khoảng cách từ đáy hồ lên đến những túm râu rậm rạp của mấy cụm bèo tây, xa ơi là xa! Tuy nóng lòng nhưng Búp Sen vẫn kiên trì nhích dần từng tí một.

Lũ cá trong đầm nước ngạc nhiên vì sự có mặt đột ngột của Búp Sen bé nhỏ. Nhưng ghét nhất vẫn là lão Trê Già ngoe nguẩy mấy chiếc râu dài thưa thớt, giương cặp mắt ti hí mà sừng sộ:

– Mày ở đâu chui ra mà lù lù chắn đường bơi của bọn tao?

– Tôi là một bông hoa, tôi sẽ làm đẹp thêm cho đầm nước – Búp Sen nhỏ xíu kiêu hãnh trả lời.

– Trông như cái cọng cỏ hoang thế kia mà dám gọi là hoa – Lão Trê trề cặp môi xám bệch loe như cái miệng kèn cười khùng khục. Chừng chưa đã, lão còn lao tới đưa cái đầu bẹp dí, cứng như mảnh đá húc vào gốc sen. Búp Sen nhỏ rùng mình, xù hết các gai nhọn ra chống đỡ. Những mũi gai chưa thật cứng cáp nhưng cũng đủ làm cho lão Trê nản lòng. Trước khi quẫy đuôi bỏ đi, lão còn hằm hè:

– Ông sẽ gọi Trắm Cỏ, lúc ấy mày sẽ hết đời là hoa nhé.

Chưa biết Trắm Cỏ là ai nhưng nghe lão Trê dọa thế, Búp Sen cũng sờ sợ. Một chốc sau, anh Trắm Cỏ có bộ lưng đen sì hung hăng phóng đến. Miệng Trắm Cỏ rộng toác, lởm chởm hai hàm răng nhọn hoắt chóp cha chóp chép. Chẳng đợi Trắm Cỏ kịp hù dọa, Búp Sen nhỏ lấy hết can đảm gào lên:

– Ta là Mũi Lao Xanh, ta đang phóng lên mặt nước!

Chẳng hiểu câu nói buột miệng trong cơn nguy khốn ấy của Búp Sen có tác dụng thế nào mà Trắm Cỏ đang đà lao tới bỗng giương vây khựng lại. Miệng thôi không đớp đớp, nó giương mắt nhìn lại cái cọng cây xanh lợt. Quả thật, trông Búp Sen ở dưới nước chẳng khác gì một mũi lao nhọn hoắt. Chả dại gì mà đùa với Mũi Lao Xanh – Trắm Cỏ nghĩ thế rồi ngoắt đuôi rẽ sang hướng khác. Nó bơi sát vào bờ, tìm rứt những ngọn cỏ thia thia mềm ngọt.

Đợi lũ Trê, Trắm bỏ đi thật xa, cô Chép có chiếc đuôi hồng mềm mại bơi đến:

– Mình chẳng tin cậu là Mũi Lao Xanh. Chẳng phải cậu đã nhận mình là một bông hoa cơ mà!

– Nhưng, biết làm sao được, tôi phải là Mũi Lao Xanh. – Giọng Búp Sen tuy đã hết lo âu nhưng xem chừng vẫn còn cảnh giác. Cô Chép chẳng chịu tin vào điều ấy.

– Nhưng mình chả thích Mũi Lao Xanh tí nào cả, mình muốn cậu là một búp hoa cơ.

Thấy cô Chép dáng hiền hậu, Búp Sen nhỏ thật lòng:

– Quả thật, mình là một bông hoa, mẹ mình bảo thế! Nhưng như bạn thấy dó, trước khi trở thành một bông hoa, có khi buộc phải làm một Mũi Lao Xanh.

Câu chuyện thân tình ấy còn kéo dài nhưng bị khuất lấp đi trong tiếng sóng nước vỗ ì oạp nên chẳng ai hay biết gì cả.

– Cố lên Mũi Lao Xanh! Chỉ cần vượt qua được mặt nước, lũ Trê, Trắm sẽ không còn làm gì được.

Chép khích lệ bạn mình bằng những lời đựng trong những bóng nước nhỏ li ti, nối đuôi nhau nổi lên mặt hồ. Cũng đã gần lắm rồi. Búp Sen cố rán sức đẩy mình – những cú phóng âm thầm cuối cùng của Mũi Lao Xanh.

Một ngày nọ, trên mặt hồ phẳng lặng nhú lên một búp hoa nhỏ nhọn. Chẳng mấy chốc, đầu búp kia đã to vổng lên, cọng sen rắn rỏi xanh thẫm lại. Bộ cánh bợt bạt vì sống lâu ngày trong bùn nước nay đổi sắc hồng hào. Rồi một sáng mai trong màn sương đang tan loãng, Búp Sen xoè mở những cánh hoa, để lộ ra một khuôn mặt tròn trĩnh tươi xinh. Bỗng hoa ngơ ngác ngắm nhìn ông Mặt Trời khoác bộ cánh rực rỡ vừa ló khuôn mặt đỏ au ở đằng đông.

– Chào bông hoa của hồ nước! Ông Mặt Trời vừa tỉnh dậy đã cất giọng ấm áp. Bông hoa e thẹn, thích thú nghiêng đầu soi vào đầm nước. Chà! Mình có một bộ tóc vàng tươi mềm mại và thơm ngát! Nó cúi mình xuống thật thấp và cất tiếng reo vui:

– Bạn Chép ơi! Mình đã trở thành một bông hoa!

Cô Chép dịu dàng chắc chẳng thờ ơ với sự kiện quan trọng này bởi vì trong đầm sen, dưới những bông hoa ngát hương vừa mới nở, người ta nghe rất rõ tiếng quẫy lao xao của cá.

Anh hùng nhỏ tuổi diệt xe tăng

Lai là một thiếu nhi nhà nghèo. Cha đau ốm, em phải đi thay cha lèn đồn làm phu phen tạp dịch cho bọn Mĩ – Ngụy.

Con vẹt nghèo

HẰNG NĂM, MỖI KHI MÙA XUÂN VỀ, các giống chim và thú vật lại rủ nhau tới rừng mở hội. Nào Voi, Gấu, Hổ, Lợn Lòi... trổ tài thi khoẻ. Nào Khỉ, Vượn, Sóc... đua nhau leo trèo. Còn các giống chim khác thì thi giọng hát.

Con chim nhỏ

Seryozha (Xi-ri-ô-gia) mừng ngày sinh của mình. Em nhận được bao nhiêu là đồ chơi: chó sói, ngựa, tranh ảnh,… Nhưng thích nhất là chiếc lưới bẫy chim của người anh họ gửi cho.

Chú Ong lười biếng

Xưa kia, có dòng họ nhà Ong sinh sống hòa thuận trên thảo nguyên, họ siêng năng, cần mẫn làm việc. Một trong những gia đình Ong đó có một cậu con trai đặt tên là Ong Cưng...

Sáo, Sẻ và Chích Bông

Từ thuở xa xưa, Sáo, Sẻ và Chích Bông cùng sống chung với nhau trong một khu vườn. Ba loài chim này thường cùng nhau đi, cùng đến và cùng làm ăn sinh sống với nhau.

Búp Măng non

Bé đã bao giờ mhìn thấy tre chưa? Cây tre mọc thẳng, dáng cao cao, lá nhòn nhọn, trông rất đẹp. Bất kể trời gió lớn mưa to, tre vẫn thẳng vút, không bao giờ ngả nghiêng.

Cậu bé và ông già cho thuê sách

Một buổi trưa… vào giờ tan tầm, bác thợ sửa xe đạp đầu phố thấy một cậu bé đạp xe đi tới đi lui mấy lần.

Ếch mẹ may quần áo

Ếch mẹ ngồi bên bờ ao khóc thút thít, thì ra là những đứa con nhỏ của nó đã bị dòng nước cuốn đi mất rồi. Cóc mẹ nhìn thấy thế mới nói: Cô Ếch à, đừng khóc nữa, phải giữ gìn sức khỏe của mình nữa đấy...

Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn

Đặng Thái Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha của Đặng Thái Sơn là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, mẹ là Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú Thái Thị Liên, nguyên chủ nhiệm khoa đàn piano Nhạc viện Hà Nội.