Ăn "mầm đá"

Tương truyền vào thời vua Lê - chúa Trịnh có ông Trạng Quỳnh là người rất thông minh. Trạng thường dùng lối nói hài hước hoặc những cách độc đáo để châm biếm thói xấu của vua chúa, quan lại và bênh vực dân lành.

Một hôm, Trạng túc trực trong phủ chúa. Chúa bảo:

- Ta ăn đủ của ngon vật lạ trên đời mà vẫn không thấy ngon miệng. Ngươi có biết thứ gì ngon thì mách cho ta.

Trạng bẩm:

- Chúa đã xơi "mầm đá" chưa ạ?

Nghe có món lạ, chúa bèn sai Trạng dâng lên. Trạng Quỳnh cho người đi lấy đá đem về ninh, còn mình thì về nhà kiếm một lọ tương thật ngon đem giấu trong phủ chúa. Lọ tương được bịt thật kĩ, ngoài đề hai chữ "đại phong".

Bữa ấy, chúa đợi món "mầm đá" đã quá bữa, thấy đói bụng bèn hỏi:

- "Mầm đá" đã chín chưa?

Trạng đáp:

- Dạ, chưa ạ.

Chốc chốc, đói quá, chúa lại hỏi, Trạng lại tâu:

- Thứ ấy phải ninh thật kĩ, không thì khó tiêu.

Đã khuya, chúa lại hỏi. Trạng Quỳnh biết chúa đã đói lả, mới tâu:

- Xin chúa hãy xơi tạm vài thứ dã vị này, còn "mầm đá" thần xin dâng sau.

Rồi Trạng truyền dọn cơm với tương lên. Chúa đang đói lên ăn rất ngon miệng. Thấy chiếc lọ đề hai chữ "đại phong", chúa lấy làm lạ, bèn hỏi:

- Mắm "đại phong" là mắm gì mà ngon thế?

- Bẩm, là tương ạ!

- Vậy ngươi đề hai chữ "đại phong" là nghĩa làm sao?

- Bẩm, "đại phong" là gió lớn. Gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương ạ.

Chúa bật cười:

- Lâu nay ta không ăn, quên cả vị. Sao tương ngon thế?

- Bẩm chúa, lúc đói, ăn cơm muối cũng ngon, no thì chẳng có gì vừa miệng đâu ạ.

 

Ý nghĩa

Truyện ca ngợi trí thông minh của Trạng Quỳnh. Nhờ trí thông minh và sự hóm hỉnh của mình, Trạng Quỳnh đã khéo răn chúa mà không bị buộc tội.
 


Tương truyền: truyền miệng từ đời này sang đời khác.

Thời vua Lê – chúa Trịnh: thời kì lịch sử từ cuối thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII, nước ta có vua Lê nhưng quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh.

Túc trực: có mặt thường xuyên ở chỗ nhất định để trông nom hoặc sẵn sàng làm một việc gì.

Dã vị: món ăn bình dân, nấu theo lối cổ truyền.

Chiếc đồng hồ

Năm 1954, các cán bộ đang dự hội nghị tổng kết ở Bắc Giang thì có lệnh Trung ương rút bớt một số người đi học lớp tiếp quản Thủ đô. Ai nấy đều háo hức muốn đi. Nhất là những người quê Hà Nội.

Núi cười

Ngày xưa, ở một bản nọ có hai anh em. Anh thì ham chơi. Em thì chăm học, chăm làm.

Câu chuyện bé Chăm

Bé Chăm rất chăm làm nhưng cũng mau chán việc. Làm việc này chưa xong, em lại bỏ dở để làm việc khác.

Một trí khôn hơn trăm trí khôn

Một buổi sáng trời quang mây tạnh, đôi bạn dạo chơi trên đồng cỏ. Chúng đi sóng đôi với nhau, nhởn nhơ ngắm trời ngắm đất. Ánh mặt trời chiếu trên thảm cỏ non làm cho những giọt sương long lanh như những hạt ngọc...

Bé Nam và con rùa Hồ Gươm

Bé Nam đang đứng tránh mưa trong một cái tháp nhỏ ở một góc bờ Hồ Gươm gần ngã tư đường Tràng Thi và đường Lê Thái Tổ...

Anh em Hồ Lô

Ngày xửa ngày xưa, trên núi Hồ Lô có một con Bọ Cạp Tinh và một con Xà Tinh. Một hôm, có một con Tê Tê không cẩn thận làm vỡ cửa động trên núi, thế là Bọ Cạp Tinh và Xà Tinh chạy ra khỏi hang...

Người thợ săn và con dê núi

Đã ba lần ông Bỉnh nhìn thấy con dê núi. Lần thứ nhất vào lúc sẩm tối. Ông vừa lội qua con suối, chợt nghe thấy tiếng động ông vội ngước lên...

Chuyến đi xa của chú chuột nhỏ

Một buổi sáng, chú chuột nhỏ lên đường đi du lịch. Chuột bà nướng cho cháu rất nhiều bánh để ăn đường và tiễn cháu đến cửa hang. Nhưng ngay buổi chiều hôm đó, chú chuột trở về.

Chú ngã có đau không?

Vào đầu năm 1954, tiết trời đã sang xuân, nhưng ở Việt Bắc vẫn còn rét. Gió bấc thổi mạnh, mưa phùn lâm râm gây nên cái lạnh buốt, Bác vẫn làm việc rất khuya.