Một hôm, nhà ông nghè Lê Trọng Thứ có khách quý tới thăm. Mấy tuần trà đậm đã qua, đến khi chủ nhân toan nhấc chiếc bình nước mưa để rót thêm vào chiếc ấm đồng đang đặt trên bếp than hồng thì chợt nhận ra nước đã cạn.
– Quý Đôn con!
Từ dưới nhà ngang, một chú bé khoảng bảy, tám tuổi, tóc trái đào, len lén chạy lên, lấy lưng cha để che mắt khách. Nhưng khách đã kịp nhận ra chú bé. Vừa lúc khách thốt ra một tiếng “ơ…” kinh ngạc, thì chủ nhân cũng cất giọng bảo :
Ra bể nước, múc vào đây một bình!
Khi chú bé đã nhanh nhẹn đón lấy bình nước từ tay cha, con cón chạy đi, chủ nhân mới kịp hỏi khách :
– Bác hẳn có điều gì khác ý?
Khách hỏi lại:
– Cậu bé vừa rồi là con cái trong nhà, thưa bác?
– Thưa vâng! Có chuyện gì khiến bác bận tâm chăng?
– Cháu nó đã đi học chưa ạ?
Chủ nhân được dịp thổ lộ:
– Chẳng giấu gì bác, năm cháu hai tuổi đã nhận được mặt chữ. Năm tuổi, cháu đã đọc được Kinh thi, còn võ vẽ viết văn, làm thơ. Có điều mải chơi quá nên còn biếng học.
Vị khách cứ tặc lưỡi:
– Thảo nào! Thảo nào!
Ông nghè thấy lạ, hỏi:
– Có chuyện gì thế, bác?
– Hồi nãy, ở bến sông, tôi hỏi thăm đường về nhà bác, thì gặp cháu cùng với mấy đứa trẻ chạy ở dưới sông lên. Nó hỏi: “Ông đến nhà quan nghè họ Lê ở làng cháu thì chắc phải hay chữ. Vậy nếu ông nói được đây là chữ gì cháu sẽ chỉ nhà cho !” Thế là nó dang tay và xoạc hai chân ra. Tôi thấy thằng bé ngộ quá, mới nói vui: “Chữ Đại (大) chứ gì ?” Thế là cu cậu ré lên cười : “Không phải!” Rồi vừa ù té chạy, vừa nói với lại : “Chữ Thái (太 ) ! Thế mà không biết!” Bác xem, chẳng là cu cậu còn đang tồng ngồng mà! Già đời như tôi mà còn bị quý tử nhà bác lỡm đấy!
Ông nghè dở khóc dở cười trước câu chuyện của bạn. Vừa lúc “cậu quý tử” rón rén trở lại với bình nước mưa trên tay, ông quát:
– Thằng nghịch tử kia!
Nhưng khách đã vội can:
– Xin bác ! Để tôi hỏi cháu vài câu xem sao.
Rồi khách vẫy Quý Đôn lại, bảo:
– Thầy cháu kể với bác là cháu đã tập làm thơ. Vậy muốn khỏi phạt, cháu phải làm một bài thơ, có được không?
Chú bé mở to đôi mắt trong trẻo:
– Dạ, xin bác ra đề!
– Được! Ta ra cho cháu đề bài là “Rắn đầu biếng học”.
Chú bé chớp mắt, nét mặt phút chốc già đi, vẻ căng thẳng. Lùi dần ra bậu cửa, mặt ngẩng cao, mắt dõi vào một điểm vô hình, chú tựa người vào tấm vách, mấp máy môi trong một trạng thái như quên hết mọi vật xung quanh. Vị khách được chứng kiến cảnh tượng lạ lùng, còn chưa hết ngạc nhiên thì đã thấy chú bé vụt trở lại là một đứa trẻ tinh nghịch, vờ khép nép tiến lên mấy bước, cúi đầu:
– Dạ, cháu xin đọc…
– Được, đọc đi!
– Chẳng phải liu đìu vẫn giống nhà.
Rắn đầu biếng học quyết chẳng tha.
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét mai gầm rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen phường láo lếu,
Lằn lưng cam chịu vết roi da.
Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
Bài thơ đúng vần luật, rất hợp đầu đề mà ý tứ cao sâu, mỗi câu một tên rắn để nhại chữ ở đầu đề, khiến cho khách không kìm được sự thán phục, vỗ đùi đen đét:
– Thần đồng! Thằng bé này đúng là thần đồng!
Ông nghè Lê cố giấu vẻ hể hả, khoát tay:
– Cho ra ngoài! Phải nhớ lời tự răn đấy!
Mái tóc trái đào đã khuất nhanh sau cửa, vị khách cất tiếng bình luận:
– Thằng bé này về sau văn chương sẽ ngang dọc một thời!
Và quả thật, mới 14 tuổi đã “học hết chữ các thầy giỏi ở trong vùng”, Lê Quý Đôn rời quê hương Sơn Nam (Thái Bình ngày nay) lên kinh đô Thăng Long tiếp tục tìm thầy học đạo. 18 tuổi đỗ cử nhân, giải nguyên. 27 tuổi chiếm cả bảng vàng thi Hội (kì thi chọn tiến sĩ) lẫn thi Đình (kì thi do nhà vua làm chủ khảo). Lê Quý Đôn đã để lại cho đời rất nhiều bộ sách quý. Ông là nhà bác học lớn nhất của nước ta thời xưa.