Cô giáo và hai em nhỏ

Nết đã hơn 7 tuổi. Em gái Nết là Na, 6 tuổi. Khi em gái chưa đi học lớp 1, suốt ngày hai chị em quấn quýt bày đồ chơi. Nết sinh ra đã bất hạnh với bàn chân trái thiếu ba ngón. Càng lớn, đôi chân Nết càng teo đi và rồi Nết phải bò khi muốn di chuyển. Bố mẹ Nết héo hon khi đưa con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Đã bao lần Nết bắt gặp ánh mắt đau xót của mẹ. Đã bao đêm nước mắt người mẹ nhỏ xuống khi ngồi ngắm đứa con thơ.

Ban ngày, bố mẹ Nết phải đi làm. Bố là công nhân nhà máy chế biến hoa quả, mẹ là công nhân trồng dứa nên rất bận. Hai chị em biết thế nên không nhõng nhẽo như những đứa trẻ khác. Hai đứa không hay đòi đi chơi, chỉ quanh quẩn trong gian phòng nhỏ.

Năm ngoái, các bác, các cô đến nhà tặng Nết chiếc xe lăn. Thế là Nết không phải lê la dưới đất nữa. Tháng 9 vừa rồi, em Na đi học, chỉ còn Nết một mình thui thủi trên xe với những đồ chơi. Nết buồn lắm, chỉ mong Na chóng tan trường về kể chuyện cho Nết nghe. Chuyện sân trường rộng có nhiều cây xanh, các bạn vui đùa… Nết nghe như nuốt từng lời của em, mắt háo hức. Những lúc Na học bài, Nết tần ngần ngắm em tô chữ. Bố mẹ thấy thế, mua vở cho Nết tập tô. Nhìn con thơ thẩn tội nghiệp, người bố đã bàn:

– Hay là cho con đến trường ?

– Không được ! – Người mẹ thảng thốt. – Con bé bị bọn trẻ chế giễu thì tội nghiệp lắm.

Hết học kì I, Na hớn hở khoe: lớp Na có cô giáo trẻ rất xinh mới về. Na kể rất nhiều về cô: tà áo dài của cô trắng muốt, miệng cô cười tươi như hoa, cô đi nhẹ nhàng đến bên từng học sinh dạy các bạn viết, vẽ…

Na yêu cô giáo, kể về cô nhiều quá, làm Nết cũng mê theo. Rồi dần dần lớn lên trong Nết ước mơ đuợc tới trường, được đi học như Na để nghe cô giáo giảng bài và vui đùa cùng bè bạn. Sáng, chiều ngồi trên xe lãn, Nết lắng nghe tiếng trò chuyện của đám học sinh đi học ngang qua nhà. Lắm lúc, cô bé dán mắt vào khung cửa, nhìn đau đáu về phía khu trường.

Trong tiết học vẽ hôm ấy, cô giáo rất ngạc nhiên khi cầm vở vẽ của Na. Trên trang vở không thấy hoa mà chỉ thấy hình một cô gái tay cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một bé gái. Na giải thích : “Em vẽ cô tiên đang gõ đôi đũa thần để chữa đôi chân cho chị em, để chị em cũng được đi học.” Cô giáo ngạc nhiên khi biết chị gái Na bị tật nguyền. Những đứa trẻ bị tật thật đáng thương. Cần phải giúp đỡ các em. Cô nghĩ vậy và quyết định sẽ đến thăm Nết.

Buổi tối ấy, thấy cô giáo dắt xe vào sân, Na reo lên mừng rỡ. Nết nhìn ra: cô giáo thật đẹp, mái tóc cô óng mượt, nụ cười rất tươi, có điều cô không mặc áo dài trắng mà mặc một chiếc sơ mi cộc tay. Mắt Nết nhìn như dán vào cô.

Mẹ Nết bối rối:

– Đến trường đông trẻ, cháu dễ tủi thân. – Mẹ nấc lên. – Các bác sĩ đã kết luận… ông ngoại cháu 10 năm ở chiến trường… di chứng chất độc màu da cam…

Nết nghe câu được câu chăng cuộc nói chuyện giữa bố mẹ và cô giáo ngoài phòng khách.

Tiễn cô giáo về rồi, mẹ chạy vào ôm lấy Nết:

– Từ tuần sau, cô giáo sẽ đến tận nhà dạy con.

Từ đó, các buổi tối thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ sáu, đúng 7 giờ, Na lại đẩy xe cùng Nết ra cổng đón cô giáo. Được học, Nết rất vui. Nết cô tập viết theo sự hướng dẫn của cô. Chẳng bao lâu, nét chữ của Nết cũng đẹp không kém em Na, nhưng Nết đọc còn ấp úng. Những lúc Nết đỏ mặt vì không đọc được, cô giáo lại mỉm cười đọc mẫu để Nết đọc lại. Nết còn học làm toán và biết tính nhẩm khá nhanh.

Còn một tháng nữa là kết thúc năm học. Mấy hôm nay, cô giáo thường kể cho 35 học trò của mình về một bạn nhỏ. Đôi chân bạn ấy không may bị liệt nên bạn phải ngồi xe lăn nhưng bạn vẫn quyết tâm học. Có lúc đau tê cứng cả lưng, bạn vẫn cố viết và viết rất đẹp. Nghe cô kể, mắt Na sáng lên, Na tự hào về chị lắm.

Cô giáo đưa vở của Nết cho cả lớp xem. Các em rất thán phục.

Một em tò mò hỏi:

– Thưa cô, sao bạn ấy không đến lớp ạ ?

– Bạn ấy đang học tại nhà. Sang năm bạn ấy sẽ đến học cùng các em.

– Thế bạn ấy đi học như thế nào ạ ?

– Bạn ấy đến trường bằng xe lăn, nhà trường sẽ đóng cho bạn ấy một chiếc bàn đặc biệt, khác với bàn của các em.

– Bạn ấy có thể ra sân chơi với chúng em không ạ ?

– Bạn ấy rất thích các trò chơi nhưng các em phải giúp đỡ bạn.

– Chúng em sẽ giúp bạn ! Chúng em sẽ đẩy xe cho bạn. – Đám trẻ nhao nhao.

– Nhưng nếu có bạn lớp khác trêu bạn ấy thì các em sẽ làm thế nào ?

– Chúng em sẽ mách cô. Chúng em sẽ bảo các bạn ấy làm thế là xấu ạ.

Cô giáo rất hài lòng. Thỉnh thoảng, cô lại dẫn mấy trò nhỏ đến nhà Nết chơi. Bọn trẻ quen nhau rất nhanh. Chỉ một lát, tiếng cười đã váng nhà.

Cô giáo nói với bố mẹ Nết:

– Thủ tục nhập học cho cháu Nết đã xong. Sau hè, cháu sẽ được đặc cách vào lớp 2.

Na vỗ tay. Bố mẹ Nết rơm rớm nước mắt. Còn Nết, cô bé đang hình dung cảnh cô giáo cùng các bạn nhỏ xúm xít đẩy chiếc xe lăn.

Diều hâu và Chích Choè

Ngày xưa trong khu rừng già nọ, có một con diều hâu luôn luôn huênh hoang, hợm hĩnh. Nó tự coi mình là chúa tể của muôn loài chim, tự hào về sức khoẻ vô địch của nó. Một hôm diều hâu tập hợp tất cả các loài chim lại và lên giọng thách thức...

Hồ Gương

Có một hồ nước rộng, trông thấy đáy. Những khi gió nhẹ mặt hồ phẳng lặng như gương. Một chú Chim nhỏ bay qua thấy bóng mình dưới nước, bèn cất tiếng

Chuyện cổ tích buồn

Sáng nào dậy sớm, Ly cũng nhìn thấy bà. Bà đang lúi húi nhặt những bông hoa sứ rụng ngay trước cổng nhà. Lưng bà còng, tóc bà bạc trắng. Hình như bà đã đến nhặt hoa ở đây từ lâu lắm, vì cây hoa sứ này còn nhiều tuổi hơn Ly gấp mấy lần.

Văn hay chữ tốt

Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Đôi bạn

Làng Mèo Tà Pình và làng Mán Động Hía thù nhau từ đời này qua đời khác chỉ vì cái chuyện giữa nhà thống lí Mèo và nhà vua Mán.

Người thầy của tuổi thơ

Hồi mười một tuổi, tôi vẫn gầy và ẻo lả như một cọng cỏ mảnh. Một hôm, mẹ mang về cho tôi một con mèo mướp nhỏ, ốm yếu.

Chiếc Lá Non

Buổi sáng cuối xuân, ánh nắng tơ hồng óng ánh trải xuống khắp khu vườn. Những cô Ong áo chẽn vàng đang mải miết lấy phấn hoa. Các cô vừa làm vừa hát...

Con heo đất

Tôi đang mong bố mua cho tôi một con rô bốt. Nhưng bố lại mang về một con heo đất.

Con chim nhỏ

Seryozha (Xi-ri-ô-gia) mừng ngày sinh của mình. Em nhận được bao nhiêu là đồ chơi: chó sói, ngựa, tranh ảnh,… Nhưng thích nhất là chiếc lưới bẫy chim của người anh họ gửi cho.