Đàn vịt trời

Một hôm, Cuội [1] đến Mường Vang [2] chơi. Đi đường mệt, Cuội ngồi nghỉ bên một bờ hồ rộng. Giữa hồ, một đàn vịt trời [3] bơi lội tung tăng. Cuội đếm một con, hai con, … năm con, mười con và nhiều lắm. Đang mải ngắm đàn vịt, tiếng nhạc ngựa vang lên sau lưng làm Cuội giật mình. Cuội quay lại, thấy một lão lang [4] ngạo nghễ ngồi trên con ngựa tía. Thấy Cuội, lão lên giọng hách dịch [5]:

– Thằng kia, mày làm gì đấy? Sao không tránh ngựa tao đi? Mày không biết đất nước này của ai ư?

Cuội nhanh trí, đáp:

– Bẩm lang, con đi chăn vịt. Con không hề biết hồ này thuộc đất của lang.

Vừa nói, Cuội vừa chỉ đàn vịt trời giữa hồ. Thấy đàn vịt đông như kiến cỏ, con vỗ cánh, con ngụp đầu, bơi bơi lội lội, máu tham nổi lên, lão lang gạ [6] Cuội:

– Mày bán đàn vịt cho tao!

Cuội nghĩ bụng: “Lão lang này quen thói cướp không của người, phải cho lão một vố mới được”. Cuội làm ra vẻ sợ hãi, thưa:

– Bẩm lang, không bán được ạ. Đây là đàn vịt cơm áo [7] của con, bán đi con biết lấy gì sinh sống. Con xin biếu lang vài đôi để nhắm rượu thôi ạ.

Lão lang không chịu, cứ đòi mua cả đàn. Cuội vờ từ chối van xin mãi. Cuối cùng, lão lang dọa:

– Tao thương mày tao mới hỏi mua. Cánh đồng này của tao, hồ nước này của tao. Đây là đất tao cai trị. Mạy không bán, tao cũng bắt cả đàn vịt.

Thế là Cuội đành phải bán “đàn vịt cơm áo” của mình với giá mười đồng bạc trắng [8]. Khi nhận tiền, Cuội vờ buồn rầu bảo lang:

– Vịt của con quen chủ, lang chớ lùa ngay. Đợi chúng ăn no, lang hãy lùa về. Lùa bây giờ là chúng tản đi mất.

Nói xong, Cuội chào lang, đi thẳng.

Còn mình lão lang vẫn đứng lại ngắm đàn vịt trời. Khi mặt trời sang bên kia dãy núi, xem chừng vịt đã ăn no, lão lang hí hửng [9] chèo thuyền ra lùa đàn vịt về. Nhưng vừa tới nơi thì ôi thôi, đàn vịt đồng loạt tung cánh bay vút lên bốn tầng mây. Bấy giờ lão lang ngu ngốc, tham lam mới biết mình bị mắc lừa. Lão vội lên bờ tìm Cuội, nhưng Cuội đã đi mất từ bao giờ, tìm đâu cho thấy!


Chú giải

[1] Cuội: nhân vật láu lỉnh, thông minh, thường xuất hiện trong những truyện vui dân gian.
[2] Mường Vang: một trong bốn vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình. Người Mường còn có câu: nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động để chỉ bốn vùng Mường lớn nhất của người Mường Hòa Bình.
[3] Vịt trời: loài chim giỏi bay, giỏi bơi lội, thường sống thành đàn ở các vùng có nhiều hồ nước.
[4] Lang: từ chỉ tầng lớp thống trị ở các xứ Mường (giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám).
[5] Hách dịch: tỏ ra mình có oai hơn người bằng cử chỉ hoặc lời nói.
[6] Gạ: tán tỉnh để cầu lợi.
[7] Đàn vịt cơm áo: ý nói đàn vịt là tài sản, là nguồn sống chính của Cuội.
[8] Đồng bạc trắng: tiền đúc bằng bạc trắng.
[9] Hí hửng: mừng rỡ.

Ông tướng gầy

Thuở xưa có một người thợ rừng lực lưỡng khoẻ mạnh. Cái rìu cái búa thông thường anh cầm lỏng tay, phải thuê thợ rèn đánh to bằng hai bàn tay xoè, dùng mới vừa sức...

Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng...

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Vào đời Vua Hùng thứ 18, Vua có một người con gái đã đến tuổi cập kê, công chúa có dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, lại còn có một làn da trắng trẻo mịn màng, dáng người nàng cũng cao ráo. Tên của nàng công chúa này là Mỵ Nương...

Sự tích chú cuội cây đa

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...

Sự tích con thạch sùng

Ngày trước, ở vùng nọ có đôi vợ chồng Thạch Sùng, gia đình vốn nghèo khó. Họ cùng nhau sống chui sống lủi ở túp lều ngay gần chợ để xin ăn cho qua ngày...

Phạm Viên thành tiên

Ngày xưa, vào đời nhà Lê, ở huyện Đông Thành, có nhà họ Phạm sinh được hai con trai là Phạm Chất và Phạm Viên.

Nợ như chúa chổm

Vào thời nhà Lê, có một ông quan lớn trong triều tên là Mạc Đăng Dung có chí muốn cướp ngôi vua. Nhà vua biết được tin đó nhưng thế lực của Mạc rất lớn, ông ta cầm binh quyền, bè đảng lại đông nên không thể làm gì được...

Người con gái Nam Xương

Ngày xưa, ở làng Nam-xương có cô gái tên là Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thùy mị nết na. Nàng lấy chồng là Trương sinh vốn là người cùng làng. Trương sinh có tính cả ghen, hay để tâm xét nét vợ...