Dì Honey của tôi

Có thể dì tôi là một phụ nữ khó chịu nhất mà bạn từng gặp gỡ. Giọng nói khăn khăn của dì tác động đến tai người nghe, cứ như ai đó cào móng tay nhọn lên tấm bảng đen. Khi trò chuyện với dì, người ta phải tuân theo các quy tắc sau đây: Lúc nào cũng phải chú ý lắng nghe, không ngắt lời, đừng yêu cầu dì nhắc lại, và đừng bao giờ phản đối ý kiến của dì.

Hồi còn nhỏ, tôi sợ dì muốn chết (sau này tôi biết rằng đứa trẻ nào cũng vậy). Dì sống ở bang Oregon, và hầu như mùa hè nào gia đình tôi cũng lái xe đến thăm dì - một điều mà tôi rất sợ hãi và kinh hoảng. Tôi không hiểu tại sao chúng tôi phải làm điều này. Mẹ tôi (chị ruột của dì) thường cố thuyết phục tôi rằng dì có một khía cạnh khác rất ngọt ngào, nhưng tôi không tin. Có lẽ thâm tâm của dì nghĩ vậy và muốn người khác nghĩ vậy, nên bắt chúng tôi phải nhắc đến dì bằng cái tên "Dì Honey".

Lớn lên, tôi biết dì có vài phẩm chất dễ thương và thỉnh thoảng cũng rất ngọt ngào. Tuy nhiên, hình ảnh của "dì Honey" vẫn là một phụ nữ uy quyền và hống hách. Trong gia đình tôi, dì là người cuối cùng của thế hệ nên thích tuyên bố câu: "Ta sẽ cai trị bằng bàn tay cương quyết".

Trong suốt đạt viếng thăm hàng năm, chúng tôi đi tham quan khắp nhà dì và khu vườn hoa hồng của dì, tiếp theo sau là một câu đố. Câu đố yêu cầu khách tham quan phải nhận ra mọi thay đổi của ngôi nhà trong năm vừa qua. Kỳ nghỉ của chúng tôi coi như tiêu, nếu chúng tôi không nhận ra sự hiện diện của một món đồ mới, hoặc nếu chúng tôi suýt soa khen ngợi cái ghế mà dì đã sử dụng được vài năm rồi. Dì sẽ chì chiết mãi không thôi. Công việc kiểm tra ngôi nhà không chỉ làm chúng tôi bực bội mà còn làm chúng tôi mất thời gian, bởi dì là một nhà sưu tập.

Dì sưu tập hoa hồng, bình trà, đồ cổ, đồ bạc, đồ pha lê, và nhiều món đồ sứ vô giá. Nhiều căn phòng chứa đầy ắp hàng hóa nhãn hiệu Waterford, Lenox và Lladro. Món nào dì cũng có. Mỗi năm một lần, dì gỏi thông báo đến gia đình và bạn bè. Dì nói: "Năm nay tôi sẽ sưu tập đồ pha lê (hoặc bình trà, hoặc đồ bạc)". Nghe vậy, chúng tôi biết ngay mình phải mua món gì cho sinh nhật của dì, và cho mùa Giáng Sinh năm đó.

Có lần, tôi quên sinh nhật của dì và gọi điện thoại đến xin lỗi. Dì trả lời: "Cháu có cả một năm để biết rằng sinh nhật dì đến vào ngày đó". Đợi tôi phải cúi mặt vì xấu hổ, dì thêm vào: "Sao? Cháu khỏe không? Có cần tiền không?" Và dì luôn kết thúc bằng câu: "Dì yêu cháu lắm".

Khi tôi còn là người mẹ trẻ, hàng năm tôi phải bay lên miền bắc với hai đứa con nhỏ để thăm dì. Đó là nghi thức bắt buộc. Vì mẹ tôi đã qua đời trước đó, dì cho rằng tôi cần sống với bà con gia đình nhiều hơn. Trong một lần viếng thăm, vào một buổi chiều yên tĩnh, dì bắt tôi phải đi mua sắm một mình để thư giãn. Khi đưa chiếc xe Doige của dì ra ngoài đường, tôi có thể nghe tiếng đứa nhỏ ba tuổi gào thét lên muốn bể phổi.

Tôi đậu chiếc xe lại và chạy vào trong nhà với nó. Dì Honey đứng chặn tôi nơi khung cửa. Giọng dì vang rền, làm cho người khác kinh sợ như mọi khi:

- Cháu quay trở ra ngoài xe ngay. Cháu sẽ không muốn bước vào trong đâu.

Khuôn mặt tôi tái xanh:

- Cháu không thể đi được.

- Cháu có thể đi. Dì chăm sóc bọn trẻ con đã bốn mươi năm nay, và dì chưa gặp đứa nào quá quắc đến mức dì không lo liệu được. Cháu nhớ là dì lớn hơn nó nhiều.

Vì dì Honey đóng sầm cánh cửa lại, tôi đành phải lái xe đi tới khu thương mại và mua quàng mua xiên vài món đồ cho lấy có. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, tôi trở về nhà. Khi mở cánh cửa trước ra, thay vì nghe tiếng kêu gào như mong đợi, tôi được đón chào bằng một tràng cười dòn dã. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng mà tôi nhìn thấy khi bước chân vào phòng khách. Dì Honey và hai đứa con của tôi đang ngồi xệp trên mặt sàn bóng loáng. Chung quanh họ là những lá bài nằm tung tóe, số lá bài nhiều đến nỗi có thể đựng đứng chúng lên mà xây được một căn phòng. Dì đang dạy hai đứa bé ba tuổi và bốn tuổi nghệ thuật chơi bài Poker.

Đó là lúc tôi bắt đầu hiểu được phương pháp nuôi dạy trẻ con của dì. Dì quản lý bọn trẻ giống như một buổi tập quân sự. Đầu tiên dì làm cho chúng sợ hãi gần chết, sau đó dì chuyển sang chiến thuật ngọt ngào và mềm dẻo. Phương pháp này rất có hiệu quả, bởi trong suốt cuộc đời, dì dã giúp nuôi dạy các cháu, rồi con cái của các cháu, rồi cháu nội cháu ngoại của các cháu. Cách dạy của dì có hiệu quả hơn cách dạy của những bà mẹ trẻ thường coi trọng về lý thuyết.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, người đóng vai chủ xị của những chuyến đi đã thay đổi. Giờ đây, mỗi mùa hè, dì Honey lại bay đến thăm tôi ở California. Và mỗi chuyến viếng thăm coi như bảy ngày dài nhất của đời tôi. cố gắng cung cấp mọi vui chơi giải trí theo yêu cầu, hầu như tối nào tôi cũng đưa dì đi ăn ở ngoài. Dì thích những bữa tối ngon miệng, cho nên khi dì khăn gói ra đi là tôi hoàn toàn cháy túi. Bản thân các bữa tối cũng làm tôi đau khổ, bởi bản chất thích ăn cắp đồ đẹp của dì không thua gì bản tính thích ăn đồ ngon. Sau mỗi bữa ăn, nào đồ bạc, nào gạt tàn thuốc, nào hũ muối tiêu... lần lượt biến mất trong giỏ xách khá lớn của dì. Có lần, một bình sứ đầy hoa cũng cùng chung số phận.

Trong những năm dì Honey bay đi bay về thăm tôi, tôi đang ly dị và sống một mình. Các bạn trai của tôi, không ai không có một lần hân hạnh gặp mặt dì. Mãi sau này tôi nghe kể lại dì đã hăm dọa họ như thế này: "Nếu cậu làm hại nó, cậu sẽ nhận được câu trả lời của tôi. Tôi sẽ săn lùng cậu tới cùng". Tôi cảm thấy quê quê, nhưng không ngạc nhiên.

Thêm hàng chục năm nữa trôi qua, bây giờ thì tôi biết rõ dì Honey đã dạy tôi rất nhiều điều. Dì truyền cho tôi sự yêu thích những món đồ đẹp đẽ và cách quan tâm tới chúng. Dì dạy tôi lòng yêu nước bằng tấm gương sáng của bản thân, dì động viên con trai ruột của dì đáp lại tiếng gọi non sông. Dì cho tôi thấy niềm vui khi chìa bàn tay giúp đỡ gia đình và bè bạn. Nếu có tiền nong dính vào, dì dạy tôi tính chất quan trọng của việc trả góp đúng hạn. Bằng việc tham gia phục vụ hàng tuần tại một bếp ăn từ thiện, dì cho thấy nét đẹp của hành động "cho đi". Tấm lòng tận tụy chính là phẩm chất cao đẹp nhất của dì, và nhờ phẩm chất này mà vào ngày đám tang của dì, ngôi nhà thờ nhỏ chật nghẹt người đến chia buồn cùng những vòng hoa.


Giờ đây, không một ngày trôi qua mà tôi không nghĩ đến dì Honey. Tôi vẫn còn nhớ dì lắm. Hơn một lần tôi nghe người ta nói rằng tinh thần của dì đang sống trong con người tôi. Có lẽ giữa dì và tôi có nhiều điểm tương đồng. Tôi thích những bữa ăn tối thật ngon, tôi yêu khu vườn hoa hồng, và tôi có một bộ sưu tập đồ pha lê cũng như có rất nhiều bình trà.

Nếu ngẫu nhiên tôi là người cuối cùng của thế hệ tôi, tôi thề rằng tôi cũng sẽ cai trị bằng bàn tay cương quyết - và hy vọng sẽ truyền tinh thần này cho người thừa kế.

Chiếc vĩ cầm một dây

Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 đang đứng chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây quanh ông cùng hòa nhạc với ông.

Đừng bao giờ tuyệt vọng

Trong một vụ đắm tàu, chỉ duy nhất một người đàn ông còn sống sót. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, cuối cùng, anh trồi dạt vào một đảo hoang.

Mùi hương gợi nhớ

Hình như trong ký ức của mọi người đều có những mùi hương mà ta yêu quý và gắn bó.

Mẹ luôn bên con

Ron là một cậu bé 15 tuổi, học lớp 10 trường Trung học Granger. Hôm đó là ngày diễn ra trận bóng đá đầu tiên có cậu tham gia...

Có thể cuộc sống đã công bằng

Mười tám tuổi, tôi đã có thể đứng trước lớp đọc bài văn do mình suy nghĩ, tưởng tượng ra. Tôi miêu tả cái cảm giác thích thú của những người bạn cùng trang lứa khi họ lần đầu được phép lái xe...

Mảnh gương vỡ

Thưa Tiến Sĩ Paparedos, thế nào là ý nghĩa của cuộc đời?

Cổ tích về ngọn nến

Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng.

Người mẹ điên

Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người...

Điều ước của 3 cây cổ thụ

Ở một khu rừng nọ có ba cây cổ thụ đang bàn luận về tương lai. Cây thứ nhất nói: “Một ngày nào đó tôi muốn được trở thành chiếc hộp đựng châu báu với hình dáng lộng lẫy”.