Đừng ngại ngùng

Hồi đó tôi học tại một trường Trung học Vienne. Anh bạn giỏi nhất lớp là một học sinh mười sáu tuổi có thiên bẩm đặc biệt về mọi phương diện. Rất siêng năng, có cao vọng, rất có giáo dục, đẹp trai, thông minh xuất chúng; hết thảy chúng tôi đều công nhận rằng tiền đồ của anh rực rỡ. Vì vậy chúng tôi mượn tên nhà ngoại giao đại tài Metternich để đặt biệt hiệu cho anh. Có lẽ người ta có thể trách anh một điều là ăn bận bảnh bao quá lúc nào cũng rất tề chỉnh: quần luôn luôn có nếp mới ủi, cà vạt thắt rất có nghệ thuật.

Những ngày mưa, người tài xế của thân phụ anh lái một chiếc xe lộng lẫy đưa đón anh. Nhưng mặc dầu sống xa hoa như vậy, anh vẫn rất giản dị, nên chúng tôi đều quý mến anh.

Một buổi sáng, mọi người ngạc nhiên thấy chỗ ngồi của “Metternich” bỏ trống. Tới bữa trưa người ta mới cho hay tại sao. Thân phụ anh là một nhà lý tài ai cũng biết tiếng mới bị bắt đêm trước. Công việc làm ăn của ông là một vụ lường gạt đại qui mô. Chỉ hôm trước hôm sau mấy ngàn người nghèo khó cực khổ ki cóp trong bao lâu bỗng bị bóc lột hết ráo. Các báo hàng ngày luôn luôn ham bêu xấu thiên hạ, đăng những tít to tướng làm rùm beng vụ đó lên, in hình thủ phạm và cả hình gia đình thủ phạm nữa trong bài tường thuật.

Chúng tôi hiểu anh bạn đáng thương đó tại sao nghỉ học rồi. Nhục nhã quá, anh không dám nhìn mặt chúng tôi. Chỗ ngồi của “Metternich” bỏ trống hai tuần lễ, trong hai tuần đó báo chí vẫn tiếp tục rêu rao, bêu xấu.

Rồi tới tuần lễ thứ ba, một buổi sáng, cánh cửa mở ra và “Metternich” bước vô. Anh cúi đầu xuống, đi lại chỗ ngồi, mở sách ra và gục đầu đọc liền. Suốt hai giờ học anh không hề ngước mắt lên tới một lần.

Nghe tiếng kiểng, chúng tôi ào ào túa ra hành lang để nghỉ giải lao. “Metternich ” ra trước chúng tôi, quay lưng lại chúng tôi và đứng trước một cửa sổ, cô độc, bề ngoài có vẻ chăm chú ngó kẻ qua người lại ở ngoài đường. Chúng tôi biết rằng anh làm cái bộ dữ dằn, “nan du” như vậy chỉ để tránh cặp mắt của chúng tôi thôi. Anh đứng một mình trong cái xó của anh.

Chúng tôi bỗng nhiên mất vui, thấu nỗi cô độc ghê gớm của anh. Chúng tôi biết rõ rằng anh bạn đáng thương đó đương chờ một cử chỉ thân ái của chúng tôi. Nhưng chúng tôi rụt rè, ngại ngùng không tiến lại gần anh, không biết tỏ thiện cảm với anh cách nào để khỏi chạm lòng” tự trọng” của anh. Chúng tôi hèn nhát chần chừ hoài, không dám bước bước đầu.

Trong khi còn ngại ngùng do dự không biết nên có thái độ ra sao thì kiểng lại đánh, thế là hết giờ ra chơi. Nghe tiếng kiểng, “Metternich” quay phắt lại, chẳng nhìn chúng tôi, vội vã về lớp. Nhăn nhó, bực tức, môi nhợt nhạt, anh ngồi vào bàn rồi lại cúi gầm đầu vào cuốn sách.

Tan học buổi sáng, anh hấp tấp ra về liền. Chúng tôi cảm thấy khó chịu về sự nhút nhát của mình, cùng nhau tìm cách cứu vãn. Nhưng đã quá trễ. Cơ hội đã bỏ lỡ, không còn trở lại nữa. Sáng hôm sau chỗ ngồi của anh bạn chúng tôi lại bỏ trống. Chúng tôi kêu điện thoại về nhà anh thì hay rằng anh không có nhà. Tội nghiệp anh, ở trường về, anh thưa với má rằng anh bỏ học. Và ngay tối hôm đó anh rời kinh đô (tức Vienne), lại một thị trấn nhỏ, xin vô làm công trong một nhà bán thuốc. Từ đó chúng tôi không gặp lại anh nữa.

Nếu anh tiếp tục học thì chắc chắn anh em không ai theo kịp được anh. Hiển nhiên là tại chúng tôi ngần ngại, do dự, không biết ngỏ ít lời an ủi anh mà lúc đó anh rất cần, nên anh mới phá ngang làm hại tương lai của anh như vậy. Buổi sáng đó, chỉ cần một lời thiện cảm, một cử chỉ âu yếm thôi là anh đủ sức để vượt khỏi cảnh khốn khổ của anh. Mà chúng tôi không tỏ chút tình thân với anh, an ủi anh, không phải là tại chúng tôi thiếu hiểu biết, hoặc lãnh đạm, hoặc xấu bụng. Không! Chỉ tại chúng tôi thiếu can đảm. Rất nhiều khi chúng ta thiếu can đảm nên không tìm được lời thích hợp để nói đúng lúc. Đành rằng, lại hỏi chuyện một người lòng tự trọng đương bị thương tổn kịch liệt, là một việc khó khăn, tế nhị đấy. Nhưng kinh nghiệm lần đó đã cho tôi bài học là đừng bao giờ do dự, cứ nên theo xúc động đầu tiên của lòng mà lại cứu giúp một người đau khổ vì chính trong những lúc gian nan của người, một lời nói, một cử chỉ của ta mới có giá trị nhất.

Mặt trăng và Mặt trời

Mặt trăng và Mặt Trời tranh cãi với nhau về Trái Ðất. Mặt Trời nói: “Lá và cây cối, tất cả đều màu xanh”.

Sự ra đời của một người mẹ

Đứa con đầu lòng của tôi, một cháu gái, ra đời ngày 27-7-2002. Tôi cứ tưởng rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng để sinh cháu.

Sống trọn vẹn từng ngày

Trong một buổi diễn thuyết vào đầu năm học, Brian Dison – tổng giám đốc của tập đoàn Coca Cola đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người.

Nhận biết chính mình

Với Sparky, trường học là tất cả, chỉ có điều cậu không thể theo được. Cậu đã thi hỏng mọi môn học vào năm học lớp tám. Cậu trượt môn vật lý hồi học trung học, thi hỏng môn tiếng La tinh, đại số và tiếng Anh...

Niềm tin #2

Cách đây vài năm, một giáo viên phổ thông được thuê để dạy riêng cho những học sinh phải nằm viện. Nhiệm vụ của cô là kèm cặp cho các em khỏi mất bài, để có thể theo kịp chúng bạn khi xuất viện.

Tình yêu vô điều kiện

Chắc mình bị hoa mắt! Tại sao lại như vậy được chứ?" - đầu tôi quay cuồng với ý nghĩ này nhưng lại cố gắng che giấu cảm xúc về điều mà tôi đã nhìn thấy khi đang ngồi bên giường Diane, vợ tôi...

Ngọn lửa tình yêu

Cha mẹ ly hôn năm tôi lên 9 tuổi, và cũng trong năm đó tôi mắc phải một căn bệnh khó hiểu. Hai đầu gối bỗng nhiên sưng phù lên khiến tôi đau đớn vô cùng và không đi được nữa.

Những điều tôi học được từ cuộc sống

Tôi đã từng biết rằng, quan tâm đến người khác là điều tưởng chừng như dễ nhưng lại khó thể hiện nhất.

Bức thông điệp không lời

Họa sĩ tài ba Vincent Van Gogh không phải lúc nào cũng cầm cọ. Ông đã từng đến làm việc tại một mỏ than ở Borinage, Bỉ. Ớ đó mọi người rất quý trọng ông vì sự hiểu biết và vốn sống của ông...