Trọng tài bóng đá có nhiều đẳng cấp: trọng tài quốc tế, trọng tài quốc gia, trọng tài tỉnh, trọng tài huyện và trọng tài làng. Trọng tài làng hiểu biết luật đá bóng không nhiều, phần lớn họ vận dụng theo cảm tính nhưng một lòng, một dạ bảo vệ cho sự công bình.
Anh Lê Văn Cảnh là một trường hợp như vậy.
Năm 1989, xã Cẩm Châu được mùa lớn, liền tổ chức tranh giải bóng đá giữa các đội sản xuất để mừng công. Đội đoạt chức vô địch được treo giải một con heo quay và bốn tạ thóc.
Sau vòng đá loại đầy cam go, đội 5 và đội 7 được vào chung kết để tranh chức vô địch. Đối với hai đội chỉ giỏi sản xuất lúa trên đồng ruộng thì đây là một sự kiện bất ngờ và trọng đại, làm bà con xã viên mất ăn, mất ngủ bàn tán xôn xao.
Trọng tài của trận chung kết theo Ban tổ chức giải, ngoài anh Lê Văn Cảnh, không ai có đủ bản lĩnh để điều khiển. Nhưng ngặt nỗi, anh Cảnh lại là người của đội 5, đời sống gia đình anh gắn liền với đội 5 và ba sào ruộng khoán. Liệu anh có bị chi phối bởi sức ép kinh tế mà làm nghiêng ngả cán cân công lí? Sau nhiều phiên họp bàn cãi quyết liệt, cuối cùng, Ban tổ chức giải vẫn không thể chọn ai khác ngoài anh Lê Văn Cảnh.
Trận chung kết sắp bắt đầu, nhưng khí thế của trận đấu đã bừng bừng sôi động khi loa phóng thanh của Ban tổ chức công bố tên trọng tài chính.
Hôm ấy, anh Cảnh mặc bộ đồ trọng tài màu đen với giày, tất, trông khá tươm tất và hùng dũng.
Giờ thi đấu đã điểm ! Lúc anh Cảnh bước vào sân thì một bàn tay to lớn trong đám khán giả của đội 5 thò ra nắm chặt tay anh, giữ lại, rồi chòm râu nửa đen, nửa bạc của ông đội trưởng chọc thẳng vào tai anh:
– Ba sào ruộng khoán ưu tiên cho Cảnh, sáng nay anh đã cho tổ thuỷ lợi đổ nước vào đầy rồi. Xong trận đấu, nhớ liên hệ với tổ phân để nhận phần phân bón đặc biệt, cố để đội 5 mình đoạt chức vô địch nghe !
Anh Cảnh đỏ bừng mặt. Vừa lắc mạnh vành tai ra khỏi chòm râu của ông đội trưởng thì một chòm râu khác ngắn hơn nhưng quyết liệt hơn của ông đội phó lại áp vào:
– Phần đất, phần giống, phần nước đều ưu tiên cho ba sào ruộng của mi, phải làm sao cho đội 5 vô địch đó!
Ra đến giữa sân, hai vành tai của anh Cảnh vẫn chưa bớt đỏ.
Anh Cảnh nhìn đồng hồ, giơ thẳng một cánh tay, rồi thét lên tiếng còi… Sau tiếng còi dũng mãnh và kì diệu, anh không còn nhớ đến mình là ai, anh hoá thân và nhập cuộc vào sự công bình.
Trận đấu càng lúc càng gay cấn, dữ dằn trong tiếng hò reo vang dội như sóng tràn bờ.
Sau 88 phút thi đấu chưa đội nào ghi bàn. Bỗng đến phút 89, ngay sát khung thành của đội 5, trong một pha truy cản hoảng loạn, một hậu vệ của đội 5 lém lỉnh xoay lưng nhanh về phía khán giả của đội 7, lấy tay chặn đường bóng, cứu một bàn thua khó tránh khỏi. Đường bóng rất nhanh, tình huống thì xảy ra trong hỗn loạn và cát bụi mịt mù, khó ai trông thấy. Nhưng anh Cảnh thì thấy rất rõ. Anh sẽ xử lí ra sao với một ý đồ phạm luật có tính toán?
Anh đưa còi lên… lưỡng lự trong một giây… Hình ảnh vợ con với ba sào ruộng khoán luẩn quẩn đâu đây… Và cũng một giây, giữa sự giằng co của lí trí và tình cảm, anh quyết định đứng về phía danh dự của trọng tài. Thét lên tiếng còi làm rung động cả sân bãi rồi uy dũng như một võ tướng, anh chỉ thẳng tay vào chấm phạt đền: đội 5 bị phạt pê-nan-ti.
Sau quả đá phạt thành công của đội 7, cả sân bãi ngạc nhiên khi thấy anh trọng tài làng Lê Văn Cảnh ngã khuỵu xuống với hai hàng nước mắt ròng ròng.