Loài người xuất hiện trên quả đất ước khoảng một triệu năm về trước. Trong những năm tháng dài dằng dặc đó, hình thể và hành vi loài người đã có những thay đổi nhất định. Môi trường sống xung quanh đã biến đổi to lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của loài người.
Nếu tính từ bây giờ, qua năm mươi vạn năm nữa, loài người sẽ biến đổi ra sao? Đó là một câu hỏi được nhiều người quan tâm hứng thú. Khi các nhà khoa học dự đoán về tương lai loài người đã đưa ra ba loại quan điểm:
Nhà cổ sinh vật học nổi tiếng người Anh, Ticơlin, căn cứ lý luận tiến hóa của loài người, đã đưa ra dự đoán độc đáo của mình.Đó là luận điểm mang đầy bí quan: Năm mươi vạn năm sau conngười sẽ suy vong. Ông cho rằng lịch sử tiến hóa của sinh vật tuân theo quy luật sau: trình độ tiến hóa của sinh vật càng cao thì sự suy vong cũng càng nhanh. Ví dụ, một số động vật như loài ốc hạ đẳng có thể tồn tại 60 triệu năm, còn động thực vật ăn thịt cao cấp chỉ có thể tồn tại 6 triệu năm. Loài người đã trải qua lịch trình tiến hóa hơn một triệu năm và trở thành kẻ thống trị quả đất ngày nay, nếu theo quy luật cực thịnh tất suy thì bắt đầu từ nay loài người sẽ dần dần xuống dốc, đi dần đến suy vong.
Vì sao loài người lại đi vào suy vong? Giải thích của Ticơlin rất bất ngờ. Ông nói: Nguyên nhân then chốt là sự phát triển củakhoa học chữa bệnh. Điều này quả thực có một chút rất đáng nghi ngờ, nhưng nói cho đến cùng thì rất đơn giản. Ví dụ, hơn 100 năm trước, y học còn lạc hậu, những người bị bệnh hen, bệnh thận, lao phổi, đái đường... thường chưa đến tuổi kết hôn đã bị chết, đó là chưa nói đến những người mắc bệnh nghiêm trọng hơn. Sự chết đó như một sự sàng lọc làm cho những người có bệnh hoặc người yếu bị chết non, chưa kết hôn nên cũng chưa sinh ra những thế hệ yếu đuối, giống như hạt giống chất lượng thấp bị thiên nhiên đào thải, còn người khỏe như hạt giống tốt bị giữ lại.
Từ quan điểm sinh vật học mà xét, cái chết tự nhiên là chất thanh trừ vô tình, đã vứt bỏ những gene di truyền xấu gây bệnh trong kho di truyền của nhân loại. Nhưng ngày nay, vì y học phát triển rất nhiều nên người có bệnh đều được chữa khỏi, có thể sinh con, tức là để lại cho thế hệ sau những gene di truyền mang bệnh.Đồng thời, nhiều gene di truyền gây bệnh mới cũng phát sinh, kết quả là số gene di truyền xấu của loài người ngày càng nhiều thêm, khiến cho thể chất ngày càng kém đi. Sau thời gian dài, loài người rất có thể sẽ bị tự nhiên đào thải.
Lý luận trên là thuyết tiến hóa luận bi quan. Ông dự đoán loài người tất đi vào suy thoái. Nhưng nhiều nhà khoa học rất hoài nghi và phản đổi dự đoán đó.
Hai nhà nhân loại học của Canada lại đề xướng lý luận tiến hóa đường thẳng. Thế nào là lý luận tiến hóa đường thẳng? Nói một cách đơn giản, đó là loài người ngày càng mạnh mẽ hơn, ngược hẳn với quan điểm trên. Căn cứ lý luận dự đoán này, 50 vạn năm sau, loài người sẽ biến thành "siêu nhân" mạnh mẽ.
Cách nói này có căn cứ nhất định. Từ sau khi loài vượn cổđứng thẳng xuất hiện trên thảo nguyên miền Đông châu Phi, nhân loại bắt đầu trải qua một tiến trình dài dằng dặc. Não của chúng ngày càng to, ngày càng thông minh hơn. Thể tích não người hiện đại hầu như gấp 3 lần loài vượn cổ. Hơn nữa, hai chân con người bắt đầu thích nghi chạy nhanh và đứng thẳng, hai tay được giải phóng trở nên vô cùng khéo léo. Loài người lại có thể sáng tạo và sử dụng công cụ phức tạp, phát triển ngôn ngữ, có thể học tập và lợi dụng thành quả sáng tạo của người khác. Năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, loài người ngày càng dựa vào đầu óc nhiều hơn thể lực. Căn cứ phương thức tiến hóa này, có thể dự đoán 50 vạn năm sau, thể tích đại não của người tương lai sẽ lớn hơn chúng ta ngày nay nhiều, còn tứ chi dần dần thoái hóa, cuối cùng biến thành đại não to, thân thể không thay đổi.
Về vấn đề 50 vạn năm sau loài người sẽ ra sao, còn có một loại quan điểm được đa số các nhà khoa học tiếp thu, đó là lý luận tiến hóa ổn định. Lý luận này cho rằng, sự tiến hóa của loài người cũng giống như sự tiến hóa của các loài động vật khác, không phải là tiến hóa theo con đường thẳng. Sự thay đổi đơn thuần về thể hình hoặc phát triển của đại não không thể là tiêu chí chủ yếu của sự tiến hóa nhân loại. Ví dụ, trong 50 vạn năm gần đây, sự biến đổi thể hình của con người và sự tăng thêm thể tích của đại não rất có hạn, nhưng tài trí thông minh của con người và sự tiến bộ của xã hội phát triển rất cao. Cho nên, con người tương lai, tỷ lệ kết cấu của thân thể sẽ không khác biệt mấy so với người ngày nay.
Có người sẽ hỏi: trí tuệ của loài người phát triển ngày càng mới, còn thể chất cơ bản giữ mãi ở trạng thái cân bằng ổn định, đó có phải là mâu thuẫn không? Thực ra không mâu thuẫn vì rất nhiều sinh vật trong những năm tháng biến đổi lâu dài đều có thời kỳ phát triển tương đối ổn định như vậy. Điều đó rất có lợi cho bảo tồn chủng loại sinh vật. Tương tự, việc loài người không phát sinh biến đổi lớn về hình thái thể hình, tối thiểu với hiện nay mà nói, là có lợi. Còn đối với tương lai thì sao? Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử sau khi loài người ra đời. Trong giai đoạn hơn một triệu năm, đã từng có mấy nhánh động vật khác nhau cùng cạnh tranh trong quá trình tiến hóa, đều muốn trở thành chủ tể của quả đất. Nhưng cuối cùng, loài người chiếm được ưu thế, không những tiếp tục tồn tại mà còn trở thành nhánh thành công nhất trong sự tiến hóa của các sinh vật trên trái đất. Lịch sử giai đoạn này chứng tỏ loài người có nhiều tính ưu việt. Việc để cho những tính ưu việt này tiếp tục được giữ lại đương nhiên là rất có lợi cho sự tồn tại và phát triển của loài người.