Người đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương gốc Bỉ

Đó là ông Phrăng Đơ Bô-en, tên Việt là Phan Lăng. Quê hương ông ở Vương quốc Bỉ.

Năm 1914, khi cậu bé Phrăng 15 tuổi đang là học sinh trung học thì chiến tranh thế giới nổ ra. Phrăng vượt biên giới sang Đức kiếm việc làm. Vào năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, Phrăng bị bắt vào quân đội Đức. Chiến tranh kết thúc, anh trở thành tù binh của Pháp. Năm 1946, Phrăng lại bị động viên vào quân đội Pháp, đóng ở An-giê-ri. Đã từng bị quân Pháp đánh đập, hành hạ khi là tù binh, lại được chứng kiến hằng ngày những hành động dã man của binh lính và sĩ quan Pháp đối với người dân bản xứ An-giê-ri, Phrăng luôn nung nấu tinh thần chống Pháp.

Năm 1947, đơn vị của Phrăng được điều động sang Việt Nam, đổ bộ vào Đà Nẵng. Tiếp xúc với người dân Việt Nam, Phrăng rất mến họ. Anh còn biết ngoài thành phố Đà Nẵng có quân đội Việt Minh chống Pháp nên quyết định đi theo Việt Minh. Giữa năm 1948, Phrăng bỏ đơn vị. Ba ngày ba đêm trong rừng đói, rét, lại bị muỗi, vắt cắn mà không tìm được Việt Minh, anh đành quay về.

Năm 1949, Phrăng lại bỏ ngũ. Ngày 6-2-1949, anh gặp Việt Minh. Anh coi đó là ngày gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Được phân công về một đại đội hoạt động ở Quảng Nam, anh bắt đầu học tiếng Việt và tiến bộ rất nhanh.

Mùa đông năm 1949, đơn vị anh được điều động sang Hạ Lào giúp bạn. Tại một bản giữa biên giới Việt Nam và Lào, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Anh học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán Lào. Người Lào quý mến anh, đặt tên cho anh là Bun Mi. Một lần, Phrăng rơi vào ổ phục kích của địch. Anh chống trả quyết liệt. Bị sáu, bảy vết thương, anh ngất lịm, bọn giặc xông tới bắt sống anh. Chúng đưa anh về Pắc-xế, dụ anh khai ra những nơi đóng quân của bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân đội cách mạng Lào. Anh nghiến răng chịu đòn, quyết không khai. Chúng đưa anh về Sài Gòn, giam ở khám Chí Hoà, sau đó mở toà án binh ở Huế kết án anh tù chung thân. Năm 1952, chúng đưa anh về Pháp.

Tháng 7 năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, Phan Lăng đòi trả anh về Việt Nam cùng với các tù chính trị Việt Nam khác, nhưng không thành công. Năm 1962, anh được trả tự do ở biên giới Pháp – Bỉ.

Từ năm 1963, Phan Lăng đã nhiều lần xin trở lại Việt Nam – “Tổ quốc thứ hai của tôi”, như ông thường nói – để chiến đấu chống Mĩ xâm lược. Nguyện vọng của ông không thực hiện được, ông hăng hái tham gia phong trào ủng hộ Việt Nam. Rồi ông gia nhập Đảng Cộng sản Bỉ và thành lập Phân hội Hữu nghị Bỉ – Việt Nam.

Năm 1986, Phan Lăng cùng con trai cả đi thăm Việt Nam. Ông đến Đà Nẵng, tìm lại bạn bè cũ. Sau đó, ra Huế thăm lại nơi 45 năm trước ông bị kết án tù chung thân, vào Sài Gòn thăm khám Chí Hoà. Cuối cùng, ông ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác Hồ. Ông khóc nức nở trước thi hài vị lãnh tụ mà suốt đời ông kính phục, yêu mến.

Ông bảo:

– Tôi muốn sang Việt Nam lần nữa. Lần này tôi sẽ đi cùng con trai thứ hai. Tôi muốn các con tôi biết về đất nước Việt Nam, nơi cha chúng đã từng chiến đấu vì chính nghĩa.

Nhân cách quý hơn tiền bạc

Mạc Đĩnh Chi (1272 -1346) quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thi đỗ Trạng nguyên năm 1304. Mạc Đĩnh Chi làm quan trải qua ba triều nhà Trần. Ông thông minh, giỏi thơ văn và có tài đối đáp rất sắc bén.

Chim sâu xử án

Chim Sẻ kiện Chim Khuyên! Cái tin ấy bay đi như gió. Khắp vườn cây nhớn nhác cả lên.

Rắn và chuột

Một hôm, Rắn bò đến một cái hang. Nó nghĩ đây chắc là nhà của một con vật bé nhỏ nào đó.  Lúc này, Rắn đã đói bụng lắm, nó chẳng muốn đi đâu nữa.

Những chiếc áo ấm

Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật. Mưa phùn lất phất.. Bên gốc đa, một chú Thỏ bước ra, tay cầm một tấm vải dệt bằng rong.

Lợn con sạch lắm rồi

Trong khu rừng nọ có nhiều bạn nhỏ sinh sống: Gấu Con, Thỏ Con, Khỉ Con, Dê Con, Cún Con và Lợn Con...

Viên gạch sợ lửa

Đã lâu lắm rồi, chẳng ai nhớ nơi ấy là đâu nữa, có một cái lò nung gạch đứng giữa cánh đồng lúa, trông như một tòa thành cổ kính.

Phép tính chia

Hương có hai chị em. Hương lên tám, là chị. Còn cậu em tên là Dũng, lên sáu. Bố Hương làm ở một viện khoa học. Còn mẹ Hương là giáo viên mẫu giáo...

Trò chuyện với loài chim

Như con em bao gia đình nông dân nghèo ở làng Phú Thạch dưới chân núi Bạch Mã, ngày ngày, Trương Cảm phải theo cha vào rừng kiếm sống. Mỗi khi đi rừng, Cảm rất thích nghe tiếng chim hót.

Ai đáng khen nhiều hơn

Một nhà kia, có hai anh em Thỏ ở với mẹ. Bố đi làm xa nên cậu nào cũng muốn tỏ ra là đứa bé ngoan, biết thương mẹ nhiều nhất.