Người y tá của Ta Ta

Sớm hôm ấy, có một cậu bé ăn mặc kiểu nông thôn đến gặp người gác cổng bệnh viện, xin vào thăm bố.

Cậu bé đến từ một làng ở ven Na-pô-li. Bố cậu năm trước sang Pháp để kiếm việc làm nay mới trở về. Vừa lên bến Na-pô-li, bất ngờ ông lâm bệnh, chỉ kịp viết mấy chữ báo tin cho gia đình. Người vợ được tin hoảng hốt nhưng không thể bỏ nhà, vì còn bà mẹ già tàn tật và một đứa con dại, liền đưa cho đứa con lớn mấy đồng, bảo tới Na-pô-li trông nom ta ta của nó – theo cách gọi bố của vùng này.

Người gác cổng gọi một y tá, bảo dẫn cậu bé vào gặp bố.

– Bố cháu là ai ? – Người y tá hỏi.

Cậu bé nói tên bố, hồi hộp nghe tin chẳng lành. Người y tá nghĩ một lát, rồi như chợt nhớ ra :

– Đi theo tôi.

Hai người leo lên hai tầng nhà, đi suốt một hành lang rộng, vào một phòng có kê hai dây giường. Gian phòng tối mờ, không khí nồng nặc mùi thuốc. Đến cuối phòng, người y tá dừng lại bên một chiếc giường, vén màn lên và nói: “Bố cậu đây.”

Cậu bé khóc oà, đánh rơi cái gói. Cậu nắm lấy tay bố đang duỗi ra ngoài chăn. Người bệnh nằm yên không nhúc nhích.

Cậu bé đứng dậy, nhìn bố rồi lại khóc. Người bệnh đăm đăm nhìn cậu, hình như nhận ra nhưng đôi môi ông không cử động. Tội nghiệp ta ta thay đổi nhiều quá. Tóc ông đã bạc, râu mọc rậm rì, mặt sưng phù, đỏ mọng, da căng và bóng. Cậu bé chỉ còn nhận ra cái trán và đôi lông mày cong, đen của bố. Người bệnh thở hổn hển khó nhọc.

– Ta ta ơi! – Cậu bé nói. – Con là Phran-sét-xcô đây, ta ta không nhận ra con sao ? Ta ta hãy nhìn con, nói với con một câu nào !

Nhưng người bệnh sau khi nhìn cậu bé một cách chăm chú, lại nhắm mắt, tiếp tục thở một cách khó nhọc. Cậu bé lấy một cái ghế và ngồi, vừa khóc vừa chờ đợi, mắt không rời khỏi bố.

Nửa giờ sau, bác sĩ vào. Đi theo ông có một sinh viên, một bà phước và một y tá. Họ bắt đầu thăm bệnh nhân và dừng lại ở từng giường. Cuối cùng, bác sĩ đến giường của bố cậu bé. Cậu đứng dậy, oà khóc.

Bác sĩ đặt một bàn tay lên vai Phran-sét-xcô, rồi cúi xuống người bệnh, bắt mạch, sờ trán.

Cậu bé hồi hộp:

– Thưa bác sĩ, bố cháu bị bệnh gì ạ ?

– Bố cháu bị nặng đấy, nhưng ta hãy hi vọng. Sự có mặt của cháu có lợi cho bố lắm đấy.

Thế là Phran-sét-xcô bắt đầu cuộc đời người y tá. Không thể làm được gì nhiều, cậu sửa lại cho ngay ngắn cái chăn, thỉnh thoảng sờ tay người bệnh, xua ruồi, cúi xuống nghe ngóng khi thấy có tiếng rên ; và khi bà phước đưa thuốc uống đến thì cậu đón lấy cái tách và chiếc thìa, bón cho người bệnh. Đôi khi người bệnh đã nhìn cậu lâu hơn trước, nhất là khi cậu đưa tay lên lau nước mắt.

Ngày đầu tiên đã qua đi như vậy.

Đêm đến, cậu ngủ trên hai cái ghế ghép lại, và sáng dậy lại tiếp tục công việc của người con có hiếu.

Nghe tiếng nói âu yếm của cậu bé, đôi mắt của người bệnh ánh lên một vẻ biết ơn mơ hồ. Có một lần, ông mấp máy đôi môi như muốn nói điều gì. Nghĩ là bố có thể nghe được, cậu nói chuyện rất lâu với bố. Cậu nói nhỏ, giọng rất âu yếm, về mẹ, về các em, về việc bố sẽ trở lại nhà và khuyến khích bố hãy can đảm. Qua ngày thứ hai, thứ ba. Sang ngày thứ tư, bệnh có giảm chút ít, rồi lại nặng lên. Cậu bé dồn hết tâm trí vào việc chăm sóc người bệnh, mỗi ngày chỉ ăn một chút bánh mì với pho-mát.

Đến ngày thứ năm, bệnh trở nặng. Cậu bé hỏi thì bác sĩ cúi đầu như thể nói rằng thế là hết. Cậu bé liền gục xuống ghế, oà khóc. Người bệnh như tỉnh lại dần, mỗi lúc một nhìn Phran-sét-xcô chăm chú hơn, đầy vẻ dịu dàng và thông cảm. Ông chỉ muốn uống nước và uống thuốc từ tay cậu y tá của mình và ông mấp máy môi nhiều hơn, như muốn nói điều gì. Cậu bé siết mạnh tay ông và nói với ông:

– Ta ta đừng buồn ! Ta ta sẽ khỏi, hai bố con sẽ về gặp mẹ và các em.

Đúng lúc cậu bé đang bộc lộ lòng âu yếm và niềm hi vọng thì ở phía ngoài, cánh cửa mở, có tiếng buớc chân, rồi một giọng nói to :

– Tạm biệt dì phước !

Nghe giọng nói ấy, cậu bé sững sờ, đứng phắt dậy.

Một người đàn ông, có một bà phước đi theo, bước vào phòng, tay cắp một cái gói lớn. Vừa trông thấy người ấy, cậu bé hét lên. Người đàn ông quay lại, rồi chính ông củng hét lên :

– Phran-sét-xcô!

Ông lao tới, cậu bé nghẹn ngào, ngả vào hai cánh tay bố.

Bà phước, y tá, các sinh viên nội trú đều chạy lại, ai nấy sửng sốt.

– Ôi! Phran-sét-xcô của bố ! – Ông bố nói, sau khi nhìn chăm chú người bệnh. – Làm sao người ta lại đưa con đến giường của người khác thế này ? Còn bố thì ngóng mãi chẳng thấy con. Mẹ có viết thư nói là con đã ra đây với bố. Ơn Chúa, bệnh của bố đã khỏi và hôm nay bố ra viện. Thật khó tưởng tượng lại có thể xảy ra sự nhầm lẫn như thế này! Nào, bố con ta cùng về đi!

– Ôi, con mừng quá, mừng quá! – Cậu bé vừa nói vừa hôn bố không ngớt, nhưng lại có vẻ như không muốn đi theo bố.

– Đi chứ, con !

Ông bố nói và kéo con đi. Cậu bé quay lại nhìn người bệnh lúc đó đang mở to mắt chăm chăm nhìn cậu.

– Ta ta ạ ! – Cậu bé nói. – Con đã chăm sóc bác ấy năm hôm nay. Con cứ nghĩ bác ấy là ta ta đấy. Bác ấy muốn con ở bên cạnh. Giờ bệnh của bác ấy đang rất nguy kịch, con không thể bỏ đi… Ta ta nhìn kìa, bác ấy đang đưa mắt gọi con. Ta ta cho con được ở lại nhé !

Ông bố hết nhìn con lại nhìn người bệnh.

– Vậy con hãy ở lại với bác ấy ! – Ông bố hôn lên trán con. – Tạm biệt cậu bé trung hậu của bố. Giờ thì bố phải về nhà ngay để mẹ con yên tâm.

Cậu bé quay trở lại giường bệnh. Cậu không khóc nữa nhưng vẫn ân cần, nhẫn nại chăm sóc con người tội nghiệp suốt ngày hôm ấy, suốt đêm và ngày hôm sau. Bệnh tình của người bệnh mỗi lúc một trầm trọng. Bác sĩ nói ông không qua khỏi đêm nay.

Nghe vậy, Phran-sét-xcô càng không rời con người đáng thương. Đêm ấy, cậu thức cho đến khi ánh bình minh đầu tiên chiếu sáng cửa sổ. Trước phút lâm chung, người bệnh mở mắt, nhìn Phran-sét-xcô chằm chằm, vẻ dịu dàng vô hạn, và khi cậu bé nắm tay ông, cậu cảm thấy dường như người bệnh đã siết tay cậu.

– Bác ấy mất rồi, về đi con ! – Bác sĩ dịu dàng nói. – Việc làm tốt đẹp của con đã hoàn thành.

Bà phước đi ra rồi trở vào, tay cầm một bó hoa :

– Con hãy nhận những bông hoa này làm kỉ niệm.

– Cảm ơn dì, cảm ơn bác sĩ! – Phran-sét-xcô, một tay cầm bó hoa, một tay gạt nước mắt. – Nhưng con phải đi xa, hoa sẽ héo mất. Con xin tặng những bông hoa này cho bác ấy.

Nói rồi cậu rải từng cành hoa lên giường người đã khuất và nói:

– Vĩnh biệt ta ta đáng thương !

Edison và bà mẹ

Hôm đó, Edison vừa đi ra ga thì mẹ ở nhà nổi cơn đau bụng dữ dội. Bố còn bận đi làm...

Chiếc bàn kỳ diệu

Trong một khu rừng nọ, có rất nhiều loài động vật và thực vật đáng yêu cùng nhau sinh sống. Một hôm, trời vừa tạnh mưa, Thỏ trắng liền tung tăng chạy vào rừng để hái hoa. A, nó phát hiện một cây nấm rất to mọc dưới gốc cây dương cổ thụ...

Quân pháp Lam Sơn

Đầu mùa xuân năm Ất Tị (1425), nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đã lần lượt giải phóng hết các huyện của Nghệ An. Khi tiến đến đất Thanh Chương ngày nay, nghĩa quân được nhân dân trong vùng nô nức đem rượu thịt ra đón mừng.

Bản Sonate ánh trăng

Beethoven là nhạc sĩ thiên tài người Đức, ông đã sáng tác ra rất nhiều bản nhạc bất hủ. Trong số đó, có một bản sonate dành cho đàn piano vô cùng nổi tiếng tên là Bản sonate Ánh Trăng...

Đồ dùng để ở đâu?

Minh nhìn lên đồng hồ. Đã đến giờ đi học. Minh cuống cuồng tìm quần áo để mặc. Nhưng chú bé không thấy quần dài, không thấy áo, không thấy dép đâu cả.

Học như cuốc kêu mùa hè

Ngày xưa, Chích Chòe và Cuốc cùng học một lớp. Chích chòe tuy nhỏ nhưng ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành nên được cô giáo yêu, các bạn mến, bố mẹ thương.

Đẹp mà không đẹp

Thấy bác Thành đi qua, Hùng liền gọi: Bác Thành ơi, bác xem con ngựa cháu vẽ có đẹp không?

Người thợ săn và những chú chim bồ câu

Ở ngoài một ngôi làng nọ, có một cây đa rất lớn. Phía trên cây, có nhiều loại chim khác nhau làm tổ. Còn dưới những tán lá, khách bộ hành thường ngồi lại nghỉ ngơi sau khi đi một chặng đường dài...

Một phát minh nho nhỏ

Ma-ri-a là một cô bé rất thích quan sát. Một hôm, trong phòng khách, cô bé nhận thấy mỗi lần gia nhân bưng trà lên, bát đựng trà thoạt đầu rất dễ trượt trong đĩa.