Nin Hơ-gớc-xơn tí hon và lũ sóc

Nin Hơ-gớc-xơn là một chú bé hay nghịch ác với các con vật, vì vậy chú bị một thiên thần hoá phép cho thành nhỏ xíu. Tình cờ, Nin được tham gia một chuyến du lịch kì diệu trên lưng ngỗng. Chuyến đi đã làm chú bé thấy nhiều điều mới lạ. Chú dần thay đổi và trở thành một chú bé ngoan, biết quan tâm đến các loài vật xung quanh. Câu chuyện dưới đây là một trong những việc làm tốt của chú.

Hôm ấy, chủ trang trại nọ bắt được một con sóc cái trong rừng mang về. Mọi người trong trang trại từ già đến trẻ đều thích thú ngắm con vật bé nhỏ, có cái đuôi đẹp, đôi mắt tò mò và thông minh, linh lợi. Họ cho nó vào một chiếc lồng có gắn một ngôi nhà nhỏ sơn màu xanh lá cây và một chiếc bánh xe bằng dây thép. Căn nhà nhỏ có cửa ra vào và cửa sổ. Người ta xếp lá trong nhà thành một chiếc giường nhỏ, để một bát sữa và một nắm hạt dẻ. Chiếc bánh xe đặt ở nơi sóc có thể chạy nhảy, leo trèo.

Ai cũng nghĩ là đã thu xếp cho sóc mọi thứ thật chu đáo. Nhưng họ lấy làm lạ là căn nhà có vẻ như chưa làm sóc hài lòng. Nó vẫn buồn rầu và ương ngạnh. Thỉnh thoảng nó lại thốt lên một tiếng kêu đau khổ nhức nhối. Nó không đụng đến thức ăn. Mọi người nghĩ rằng nó sợ nhưng rồi nó sẽ quen với chỗ ở mới, sẽ ăn và chơi đùa.

Tối hôm ấy, có một bà cụ không ngủ được, ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Vì cái lồng sóc treo ở chỗ sáng nhất nên cụ thấy con sóc chạy suốt đêm từ căn nhà nhỏ đến chiếc bánh xe, từ chiếc bánh xe đến căn nhà nhỏ, không nghỉ lúc nào. Cụ nghĩ rằng con vật không ngủ được do lo âu điều gì đó hoặc do ánh sáng chói lọi của ngọn đèn làm nó khó ngủ.

Đêm đã khuya, cụ chợt thấy một người bé tí tẹo, không cao hơn một ngón tay đang đi từng bước thận trọng trên sân. Người ấy đi guốc, mặc quần cụt như một người thợ. Cụ hiểu ngay đó là một thiên thần. Cụ không sợ vì biết rằng thiên thần qua nơi nào là mang lại hạnh phúc cho nơi đó.

Vào đến sân, thiên thần chạy ngay đến chiếc lồng sóc. Không với tới lồng được, thần kiếm một cây sào tựa vào lồng rồi leo lên như người lính thuỷ leo dây thừng vậy. Thần lắc cửa căn nhà nhỏ màu xanh, nhưng cửa căn nhà đã khoá. Bà cụ thấy con sóc ló đầu ra khỏi chỗ chiếc bánh xe. Nó cùng thiên thần trao đổi với nhau một hồi lâu. Sau đó, thiên thần theo cây sào tụt xuống đất rồi biến mất. Bà cụ chắc mẩm chẳng còn được trông thấy thiên thần nữa nhưng vẫn ngồi bên cửa sổ. Một lát sau, bà thấy thần trở lại. Thần đi vội vã, chân như không chạm đất, chạy đến bên chiếc lồng. Bà thoáng thấy thần cầm trong tay một vật gì. Thần đặt vật cầm trong tay trái lên hè và mang vật cầm trong tay phải đến tận chiếc lồng. Thần dùng guốc đá mạnh, phá chiếc cửa sổ nhỏ, đưa vật đang cầm cho con sóc. Sau đó, thần tụt xuống, nhặt vật để trên hè và lại trèo lên lồng. Ngay sau đó, thần bỏ đi, nhanh đến nỗi bà cụ nhìn theo không kịp.

Thế là bà cụ không thể ngồi yên trong nhà được nữa, bà rón rén đi ra cửa, nấp trong bóng tối, để rình thiên thần. Một con mèo cũng đã trông thấy thần và lòng hiếu kì nổi dậy. Nó bước lén đến tận bức tường. Bà cụ và chú mèo ngồi đợi một lúc lâu trong đêm. Bà đang định trở vào nhà thì nghe thấy tiếng động trên vỉa hè, thiên thần đang lon ton trở lại. Cũng như lần trước, hai tay thần đều mang nặng, vật thần mang trên tay kêu la vùng vẫy. Bà cụ hiểu ra là thần đã mang những con sóc con trong rừng về đây cho mẹ của nó, để lũ con khỏi bị chết đói.

Để thiên thần khỏi sợ, bà cụ đứng yên không động đậy. Thần định đặt một chú sóc con xuống đất để mang nhanh chú khác lên lồng thì thấy ngay cạnh mình loé lên ánh mắt của con mèo. Thần đứng không nhúc nhích, bối rối, mỗi tay cầm một chú sóc con. Sau đó, thần quay lại, nhìn bốn phía, thấy bà cụ. Chẳng do dự, thần chạy lại chỗ bà, chìa cho bà một chú sóc con.

Bà cụ không muốn tỏ ra không xứng đáng với lòng tin cậy ấy. Cụ cúi xuống, đỡ lấy chú sóc con và giữ nó cho đến lúc thiên thần đã mang được chú sóc kia lên lồng, trở lại lấy chú sóc đã gửi bà.

Sáng hôm sau, bà cụ đã kể lại những điều cụ trông thấy hồi đêm cho mọi người trong trại. Mọi người đều chế giễu, cho là cụ đã nằm mê. Tin chắc ở mình, bà cụ mời mọi người đến lồng sóc xem. Mọi người làm theo lời bà. Trong chiếc lồng, trên một lớp lá trải làm giường, có bốn con sóc con, mắt mới hé một tí, ra đời ít nhất cũng được 2, 3 ngày rồi.

Khi trông thấy lũ sóc, người chủ trại vừa ngạc nhiên vừa xấu hổ. Bác nhấc sóc mẹ cùng lũ con của nó ra khỏi lồng, đặt vào tạp dề của bà cụ và nói:

– Xin cụ hãy mang chúng vào rừng và trả lại tự do cho chúng!

Trần Nguyên Thái, cô gái đoạt 5 Huy chương Vàng

Trần Nguyên Thái sinh ra xinh xắn như nhiều bé gái khác. Năm 1966, tai hoạ giáng xuống khi cô bé mới 2 tuổi. Mẹ đi làm đêm, chị gái 11 tuổi trông em làm đổ đèn dầu.

Dẹp tình riêng vì nghĩa lớn

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232 – 1300) là một vị anh hùng dân tộc lỗi lạc. Ông được nhân dân tôn là Thánh (Đức Thánh Trần), đời đời thờ phụng không phải chỉ vì tài năng quân sự kiệt xuất và những chiến thắng lẫy lừng

Nhân cách quý hơn tiền bạc

Mạc Đĩnh Chi (1272 -1346) quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, thi đỗ Trạng nguyên năm 1304. Mạc Đĩnh Chi làm quan trải qua ba triều nhà Trần. Ông thông minh, giỏi thơ văn và có tài đối đáp rất sắc bén.

Đôi bạn

Làng Mèo Tà Pình và làng Mán Động Hía thù nhau từ đời này qua đời khác chỉ vì cái chuyện giữa nhà thống lí Mèo và nhà vua Mán.

Đồng tiền vàng

Một hôm, vừa bước ra khỏi nhà, tôi gặp một cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi, ăn mặc tồi tàn, rách rưới, mặt mũi gầy gò, xanh xao, chìa những bao diêm khẩn khoản nhờ tôi mua giúp.

Chú mèo đánh răng

Bác Lợn mới mở cửa hàng bán bàn chải đánh răng, trước cửa có treo một biển quảng cáo rất to: “Bàn chải đánh răng chất lượng hạng nhất, một lần sạch ngay”.

Bông lúa mì

Ngày xưa có hai chú chuột tên là Crúc và Véc sống chung với một chú Gà Trống. Một hôm Gà Trống quét sân thấy một bông lúa mì rơi trên mặt đất...

Cậu bé đứng ngoài lớp học

Vũ Duệ người làng Trình Xuyên, huyện Sơn Vi, Sơn Tây (nay là huyện Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phúc).

Cò và vạc

Cò và Vạc là hai anh em, nhưng tính nết rất khác nhau. Cò thì ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, sách vở sạch sẽ luôn luôn được thầy yêu bạn mến. Còn Vạc thì lười biếng, suốt ngày chỉ nằm ngủ. Cò bảo mãi, Vạc chẳng nghe.