Phạm Ông và Tiều Phu

Cáo quan, Phạm Ông về dựng một ngôi nhà gỗ năm gian xinh xắn trên đất của cụ Tổ để lại gần bờ sông Lau, hương Hạ Đan. Mảnh đất giàu phù sa, mầu mỡ, cây cối tốt tươi, mùa nào quả ấy. Từ nay trở đi, ông sẽ sống một cuộc sống an nhàn: Xới vườn, câu cá, đọc sách và ngâm thơ. Dân quanh vùng gọi ngôi nhà vườn của Phạm Ông là Phạm Gia Trang. Chẳng bao lâu tiếng tăm của Phạm Gia Trang lan ra khắp cõi, thu hút không chỉ tao nhân mặc khách mà cả phường đạo tặc, thảo khấu.

Phạm Ông vốn xuất thân quan văn, nhưng từ nhỏ đã được ông nội, một võ quan thời thịnh Trần, từng lập nhiều chiến công hiển hách chống giặc Nguyên - Mông luyện cho thập bát ban võ nghệ. Công tử họ Phạm thi đỗ tiến sĩ, được tiến cử giữ chức quan Tri phủ Lộ Hải Đông, dưới thời vua Dụ Tông.

Sau thời thịnh trị, nhà Trần rơi vào vận mạt, giặc giã trộm cướp nổi lên khắp nơi. Nhà vua mấy bận cử Tri phủ họ Phạm cầm quân đánh dẹp đám thảo khấu ở miền sơn cước và đám hải khấu vùng duyên hải, công trạng không nhỏ, rất được Tướng quân Tiết chế yêu mến, được thăng hàng võ quan vài ba trật.

Sau ngày Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” bị vua Dụ Tông bác đi, từ quan về nhà dạy học. Họ Phạm nghĩ tay mình cũng đã nhúng máu không ít người vì nghèo khổ, vì bị áp bức mà phải nổi dậy, bị úp cho cái mũ thảo khấu hay hải khấu, thấy ân hận mới lấy cớ tuổi cao (dù chỉ ngoài năm mươi), mắc bệnh trọng, cáo quan về ở ẩn tại lão hương Hạ Đan. Tự xưng là Phạm Ông.

Một đời làm quan thanh liêm, triều thần nhiều kẻ ghen ghét, gia sản chẳng có là bao, nhưng được sống thanh bạch cũng là đáng để tạ ơn trời phật rồi. Vợ mất sớm khi còn tráng kiện, nhưng Phạm Ông ở vậy, cố chăm nuôi mụn con gái nên người. Con gái đến tuổi cập kê, dù không phải bậc quốc sắc thiên hương, nhưng cũng vào loại đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhiều người đi lại mai mối, những con nhà thư hương môn đệ không ít, nhưng chẳng ai lọt con mắt xanh. Thành thử khi Phạm Ông lui về ở ẩn, vẫn chỉ hai cha con.

***

Người Hạ Đan đa phần theo nghề cày cuốc, có thêm nghề sao ướp chè nổi tiếng. Những bậc lão niên, những nhà quyền quí ở Hạ Đan có hai thói quen là thưởng trà và câu cá, tự coi là cao nhã, hơn người. Những quán trà được dựng ở ven sông, dưới bóng những cây gạo tháng ba rực đỏ hoa, gần bến đò ngang, gần chợ. Vào những ngày trời đẹp, Phạm Ông mặc áo lụa sồi giấn mầu gụ, đội nón lá nhẹ, đem theo con gái ra bờ sông Lau, chọn chỗ nước sâu, đứng sóng dưới những cành gạo lòa xòa mặt sông hoặc một cây đa lá to xanh đẫm, lười nhác thả câu, ngồi cả ngày không chán.Con sông Lau chẩy từ miền non cao, luồn lách qua những hẻm núi, lớn dần lên, hội với trăm ngàn suối nhỏ qua những tràn ruộng rộng Hạ Đan, mùa thu trong xanh. Ngoại trừ mùa lũ chở đầy phù sa vàng ngầu, sóng cuồn cuộn xô đẩy nhau như những đàn trâu nước hùng hổ, hoang dã, con sông dịu dàng nâng đỡ những bè mảng nối đuôi nhau trôi xuôi không lúc nào ngớt. Nhiều thuyền lớn kéo buồm nâu, chở khẳm hàng lên ngược, những lá cờ đuôi nheo trên đỉnh cột buồm gió reo phần phật.

Trên thượng nguồn sông Lau, các sắc tộc ít người sinh sống, bị tầng tầng lớp lớp quan lại thi nhau đè đầu cưỡi cổ, gây nên nhiều chuyện oan khuất, triều đình không ngó ngàng tới. Những người dân sơn cước hiền lành được dạy tin rằng, nhà vua sáng suốt nhìn thấu cả, sẽ trừng trị tham quan. Nhưng vua sáng thì ở tận Cửu trùng đài, thảng hoặc mới ngự thuyền Rồng tuần du sông Lau. Biết khi nào thì vua tuần du sông Lau, vì thế những người có oan khuất viết thư tố khổ cho vào ống trúc, dùng sáp ong bít chặt, cứ ngày Một ngày Rằm hàng tháng đem thả cho trôi sông, hi vọng được trời run rủi đưa tới tận tay nhà vua.

Một chiều, trong lúc buông câu ở vũng sông Cây Gạo, thì Phạm Ông thấy một ống trúc được sóng quẩn đưa vào gần bờ. Thường khi thấy những ống trúc như thế, Phạm Ông chỉ lặng lẽ dùng sào tre đẩy nhẹ cho chúng rời khỏi xoáy, trôi tiếp. Ngày mới về quê, ông đã không chỉ một lần vớt những ống trúc, mở đọc những tờ giấy được cuốn chặt bên trong. Ông hiểu nỗi thống khổ của dân chúng. Ông biết nỗi bất bình đang dần không thể kìm nén, giống như than xoan và phân rơi đang được chất đầy lên trong những hang động sẽ có một ngày biến thành thuốc súng.

Lần này, sóng quẩn đưa tới một ống trúc còn tươi mầu nắng, chưa bị nước làm cho tối thẫm. Có lẽ mới được thả ở một khúc sông gần đâu đây. Tò mò, Phạm Ông vớt lên, mở nút sáp, thấy một vuông vải trắng, bèn mở ra coi. Vuông vải trắng rộng cỡ một bàn tay, phía trái góc trên đóng dấu vuông màu đỏ hình ba cạnh, giữa có ngôi sao sáu cạnh mầu đen. Đó là dấu hiệu tượng trưng của các nhóm thảo khấu ở phía bắc mà ông đã nhiều lần đánh dẹp.

Cứ tưởng sau trận huyết chiến ở Sà Cốc, đám thảo khấu đã vỡ mật tan thành bèo bọt. Nào ngờ dư đảng lại nổi lên. Trên vuông vải trắng viết: Phạm tri phủ, hãy giữ tốt thủ cấp, chúng ta sẽ sớm đến lấy. Chữ viết bằng bút lông, ngay ngắn chứng tỏ có sự đào luyện.

Phạm Ông không một chút sợ hãi. Nhưng có chút phiền lòng. Ông đã nhiều phen đối đầu với cái chết, lần nào cũng vượt qua nó một cách vẻ vang. Có gì mà sợ. Ông phiền lòng, vì Phạm tiểu thư còn nhỏ tuổi, nếu đối đầu với đảng cướp, không may ông bị giết thì ai sẽ bảo vệ, che chở cho con.

Tối ấy, cơm nước xong, Phạm Ông kêu con gái lên thư phòng nói chuyện. Ông kể cho con gái nghe thời còn là mệnh quan của triều đình, ông đã đi đánh dẹp các đảng cướp như thế nào. Ông nói, những tên cướp bị rơi đầu dưới lưỡi gươm của ông, không phải ai cũng đáng tội chết. Ông đem lại sự bình yên cho nhiều người, nhưng cũng kết oán với không ít người. Nay tàn dư của đảng cướp cũ lại nổi lên, đã gửi thư dọa đòi mạng ông. Vì vậy ông muốn tìm cho con gái một nơi nương tựa.

Với danh tiếng của ông, ông có thể tìm cho con một chỗ tử tế, chốn thư hương hoặc thân hào có thế lực. Phạm tiểu thư tuy còn nhỏ tuổi nhưng quyết không rời xa cha, xin sẽ sống chết cùng cha. Ý khí kiên cường, thật đúng như các bậc tiền nhân đã nói, cha nào con ấy. Vậy thì phải kiếm một người chồng giỏi giang, có võ nghệ. Lập tức Phạm Ông cho treo biển “Tỉ võ kén rể”.

***

“Biển tỉ võ kén rể” do chính tay Phạm Ông viết trên một tấm vải đỏ được treo lên cây bạch trà trăm tuổi, cao gần một trượng ở trước cổng, gió bay phần phật. Cây bạch trà được cụ tổ họ Phạm trồng khi mua mảnh đất này làm nơi ẩn cư. Cây trà cao gần một trượng, nở hoa vào khoảng tháng một chạp, kéo dài cho hết mùa xuân. Hoa trắng tinh khiết, chịu được gió sương, tượng trưng cho sự liêm chính tiết tháo của dòng họ.

Từ khi tấm phướn đỏ “Tỉ võ kén rể” được treo lên, không ít người trẻ tuổi tìm đến, nhưng toàn là lũ trai hám sắc văn dốt vũ dát (nhát), chẳng ai có thể lọt vào mắt xanh Phạm tiểu thư. Việc ấy khiến Phạm Ông thấy buồn. Phạm tiểu thư từ nhỏ đã được cha cho theo học nữ công gia chánh, còn khuyến khích đọc sách và luyện tập võ nghệ. Tiểu thư thấy cha buồn thì nói, nhân duyên có số, mà con cũng không muốn lấy chồng, con muốn ở với cha suốt đời. Nghe con gái nói vậy, Phạm Ông gật đầu cho là phải, là chưa gặp duyên thôi, chứ ông đâu mong con gái thành bà cô già. Thành thử tấm phướn đỏ vẫn treo trên cây bạch trà.

Một ngày kia, khi Phạm Ông đang ngồi nhấm nháp li trà sáng thì từ ngoài cổng vọng vào tiếng rao, mua củi ơ, mua củi. Tiếng rao lặp lại ba lần, hiển nhiên là nhằm tới Phạm Ông. Lúc ấy Phạm tiểu thư vừa từ trong nhà ra, đứng sau lưng cha. Phạm Ông nói với con gái, để cha coi, rồi đứng dậy khoan thai bước về phía cổng.

Tiều phu là một gã trai chân đất, chừng hai lăm hai sáu, thoáng nhìn cũng biết có tập luyện võ nghệ. Gã nói, lão gia mua củi. Hai bó củi của gã thật to, toàn củi tốt, được bó rất bằng bặn. Chiếc đòn xóc làm bằng gốc tre đực nom bóng loáng chứng tỏ tính chuyên nghiệp của gã tiều phu. Gã thấy Phạm Ông chăm chú nhìn gánh củi thì nói, lão gia nhấc thử coi, toàn củi chắc. Nhìn thì cũng biết, nhưng Phạm Ông vẫn hơi cúi xuống định nhấc bó củi, thì nhanh như chớp gã tiều phu đã rút chiếc đòn xóc, nhằm đầu ông đánh xuống.

Phạm Ông giật mình. Không ngờ gã tiều phu lại ra tay nhanh đến vậy. Nhưng tấm thân đã trải qua trăm trận, Phạm Ông phản ứng mau lẹ, đảo nhanh người rồi giơ tay lên gạt chiếc đòn xóc đang ở thế ngàn cân bổ xuống. Lập tức gã tiều phu chuyển thế đánh, đâm thẳng vào cổ đối phương. Không kìm được, Phạm tiểu thư hét lên một tiếng.

Đó là một miếng đánh hiểm, nếu trúng đòn, đối phương chắc chết. Phạm Ông là một cao thủ, liền ngã người thật thấp, dùng tay gạt chiếc đòn xóc, mượn đà đẩy gã tiều phu lao lên, rồi nhanh chóng chiếm vị trí phía sau. Gã tiều phu không phải tay vừa, lập tức đổi thế đối mặt với Phạm Ông, nhưng đã ở vào thế thủ, trán rịn mấy giọt mồ hôi.

Ha ha, Phạm Ông cười to, lui lại ba bước nói, chàng trai, có phải cậu đến vì tấm phướn đỏ treo trên cây trà nhà ta không? Giọng Phạm Ông bình ổn, dường như chưa hề trải qua cuộc đấu sinh tử vừa rồi. Gã trai thu đòn xóc nói, chính thế. Phạm Ông hài lòng nói, võ đòn xóc của cậu thật tinh thông, độc đáo nữa. Mời vào uống trà, cùng đàm đạo.

Phạm Ông sai người nhà bày điểm tâm, cùng gã tiều phu phân ngôi chủ khách, nói nhà chỉ có một tiểu nữ, cũng đến tuổi cập kê, lại giòng dõi nhà võ nên mới treo phướn kén rể. Rồi hỏi, chẳng hay tiểu điệt quê quán ở đâu, theo thầy võ nào? Gã tiều phu chắp tay cung kính thưa, tiểu điệt mồ côi từ nhỏ được sư phụ đưa lên Tam Thiên Lĩnh truyền võ độc môn để phòng thân, sống nghề tiều phu qua ngày. Phạm Ông truyền gọi con gái ra, nói lão gia chỉ có một mụn gái này, nếu tiểu điệt không chê, ta sẽ chu toàn cho.

Phạm Tiểu thư rớm nước mắt, nhưng giọng cương quyết, con xin cha, con không muốn lấy chồng. Con sẽ ở cùng cha đến già. Gã tiều phu đứng dậy, cung kính thưa, gã chân đất bình sinh dựa vào đòn gánh kiếm củi nuôi thân, chưa bao giờ mơ đến cửa thư hương, càng không dám đũa mộc chòi mâm son. Do ngưỡng mộ uy danh tướng công, mạo phạm tỉ võ, tiểu điệt chỉ mong có duyên được tướng công thu nhận làm người làm vườn, mượn khi rỗi rãi thì luyện tập võ nghệ, nâng cao công phu.

Phạm Ông ngẫm nghĩ một lát rồi mời gã trai ngồi xuống nói, lão gia cũng vinh hạnh có được một người làm vườn như tiểu điệt.

Từ đó ngày ngày, gã trai miệt mài gánh nước, bổ củi, làm vườn và cùng Phạm Ông luyện tập. Phạm Ông được chân truyền Việt Xuân kiếm, do Hưng Đạo Vương sáng chế. Bởi gã tiều phu quen dùng đòn xóc, nên ông bèn nghiền ngẫm biến chiêu cho phù hợp để luyện cùng y. Gã tiều phu là một tài năng võ học, tiếp thu những chiêu tuyệt học rất nhanh. Những lúc hai người đấu với nhau, gã luôn tung ra những sát chiêu.

Từ ngày Phạm Ông lui về ở ẩn, triều chính càng thêm thối nát, nạn mua quan bán chức phát triển như măng mọc mùa mưa, dân chúng bị bòn vét đến cùng cực, mất đất mất ruộng, kêu trời không thấu, người phải bỏ trốn đi nước khác, người thì lên rừng lập đảng nhóm chống lại. Lúc ấy có loạn lớn ở miền duyên hải, đại thần bèn hiến kế nhà vua, cho gọi Phạm Ông trở lại cầm quân tiễu diệt hải khấu. Quan tri huyện Sông Lau cưỡi thuyền về hương Hạ Đan, đến thẳng Phạm Gia Trang.

Tri huyện nói, ở miền duyên hải, bọn phản tặc mọc nhanh như cỏ dại, nhà vua tin tưởng tướng quân đã ban chỉ để ngài lĩnh ấn tiên phong trừ diệt hải tặc. Mặc dù lui ẩn cư ở hương Hạ Đan, nhưng do mối quan hệ gần gụi với dân chúng, Phạm Ông hiểu rõ, do bị bần cùng mà dân duyên hải mới bị bức làm hải khấu. Ông không muốn tay mình lại vấy máu lương dân, bèn nói, bản lão gia sở dĩ lui về ở ẩn là do tuổi già và bệnh tật, nay tự xét mình không đủ sức cầm quân. Xin huyện quan về bẩm báo với bề trên. Bất chợt có tiếng vỗ tay, vang lên một tràng cười sảng khoái. Phạm Ông quay nhìn thì thấy gã tiều phu- làm vườn miệng huýt gió, đủng đỉnh bước đi.

Huyện quan giận tím mặt, quay thẳng ra thuyền, ném lại một câu đầy đe dọa, tướng quân, ngài không biết trời cao đất dày rồi.

Một hôm, sau cuộc đấu một trăm hiệp (mọi ngày chỉ đấu chừng ba mươi hiệp), Phạm Ông đổi cách xưng hô, hỏi gã tiều phu, tiên sinh vẫn còn ý định giết lão gia này chứ? Gã tiều phu vội quì xuống, chắp hai tay nói, tướng công quá nặng lời. Tiểu điệt một lòng ngưỡng vọng tướng công, được ngài chiếu cố cho làm việc, cho cùng luyện võ, thật công lớn trời biển, bao giờ mới báo đáp được. Phạm Ông cười nhẹ nhàng, bảo người làm pha trà, một mình ngồi đến khuya.

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh Tam Thiên Lĩnh, mở cửa đã thấy gã tiều phu gọn ghẽ với một gánh củi đợi ở ngoài cổng. Phạm Ông bước ra hỏi, tiên sinh bỏ đi hôm nay sao? Gã tiều phu chắp tay nói, tiểu điệt là kẻ lãng du, ngã đâu đấy là nhà, cũng đến hạn phải đi rồi.

Phạm Ông bảo, hãy gượm. Rồi kêu người nhà bưng ra một khay bạc, nói đây là tiền công của tiên sinh, hãy nhận lấy. Gã tiều phu cầm hai nén bạc, nói chừng này là đủ rồi. Vừa lúc ấy Phạm tiểu thư cũng đi ra, đưa gã một đôi giầy vải tự khâu, bảo lâu nay tiểu nữ gọi tiên sinh là Chân đất, dù đùa nhưng cũng là bất kính. Vậy đôi giày tiểu nữ khâu tặng tiên sinh thay lời xin lỗi.

Gã tiều phu nhìn Phạm tiểu thư, bắt gặp đôi mắt bồ câu long lanh, nghiêng mình nói, xin nhận, rồi cất vào ngực áo. Gã nói với cả hai cha con, có duyên sẽ gặp lại, rồi xốc gánh củi lên vai, bước đi thoăn thoắt, chả mấy chốc đã mất hút sau đám bụi đường.

Phạm tiểu thư nói, sao cha lại để cho gã đi, chả phải cha muốn có thêm một võ sĩ ở kế bên để nếu thảo khấu đến thì dễ bề chống đỡ sao? Phạm Ông nhìn con gái, thầm khen vì trí thông minh. Cô quả rất hiểu ông. Khi cô từ chối lời hứa hôn với kẻ được cha tuyển chọn, ông đã không giận dữ, không ép buộc cô mà lặng lẽ chấp nhận. Đó là vì mục đích sâu xa của ông là tìm một người đủ mạnh mẽ giúp ông bảo vệ con gái.

Phạm Ông nói, gã chính là thổ phỉ, định chui vào nhà ta, tìm cách giết cha. Cha đã sớm biết nhưng tha mạng cho gã. Nay thời cơ để ra tay đã qua rồi, lại được cha tha mạng, đến hạn gã phải trở về thanh toán ân oán với đồng bọn. Nên cha không nài giữ. Suýt chút nữa thì con đã là vợ một thổ phỉ, Phạm tiểu thư thốt lên. Phải, cha cũng không muốn gả con cho thổ phỉ, Phạm Ông gật đầu.

Sau khi gã tiều phu rời Phạm Gia Trang được ít lâu thì có viên Bổ Khoái dẫn theo một tốp lính triều đình mang lệnh của nhà vua đến bắt Phạm Ông về kinh đô chịu tội. Phạm Ông bình tĩnh hỏi, ta phạm tội gì? Tội mưu phản, viên bổ khoái đáp. Rồi lệnh cho tốp lính lập tức gông Phạm Ông lại. Phạm Ông ngửa mặt lên trời kêu to, vận nước suy vi, lệ dân khó tránh khỏi kiếp nạn, nhà Trần mạt thật rồi. Bổ khoái thét lính, giải phạm nhân về kinh. Phạm tiểu thư chạy theo khóc lớn, luôn miệng gọi cha ơi, cha ơi. Phạm Ông ngoái lại nói, con hãy lên Tam Thiên Lĩnh tìm chú Phạm Tâm, nói rõ chú biết về cha.

Chiếc thuyền quan được neo gần bờ, sóng đánh dập dềnh. Người lái thuyền cầm cây sào quay lưng nhìn ra mặt sông rộng. Viên bổ khoái cùng tốp lính đẩy Phạm Ông lên thuyền, ra lệnh nhổ neo, xuất phát. Người lái thuyền quay lại. Phạm Ông nhận ra chính là gã tiều phu. Gã vung cây sào nhằm vào đầu viên bổ khoái. Đòn ra nhanh đến mức viên võ quan của triều đình không kịp chống cự, ngã vật xuống sông để sóng cuốn đi. Đám lính hốt hoảng vội quì mọp, nói xin tha mạng. Gã tiều phu nói, tất cả bỏ vũ khí lại, nhảy xuống sông bơi sang bờ bên kia. Rồi tháo gông cho Phạm Ông. Hai người lên bờ, quay về Phạm Gia Trang.

Phạm Ông hỏi, sao tiên sinh biết ta bị bắt mà đến ứng cứu? Gã tiều phu đáp, tiểu điệt được trại chủ Hận Triều Sơn thu nạp, nói có thù sâu với tướng công, tướng công đã giết chết đại ca của hắn, phải lấy đầu tướng công về tế. Chủ sơn trại phái tiểu điệt chui vào nhà tướng công tìm thời cơ ám sát.

Tiểu điệt thấy tướng công là người đại nhân đại nghĩa, võ nghệ lại cao cường. Tiểu điệt biết tướng công đã phát hiện ra mưu kế của sơn trại, có thể hạ sát tiểu đệ ngay buổi đầu, nhưng đã tha mạng. Vì thế tiểu điệt càng thêm kính phục. Phạm Ông nói, có thế thật. Gã tiều phu nói tiếp, tiểu điệt về Hận Triều Sơn, thanh toán ân oán nợ nần rồi về huyện lị nghe ngóng. Tiểu điệt biết chắc triều đình sẽ bắt tội tướng công, nên phục ở bến này để hôm nay có dịp trả ơn tướng công.

Phạm Ông nói, ta vốn là mệnh quan triều đình, ăn lộc của triều đình. Nghe tiên sinh giãi bầy, ta đã hiểu. Ta sẽ không làm bận chân tiên sinh. Nói rồi bèn tự ngắt đứt kinh mạch mà chết. Phạm tiểu thư thấy cha gục xuống, máu tràn ra miệng thì khóc ngất. Gã tiều phu nói, tiểu thư đừng quá đau buồn, hãy cứng rắn lên lo tang lễ cho tướng công.

Sau lễ cúng ba ngày cho Phạm Ông, gã tiều phu gặp Phạm tiểu thư chào từ biệt. Đau thương làm cho Phạm tiểu thư gầy xanh, nhưng vẻ kiều diễm vẫn không bị che lấp. Nàng nhìn gã trai nói, phướn đỏ kén rể vẫn còn treo đó.

Bảy điều ước

Ngày xưa có hai vợ chồng bác nông sinh được hai người con trai. Người anh thì tham lam, lười biếng còn người em thì thật thà, tốt bụng, chăm chỉ chịu thương chịu khó...

Con ma báo thù

Ngày xưa ở Gia-định có một tên cướp lợi hại bị bắt và kết án tử hình. Trong ngục, hắn ta bảo người nhà đem hậu lễ đến chạy chọt với tên quan án để mong quan cố tìm cách cứu hắn thoát chết...

Âm dương giao chiến

Ngày ấy, có một trận mưa lụt rất dữ dội, khúc đê ở xã Thọ-triền bị vỡ, mùa màng hư hại, nhà cửa, súc vật trôi nổi theo dòng nước bạc...

Nợ duyên trong mộng

Ngày xưa ở động Sơn-la thuộc Hưng-hóa có một chàng trẻ tuổi tên là Chu sinh. Bố mẹ mất sớm, chàng được chú đưa về nuôi cho ăn học. Nhưng người chú yêu dấu cháu bao nhiêu thì người thím lại ghét bỏ bấy nhiêu...

Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà. Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt...

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề...

Vua heo

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé mồ côi, quần áo rách rưới lang thang đi ăn xin khắp nơi, có lần đến ngôi làng nọ, có một người thấy cậu cũng nhanh nhẹn bèn mang cậu về nhà nuôi để sai vặt...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...

Sự tích con thạch sùng

Ngày trước, ở vùng nọ có đôi vợ chồng Thạch Sùng, gia đình vốn nghèo khó. Họ cùng nhau sống chui sống lủi ở túp lều ngay gần chợ để xin ăn cho qua ngày...