Nói đến sao chổi rất nhiều người nghĩ rằng sao chổi là một thiên thể đẹp đẽ có cái đuôi rất dài. Thời cổ đại sự xuất hiện của sao chổi thường được coi là điềm tai hoạ. Trên thực tế sự xuất hiện của nó chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà thôi.
Những sao chổi mà ta nhìn thấy gồm có 3 bộ phận cấu tạo thành: đó là đầu sao chổi, tóc sao chổi và đuôi. Trong đó đuôi là bộ phận thu hút sự chú ý nhất, nó có thể dài đến mấy vạn km, thậm chí còn dài hơn. Thành phần chủ yếu của đầu sao chổi là băng và có một ít bụi. Tóc sao chổi và đuôi sao chổi là các chất khí và bụi do đầu sao chổi bị tác dụng bức xạ của Mặt Trời mà tạo thành.
Đầu thế kỷ XX các nhà thiên văn tính toán được năm 1910 sao chổi Halley sẽ bay đến gần Mặt Trời và đuôi của nó sẽ quét qua Trái Đất. Hồi đó người ta lo sợ muôn phần. Một số báo chí thậm chí còn tuyên truyền thế giới đã đến ngày tận thế. Ngày 19 tháng 5 sao chổi Halley đã đi qua quỹ đạo Trái Đất nhưng Trái Đất đã xuyên qua đuôi của nó một cách bình thường. Trên thực tế đuôi sao chổi là do những chất khí loãng tạo thành. Cho nên khi Trái Đất xuyên qua đuôi sao chổi thì giống như con én xuyên qua lớp sương mù, không hề bị ảnh hưởng gì.
Sao chổi quét qua Trái Đất sẽ không gây ảnh hưởng gì, nhưng nếu bộ phận chủ yếu của sao chổi là nhân sao chổi va chạm với Trái Đất thì không phải là bình an vô sự. Nhân sao chổi có thể va chạm với Trái Đất không?
Sáng sớm ngày 30 tháng 6 năm 1908 một thiên thể mang một quả cầu lửa rất lớn đã nổ trên bầu trời khu vực Tunguska phía tây bắc hồ Bera 800 km của vùng Siberi Nga. Quả cầu lửa rơi xuống còn sáng chói hơn cả Mặt Trời buổi sáng, tiếng nổ lớn chấn động truyền xa hơn 1000 km. Nhiều tài liệu khảo sát chứng tỏ rằng, vụ nổ này có khả năng là sao chổi đâm vào Trái Đất gây nên.
Từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 7 năm 1994, 21 mảnh vụn của sao chổi "Shoemaker - Levy 9" sắp thành một dãy giống như chuỗi tràng hạt kéo dài mấy triệu km, liên tục đâm vào sao Mộc. Vết đen khổng lồ để lại trên sao Mộc chỗ lớn nhất có thể chứa lọt 2 Trái Đất. Có thể tưởng tượng được sức va chạm lớn biết bao!
Do đó có thể thấy sao chổi đâm vào Trái Đất là có khả năng tồn tại. Nhưng người ta không nên vì thế mà quá lo sợ, bởi vì khả năng phát sinh sự kiện này là vô cùng hiếm hoi. Nhưng các nhà thiên văn cũng rất coi trọng vấn đề này. Ví dụ nước Mỹ đã có kế hoạch tìm quét các tiểu hành tinh bay đến gần Trái Đất, mục đích là để giám sát các tiểu hành tinh và sao chổi, dự phòng chúng va chạm với Trái Đất. Ngày nay khoa học đã phát triển rất cao, một khi phát hiện sao chổi có khả năng va chạm với Trái Đất thì có thể phóng những con tàu mang theo bom mạnh để tìm cách làm chệch quỹ đạo chuyển động của chúng, tránh sự va chạm xảy ra.