Sự tích cây Quất

Ngày xưa, có ba người bạn nhỏ chơi rất thân với nhau. Thư thích đọc sách ngâm thơ. Mộc ham trồng cây, hái cỏ. Quân mê xem đánh võ, múa đao. Quân vừa bị câm lại bị điếc. Muốn nói gì, Quân phải ra hiệu bằng tay chân. Tay chân của Quân nhanh nhẹn và như nói được thành lời. Xem người múa đao, đánh võ, Quân về nhà cũng tập đánh võ, múa đao. Có con dao nào trong nhà, Quân đều mang ra tập đâm, tập chém. Không con dao nào tránh khỏi bị sứt, bị gãy. Cha mẹ Quân liền giấu hết dao lớn, dao con, và chỉ đưa cho Quân một cành tre nhỏ làm roi. Ngày ngày, cha mẹ Quân đi lên rừng đẵn củi. Quân cầm roi, đánh trâu lên, kéo củi về nhà. Không có dao, Quân cầm roi múa, đánh suốt ngày không biết chán.

Quân lớn nhanh hơn hai bạn, người to cao và khỏe mạnh ít ai bì. Quân cứ chập hai, ba, rồi bốn, năm cây mây lại cho vừa tay, cân sức để tập luyện. Quất Giỏi của Quân, mỗi lần múa lại vù vù như bão nổi. Gặp trăn dữ, Quân vụt một cái, trăn dữ đứt đôi; gặp hổ ác, Quân quật một roi, hổ ác toác đầu. Người quanh vùng thấy tài quất roi của Quân liền gọi là Quất Giỏi.

Năm ấy, nước đang yên thì có tin giặc dữ kéo đến. Giặc đông tiến ào ào như sóng. Vũ khí chúng nhiều, nhìn tua tủa như rừng mía, rừng lau. Tên tướng giặc lại có phép tinh: dao chặt vào người, đứt chỗ nào thịt da lại liền ngay chỗ ấy. Vua cho quan quân đi tìm người tài giỏi để giết giặc. Quất Giỏi xin phép cha mẹ lên đường về kinh. Thư cho Quất Giỏi cây bút đẹp nhất, Mộc cho Quất Giỏi bị gạo ngon nhất.

Thấy Quất Giỏi đến, vua liền hỏi:

– Liệu ngươi có đủ sức để giết chết tên tướng giặc kia không?

Tưởng vua hỏi cầm gì ở tay, Quất Giỏi liền giơ lên cây bút Thư đã cho mà dọc đường Quất Giỏi đã đánh rơi mất cái đầu. Quan liền tâu:

– Anh ta quyết sẽ chặt bay đầu giặc.

Vua lại hỏi:

– Liệu đánh bao lâu thì trừ được giặc kia?

Tưởng vua hỏi mang gì ở vai, Quất Giỏi liền mở bị ra. Quan liền tâu:

– Anh ta hứa, ăn hết chừng ấy gạo thì giặc không còn!

Vua hỏi thêm:

– Dẹp xong giặc, ngươi muốn ta thưởng gì cho xứng đáng?

Tưởng vua hỏi kiếm đâu, Quất Giỏi liền giơ ngang cây roi mây to lớn đang cầm ở tay. Ngọn cây roi chỉ vào một cây chanh đầy quả. Quan liền tâu:

– Tâu bệ hạ, chắc anh ta biết bệ hạ có cây chanh quả bằng vàng nên có ý xin chăng?

Vua gật đầu:

– Được! Ta sẽ không tiếc gì với ngươi cả.

Quất Giỏi ra hiệu, xin vua đúc ngay cho anh một cây roi sắt ba cạnh, nhỏ như cây mây, nhưng dài bằng cây tre. Quất Giỏi cầm roi sắt, cưỡi voi ra trận. Tên tướng giặc cũng vừa cưỡi voi, kéo quân đến sát kinh thành. Vừa thấy Quất Giỏi, tên tướng giặc đã cười khẩy vuốt râu:

– Chú nhãi! Định cầm roi đến phủi bụi áo giáp ta đó à?

Hắn chưa dứt lời, đường roi của Quất Giỏi đã rít lên nghe lạnh gáy. Một bên hông của tên giặc bị rách toác. Nhưng trong nháy mắt, thịt da hắn đã lại kín liền. Hắn lại vung cây đại đao sáng loáng to hơn cả cái mái chèo, chém xuống đầu Quất Giỏi. Quất Giỏi tránh được và cắn răng, lấy hết sức lực vút một đường roi thứ hai. Cây cối quanh đấy như bị bão lốc, rạp cả xuống như lạy quỳ. Tên tướng giặc cúi đầu tránh được đường roi, nhưng vừa ngẩng lên thì đã bị ngay một đường roi thứ ba nhanh hơn chớp tiện ngang cổ tên giặc. Đầu hắn rơi cạnh chân voi, lăn đi lông lốc. Vua mừng rỡ đón Quất Giỏi thắng trận trở về.

Vua vừa hỏi: “Tướng giặc bay đầu thực rồi ư?” Quất Giỏi bỗng đã nghe được, nói được:

– Tâu bệ hạ, giặc có phép tinh liền được da thịt, nhưng không liền được đầu!

Vua liền thưởng cho Quất Giỏi cây chanh quý lóng lánh quả bằng vàng và bảo:
– Muốn lấy vàng thì hái quả, muốn xua rét gọi nắng thì bẻ cành trồng xuống đất sâu! Quất Giỏi cảm tạ vua, mang cây quý về làng.

Năm đó, trời trở rét dữ, Quất Giỏi về đến quê thì thấy mùa màng sắp hỏng mười mươi. Thư đang ốm vì chịu rét không nổi. Mộc đang âu sầu vì cây cối Mộc trồng đều sắp chết đến nơi. Không ngần ngại, Quất Giỏi liền bẻ từng cành cây chanh vàng cắm sâu xuống đất. Cái rét bỗng tan đi, mây mù biến mất. Sáng ra lại thấy mặt trời trở về rực rỡ, vui tươi. Người người khỏe lại. Cây cỏ đâm chồi, chim chóc líu lo. Bà con khắp nơi mừng rỡ, lạ lùng…

Ba người bạn từ đó càng yêu thương nhau hơn. Thư học giỏi đi thi đỗ Trạng . Mộc gây được giống lúa hạt cứ to dần, cơm cứ dẻo thơm lên. Quất Giỏi xách roi đi giết thú dữ quanh vùng cho bà con yên ổn làm ăn. Ông cũng vui sướng. Từ đấy mỗi năm, mùa Đông, hễ cây chanh quả vàng đơm quả là nắng về.

Xuân sang. Người ta lấy tên Quất Giỏi đặt cho cây. Cây Quất có bắt đầu từ đấy…

Chiếc áo tàng hình

Ngày xưa ở vùng Cao Bằng có một chàng trẻ tuổi, nay đây mai đó làm nghề chài lưới, tên là Triều. Gia sản của anh không có gì ngoài bộ đồ nghề...

Sự tích chú cuội cây đa

Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp...

Cây tre trăm đốt

Chuyện xưa kể lại rằng, ở vùng nọ có một người nông phu rất nghèo khó, vì vậy nên anh ta không còn cách nào khác là phải đến ở cho nhà một phú ông vô cùng giàu có...

Chàng ngốc học khôn

Ngày xưa, có anh chàng tên là Đần lấy chị vợ tên là Khôn. Cả đời một chữ cắn làm đôi không biết, anh ta lại chẳng chịu thò đầu đi đâu, chỉ ru rú ở xó nhà để vợ sai bảo, từ việc nhỏ tới việc lớn, nên đã đần lại càng đần thêm...

Thần giữ của

Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con, hắn trở nên giàu có lớn...

Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa, vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ...

Trạng nguyên Giáp Hải

Trạng nguyên Giáp Hải là một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Mạc, được ghi chép trong Đại việt sử ký toàn thư. Tuy xuất thân nghèo khổ, nhưng sự kiên trì học tập và tài năng của ông đã được lịch sử ghi nhận và lưu truyền trong dân gian...

Sự tích hồ Ba Bể

Vào hồi đó ở xã Nam-mẫu có mở một hội "vô già" cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim...

Thánh Gióng

Vào thời của vua Hùng Vương trước đây, ở một vùng nọ có người đàn bà tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn phải sống lủi thủi một mình mãi...