Trung Quốc là đất nước có sản phẩm chè phong phú trên thế giới. Nói chung, các ngọn núi trùng điệp, chập trùng, nhấp nhô, biển mây bồng bềnh trôi như Hoàng Sơn mao phong, Quân Sơn Ngân Kim, Thiên Đài Hoa Đỉnh, Thiên Mục Mao Phong… đều là những loại chè thượng phẩm được ưa chuộng, tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tại sao những sản phẩm chè sinh trưởng ở trên núi cao lại đặc biệt tốt? Điều này có liên quan tới môi trường tự nhiên độc đáo như không khí, độ ẩm, độ ấm, ánh sáng, thổ nhưỡng…
Chúng ta biết rằng, núi càng cao không khí càng loãng, áp suất khí quyển càng thấp. Cây chè sống trong môi trường đặc biệt như vậy, tác dụng bốc hơi của lá chè tương ứng nhanh, để giảm bớt sự bay hơi của lá chè thì bản thân lá mầm không thể không hình thành một loại chất đề kháng, để ức chế bốc hơi nước quá nhiều, chất đề kháng này chính là dầu thơm quí báu của lá chè. Đồng thời, trên núi cao một năm bốn mùa thường xuyên mây bao phủ. Ở ngọn núi Lô, bình quân hàng năm có tới 188,1 ngày là có sương mù, vì có sương nên thời gian cây chè hấp thụ tia sáng trực tiếp ngắn, ánh sáng yếu nhiều, phù hợp với đặc tính chịu râm của cây chè. Do núi cao, ngày có sương nhiều, nhiệt độ không khí tương đối lớn, như vậy ánh sáng sóng dài bị cản ngược lại, không chiếu tới thực vật, nhưng những tia ánh sáng sóng ngắn do sức chiếu mạnh, có thể xuyên qua tầng mây chiếu thẳng tới cây, cây chè sau khi chịu sự chiếu sáng của ánh sáng sóng ngắn, có lợi cho sự hợp thành chất thơm trong lá chè. Mùi hương của lá chè được trồng trên núi cao tương đối đậm là vì thế.
Thứ hai là ban đêm ở trên núi cao có sự chênh lệch nhiệt độ lớn với ban ngày, nhiệt độ trên núi cao thấp cũng là một điều kiện có lợi cho sự sinh trưởng lá chè. Ban ngày nhiệt độ cao, các chất dinh dưỡng do tác dụng quang hợp tạo nên nhiều, đêm tối nhiệt độ hạ thấp, tốc độ sinh trưởng của lá chè giảm dần, chất dinh dưỡng tiêu hao trong quá trình hô hấp ít, như vậy có lợi cho sự tích lũy và tạo thành các chất của thành phần có trong lá chè như axit tannic, các loại đường và các dầu thơm, từ đó tạo cơ sở vật chất cho sản xuất chè nổi tiếng.
Còn một điểm nữa, ở những vùng núi cao trồng chè đại bộ phận là đất cát, tầng đất này sâu, nhưng thông khí tốt, độ kiềm axit thích hợp, cùng với rừng rậm rạp, lá rụng nhiều, giúp đất phì nhiêu, giàu chất hữu cơ. Đây cũng là một nhân tố thích ứng cho cây chè sinh trưởng và tốt cho cả chất lượng lá.
Ngoài ra, trên núi cao chập trùng rất hiếm khi bị sự ô nhiễm do con người gây ra. Lá chè không bị ô nhiễm, chất lượng đương nhiên là thượng hạng và tất nhiên được sự ưa chuộng của con người.